04/07/2024 11:31
Nhiều biện pháp hạn chế tăng giá hàng hóa sau đợt tăng lương
Trước nỗi lo giá hàng hóa tăng “té nước theo mưa” sau đợt tăng lương, cơ quan chức năng đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn.
Ngày 3/7, tại hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính - đánh giá, việc tăng lương cơ sở 30% từ ngày 1/7 sẽ không tác động nhiều lên mặt bằng giá cả. Theo ông Độ, Việt Nam có khoảng 50 triệu lao động nhưng tỷ trọng người lao động khu vực công (được tăng lương cơ sở) chỉ chiếm khoảng 8%. Vậy nên phần lương tăng thêm tác động lên mặt bằng giá cả không đáng kể.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, nửa cuối năm 2024 sẽ có 3 nhóm đối tượng được tăng lương gồm: tăng 30% lương cơ sở cho lao động trong lĩnh vực công; tăng 15% lương hưu và dự kiến tăng lương tối thiểu 6%.
“Tổng số tiền tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội khoảng 16.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2024. Tương đương mỗi tháng có gần 3.000 tỷ đồng từ tăng lương. Số lương tăng này không quá lớn nên sẽ không tác động quá nhiều đến giá hàng hóa tiêu dùng”, ông Tuyến nhận định.
Tuy nhiên, từ trước tới nay thường có tâm lý, mỗi khi lương tăng, giá hàng hóa lập tức tăng theo. Theo ông Tuyến, để ngăn việc giá hàng hóa tăng theo lương, cơ quan chức năng cần phối hợp nhiều giải pháp. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát giá nhằm tránh tăng giá bất hợp lý. Các bộ ngành, địa phương trong lĩnh vực quản lý sản xuất dồi dào, lưu thông thuận lợi và cung ứng hàng hóa đầy đủ.
“Đối với mặt hàng nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, các địa phương cần có sự phối hợp, dưới sự chỉ đạo của “nhạc trưởng” Chính phủ để góp phần ngăn tăng giá hàng hóa khi tăng lương”, ông Tuyến đề xuất, theo TPO.
Trước đó, từ ngày 1/7, lương cơ sở (dành cho công chức, viên chức) tăng 30%, tương ứng tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Lương hưu tăng 15%, người nhận lương dưới 3,5 triệu đồng sẽ được tăng 300.000 đồng/tháng. Lương tối thiểu vùng (dành cho người lao động tại doanh nghiệp) cũng đang đề xuất tăng 6%.
Tổng cục Thống kê cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng. Cùng đó, khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng.
Đặc biệt, tránh điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, điện sinh hoạt cùng với thời điểm tăng lương 1/7/2024, dễ gây lạm phát kỳ vọng kéo giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần giảm lãi suất cho vay; điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước phù hợp; bình ổn giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dịch vụ; đồng thời, ổn định nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, kết hợp đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt là các chương trình kết nối cung, cầu trên nền tảng số, thương mại điện tử.
Cùng với đó, thúc đẩy hoạt động du lịch thông qua việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao du lịch, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2024; đồng thời, triển khai các hoạt động kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương có lợi thế, theo TTXVN.
Bộ Công Thương tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá...
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement