22/06/2022 10:31
Nga cảnh báo: 'Tên lửa ngày tận thế' có thể san bằng Vương quốc Anh đã sẵn sàng
Nga sẽ tăng cường hơn nữa các lực lượng vũ trang của mình khi một tên lửa hạt nhân có sức công phá khủng khiếp gần như đã sẵn sàng để sử dụng, ông Vladimir Putin cảnh báo hôm nay.
Tên lửa RS-28 Sarmat nặng 208 tấn với độ cao khổng lồ của một khối tháp 14 tầng - có khả năng tấn công mục tiêu ở tốc độ gần 16.000 dặm/h (25.750 km/h).
Tên lửa hạt nhân được mệnh danh là ngày tận thế có thể mang 15 đầu đạn và có khả năng tiêu diệt một khu vực có diện tích bằng Vương quốc Anh chỉ trong một vụ nổ.
Phát biểu trong buổi bình luận trên truyền hình hôm thứ Ba, nhà lãnh đạo Nga cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và củng cố các lực lượng vũ trang của mình, có tính đến các mối đe dọa và rủi ro quân sự tiềm ẩn".
RS-28 Sarmat đặt theo tên người Sarmatia, là tên lửa nhiên liệu lỏng liên lục địa hạng siêu nặng, trang bị các đầu đạn thâm nhập khí quyển độc lập, được thiết kế và phát triển bởi Viện thiết kế tên lửa Makeyev từ năm 2009. Nó được dự tính sẽ thay thế cho tên lửa R-36M ICBM (SS-18 'Satan') trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga.
Tên lửa Sarmat là một trong số sáu vũ khí chiến lược được Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ vào ngày 1/3/2018. Dự kiến Sarmat được đưa vào trang bị cho quân đội Nga từ năm 2021.
Lịch sử hình thành
Tháng 2/2014, quân đội Nga tuyên bố Sarmat dự kiến được đưa vào trang bị khoảng năm 2020. Vào tháng 5 cùng năm, một nguồn tin chính thức khác cho rằng chương trình đang được đẩy nhanh và theo ý kiến của ông, nó sẽ cấu thành lên đến 100% kho vũ khí hạt nhân cố định trên đất liền của Nga vào năm 2021.
Vào cuối tháng 6/2015, có thông tin cho rằng tiến độ sản xuất nguyên mẫu đầu tiên của Sarmat bị kéo dài hơn dự kiến. Trước đó RS-28 Sarmat dự kiến được đưa vào trang bị năm 2016.
Vào ngày 10/8/2016, Nga đã thử nghiệm thành công động cơ giai đoạn đầu của RS-28 có tên là PDU-99. Hình ảnh đầu tiên của tên lửa đã được giải mật và công bố vào tháng 10 năm 2016.
Vào đầu năm 2017, tên lửa nguyên mẫu được cho là đã được chế tạo và được đưa đến khu vực Sân bay vũ trụ Plesetsk để thử nghiệm nhưng chương trình thử nghiệm đang bị trì hoãn để kiểm tra lại các thành phần phần cứng quan trọng trước khi được phóng thử.
Theo Tư lệnh Lực lượng Chiến lược Nga, Đại tá Sergei Karakayev, RS-28 Sarmat sẽ được triển khai bởi Sư đoàn tên lửa cờ đỏ số 13 của Tập đoàn quân tên lửa số 31 tại Căn cứ Không quân Dombarovsky, Orenburg và cùng với Sư đoàn Tên lửa cờ đỏ số 62 thuộc Tập đoàn quân tên lửa cận vệ số 33 tại Uzhur, Krasnoyarsk, để thay thế cho các ICBM R-36M.
Vào cuối tháng 12/2017, vụ phóng thử đầu tiên của tên lửa đã được thực hiện tại Sân bay vũ trụ Plesetsk. Theo báo cáo, tên lửa chỉ bay được vài chục km và rơi trong phạm vi thử nghiệm.
Vào ngày 1/3/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bài phát biểu thường niên trước Quốc hội Liên bang Nga, nói rằng "giai đoạn thử nghiệm tích cực" của tên lửa đã được bắt đầu.
Ngay sau đó, một nguồn tin quân sự giấu tên được trích dẫn nói rằng thông tin về tên lửa Sarmat vào năm 2007 đã bị phương Tây cố tình tiết lộ. Vào ngày 30/3/2018, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một đoạn video buổi phóng thử thành công lần thứ hai của ICBM RS-28 Sarmat tại Sân bay vũ trụ Plesetsk.
Nga thử tên lửa RS-28 Sarmat.
Vào ngày 24/12/2019, trong cuộc triển lãm các hệ thống vũ khí hiện đại tại Trung tâm Quản lý Quốc phòng Quốc gia, có thông tin cho rằng Sarmat có khả năng thực hiện "chuyến bay trên quỹ đạo phụ với tầm bắn 35.000 km". Các cuộc thử nghiệm của tổ hợp tên lửa này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021 và trong giai đoạn 2020-2027, "hai mươi trung đoàn tên lửa được lên kế hoạch tái trang bị bằng RS-28".
Thiết kế
RS-28 Sarmat có khả năng mang theo tải trọng đầu đạn nặng 10 tấn (gồm 10 đầu đạn hạng nặng hoặc 15 đầu đạn xâm nhập khí quyển độc lập hạng nhẹ. Nó cũng có thể mang một số lượng chưa xác định các thiết bị bay siêu vượt âm dạng tàu lượn Avangard (HGVs) hoặc hỗn hợp đầu đạn cùng nhiều mồi nhử chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tuyên bố rằng tên lửa Sarmat là sự đáp trả với hệ thống Vũ khí tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ.
Sarmat có khả năng bay lên với gia tốc rất lớn, giúp rút ngắn khoảng thời gian nó có thể bị theo dõi bởi các vệ tinh có cảm biến hồng ngoại, chẳng hạn như Hệ thống dò tìm tín hiệu hồng ngoại từ trên quỹ đạo của Mỹ, khiến việc đánh chặn nó trở nên khó khăn hơn.
Người ta suy đoán rằng Sarmat có thể bay theo quỹ đạo qua Nam Cực, hoàn toàn miễn nhiễm với bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại nào, và nó có khả năng tấn công dưới quỹ đạo (FOBS).
Theo nhiều nguồn tin khác nhau, địa điểm phóng của RS-28 sẽ được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động "Mozyr", được thiết kế để loại bỏ lợi thế tấn công phủ đầu của kẻ thù tiềm tàng bằng cách phá hủy bằng động học các loại bom, tên lửa hành trình và đầu đạn ICBM ở độ cao tới 6 km.
(Nguồn: The Sun/Wikipedia)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp