01/05/2022 17:48
NATO là nguyên nhân gây ra xung đột Nga-Ukraina
Trả lời phỏng vấn ngày 30/4, chuyên gia người Mỹ John Mearsheimer cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến xung đột Nga-Ukraina là chính sách mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Giáo sư John Joseph Mearshimer, chuyên gia nghiên cứu khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại trường ĐH Chicago cho rằng, "người Nga đang phản ứng lại âm mưu của phương Tây nhằm biến Ukraina thành bức tường thành trên biên giới với Nga".
Giáo sư John Joseph Mearshimer đánh giá, Mỹ và các đồng minh châu Âu mong muốn Ukraina là một quốc gia thành viên của NATO, qua đó biến Kiev thành một phần của phương Tây. Giáo sư Mearsheimer phân tích: "Từ quan điểm của Nga, ý đồ này rõ ràng là không thể chấp nhận được. Nó thể hiện mối đe dọa hiện hữu, và đó là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng".
Theo chuyên gia người Mỹ, chiến lược của Nga là đảm bảo Ukraina không trở thành một thành viên của NATO, và nói rộng ra là không trở thành một phần của phương Tây. Ông nhận định: "Người Mỹ quyết tâm giành chiến thắng, người Nga cũng quyết tâm giành chiến thắng. Trong tình huống như vậy, thật khó biết cách tìm ra một thỏa thuận hòa bình nào đó nhằm chấm dứt cuộc chiến này".
Tuy nhiên, là một học giả theo chủ nghĩa hiện thực trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, Giáo sư Mearsheimer bảo vệ quan điểm cho rằng chính sách mở rộng của NATO phần lớn sẽ chỉ giới hạn ở châu Âu, đồng thời điểm ra một số tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraina, trong đó có nguy cơ nổ ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Ông nhấn mạnh: "Rõ ràng là sẽ có những tác động thực sự nghiêm trọng, và khi chúng ta nhìn lại 20 hoặc 30 năm trước thì tình hình hiện nay là một bước ngoặt lớn".
Giáo sư Mearsheimer nhấn mạnh: "Khi bạn đề cập đến tương lai của hòa bình quốc tế, tình hình có vẻ rất ảm đạm… quan hệ Nga-Mỹ đang thực sự tồi tệ và hy vọng sẽ không trở nên tiêu cực hơn nữa".
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã, nói rằng Mỹ và NATO nên ngừng trang bị vũ khí cho Ukraina nếu họ quan tâm đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng.
"Nếu Mỹ và NATO thực sự quan tâm đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina, thì trước hết, họ nên thức tỉnh và ngừng cung cấp vũ khí và đạn dược cho Kyiv", Sergey Lavrov nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc.
Mỹ và một số nước châu Âu đã cung cấp vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Ukraina trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội viện trợ 33 tỷ USD cho Ukraina.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo Washington không nên tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kyiv, cáo buộc Mỹ "đổ dầu vào lửa" chiến tranh. Điện Kremlin trước đây đã gọi việc phương Tây giao vũ khí cho Ukraina là mối đe dọa đối với an ninh châu Âu.
Nhiều tháng sau một cuộc xâm lược thất bại trong mục tiêu ngắn hạn là chiếm Kyiv, Moscow hiện đang tăng cường các hoạt động ở khu vực Donbas phía đông Ukraina.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov nói với hãng thông tấn Tân Hoa xã chính thức của Trung Quốc rằng "hoạt động quân sự đặc biệt… đang tiến hành đúng theo kế hoạch".
Trung Quốc đã tránh lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina và bảo vệ tình hữu nghị bền vững của họ với Moscow, với phương tiện truyền thông nhà nước thường lặp lại đường lối của Nga về cuộc chiến.
Nga cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây và các chuyến hàng vũ khí tới Ukraina đang cản trở các cuộc đàm phán hòa bình. Ngoại trưởng Lavrov cho biết các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục - nhưng tiến trình đó rất khó khăn.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nói với các nhà báo Ba Lan rằng rất có thể các cuộc đàm phán chấm dứt mà không có bất kỳ thỏa thuận nào.
Phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt trên diện rộng, phần lớn cắt đứt khu vực tài chính của Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu. Hàng trăm tập đoàn đa quốc gia cũng đã rời khỏi Nga sau cuộc chiến, một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế nước này.
Các nước châu Âu đã cam kết cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga để làm mất nguồn thu của Moscow.
Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng Nga có thể "trang bị lại" nền kinh tế của mình để đề phòng "các hành động thù địch bất hợp pháp" tiềm tàng.
Ông nói thêm rằng Nga sẽ tập trung vào việc rời bỏ đồng USD và ít dựa vào nhập khẩu hơn, đồng thời tăng cường độc lập về công nghệ của mình, Tân Hoa xã đưa tin.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement