08/01/2024 07:46
Nắng nóng cực độ đang đẩy Ấn Độ đến bờ vực 'sống còn'
Ấn Độ đang trên đường trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, có nguy cơ chạm đến giới hạn sinh tồn của con người khi phải trải qua những đợt nắng nóng khắc nghiệt với tần suất thường xuyên hơn.
Cuộc khủng hoảng hiện hữu
Khi cái nóng gay gắt bao trùm thủ đô Ấn Độ vào mùa hè năm ngoái, Ramesh cho biết anh cảm thấy mệt mỏi nhưng không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc cực nhọc dưới cái nắng như thiêu đốt để chu cấp cho gia đình.
Quốc gia tỷ dân này đã sống trong điều kiện khắc nghiệt như vậy từ cuối tháng 3/2023, khi nhiệt độ ghi nhận được phá vỡ kỷ lục sau 122 năm.
"Sức nóng ngày càng trở nên không thể chịu nổi. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác, chúng tôi phải làm việc", người thợ nề nói khi mình đẫm mồ hôi.
Ramesh sống với cha mẹ, 3 anh trai, 1 chị dâu và 3 đứa con ở một vùng ngoại ô đông đúc phía tây Delhi, một thành phố đã gây chú ý trong những năm gần đây khi mức thủy ngân thường xuyên tăng đến mức nguy hiểm.
Khi nhiệt độ lên tới 50 độ C, đây được coi là giới hạn chịu đựng của con người dù ở bất kỳ điều kiện nào. Tuy nhiên, 1,4 tỷ người của Ấn Độ dễ bị tổn thương hơn khi bị mắc kẹt trong các thành phố đông đúc và nhà ở không có điều hòa hoặc máy lọc không khí.
Ramesh cho biết anh đã vay người thân 35 USD - gần một nửa số tiền lương hàng tháng để mua một chiếc điều hòa cũ cho cả gia mình. "Nó ồn ào và hầu như không chạy nổi, nhưng có còn hơn không, lũ trẻ không thể chịu nổi cái nóng khủng khiếp đó", anh nói.
Theo các chuyên gia khí hậu, đến năm 2050, Ấn Độ sẽ là một trong những nơi đầu tiên có nhiệt độ vượt qua giới hạn khả năng sống sót. Và trong khung thời gian đó, nhu cầu về máy điều hòa không khí (AC) trong nước cũng dự kiến sẽ tăng gấp 9 lần, vượt xa tất cả các thiết bị khác, theo báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Tình thế khó khăn của Ramesh gói gọn trong nghịch lý mà đất nước đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ dân này đang phải đối mặt - Ấn Độ càng nóng thì người dân càng sử dụng điều hòa nhiệt độ. Và họ càng sử dụng điều hòa thì đất nước sẽ càng nóng hơn.
Ấn Độ thải ra gần 2,4 tỷ tấn CO2 mỗi năm, dựa trên dữ liệu do Liên minh châu Âu thu thập, chiếm khoảng 7% lượng khí thải toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ thải ra 13% lượng khí thải CO2, dù dân số bằng 1/4 dân số Ấn Độ.
Điều này đặt ra một câu hỏi về sự công bằng mà các nhà khoa học khí hậu thường đặt ra - liệu người dân ở các nước đang phát triển có nên gánh chịu chi phí giảm phát thải, mặc dù nằm trong số những quốc gia ít chịu trách nhiệm nhất về việc gia tăng khí nhà kính?
Tại cuộc đàm phán về khí hậu COP28 ở Dubai vừa kết thúc gần đây, Ấn Độ không nằm trong danh sách các quốc gia đã ký cam kết cắt giảm khí thải từ hệ thống làm mát. Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Narendra Modi cho biết tất cả các nước đang phát triển phải được trao "một phần công bằng trong ngân sách carbon toàn cầu".
Tuy nhiên, Ấn Độ, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu. Và nó thấy mình ở một vị trí khó khăn. Làm thế nào để vừa phát triển vừa đảm bảo bảo vệ môi trường?
Sóng nhiệt kỷ lục
Phần lớn dân số Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào AC để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Các khu vực nhiệt đới phía Nam của đất nước vẫn nóng quanh năm.
Mặc dù không có quốc gia nào không bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu, nhưng có nhiều lý do khiến Ấn Độ trở thành một ngoại lệ với nhiều sóng nhiệt dữ dội hơn.
Theo một nghiên cứu năm 2021 về thời tiết khắc nghiệt trên tạp chí Weather and Climate Extremes, trong 5 thập kỷ qua, đất nước này đã trải qua hơn 700 đợt nắng nóng cướp đi sinh mạng của hơn 17.000 người. Chỉ riêng trong tháng 6, nhiệt độ ở một số vùng trên cả nước đã tăng vọt lên 47 độ C, khiến ít nhất 44 người thiệt mạng và hàng trăm người mắc các bệnh liên quan đến nhiệt.
Thời kỳ nóng bất thường dẫn đến giảm năng suất lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực hoạt động ngoài trời như nông nghiệp và xây dựng, tăng nhu cầu làm mát, từ đó gây quá tải cho lưới điện và dẫn đến tăng phát thải khí nhà kính.
Theo IEA, mức tiêu thụ điện ở Ấn Độ từ hoạt động làm mát, bao gồm máy điều hòa không khí và tủ lạnh, đã tăng 21% từ năm 2019 - 2022. Đến năm 2050, tổng nhu cầu điện từ máy điều hòa không khí dân dụng của Ấn Độ sẽ vượt quá tổng lượng điện tiêu thụ ở toàn châu Phi hiện nay.
Nhu cầu này cũng đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Giống như tủ lạnh, nhiều máy điều hòa không khí ngày nay sử dụng một loại chất làm mát gọi là hydrofluorocarbons, hay HFC, là loại khí nhà kính có hại. Và thậm chí còn rắc rối hơn, máy điều hòa không khí có xu hướng sử dụng lượng điện lớn, được tạo ra do đốt nhiên liệu hóa thạch.
Đợt nóng kỷ lục cũng đã tàn phá nhiều loại cây trồng, từ lúa mì đến trái cây và rau củ. Tại một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, sản lượng lúa mì đã giảm tới 50%. Khan hiếm nguồn cung, một hệ lụy từ sau xung đột căng thẳng Nga - Ukraina theo đó lại càng thêm phần dai dẳng.
Thế tiến thoái lưỡng nan
Ấn Độ vẫn đang vật lộn với tình trạng nghèo đói lan rộng, đồng thời chi hàng tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị, vì nước này phải đối mặt với những thách thức lâu dài trong việc cải thiện mức sống.
Các chuyên gia cho biết, việc hạn chế lượng khí thải liên quan đến việc làm mát có thể được coi là một rào cản tiềm tàng đối với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt nắng nóng kỷ lục là dân nhập cư. Trong khi tầng lớp trung lưu có thể làm việc trong văn phòng máy lạnh, tới trung tâm mua sắm hay di chuyển bằng ô tô để tránh nắng, hàng triệu lao động thu nhập thấp vẫn đang phải tự mình chống chọi với cái nóng.
Ngay cả đối với những gia đình đủ điều kiện mua các thiết bị làm mát, nỗi lo mất điện do nhu cầu sử dụng tăng cao vẫn luôn thường trực.
Trong hội nghị thượng đỉnh COP gần đây, 63 quốc gia bao gồm Mỹ, Kenya và Canada, đã ký cam kết cắt giảm 68% lượng khí thải từ hệ thống làm mát, cùng với một số mục tiêu khác vào năm 2050. Ấn Độ không nằm trong nhóm đó.
Mặc dù vậy, Brian Dean, người đứng đầu bộ phận tiết kiệm năng lượng và làm mát tại Năng lượng bền vững cho biết Ấn Độ đã thể hiện "sự lãnh đạo quốc tế quan trọng về làm mát".
Ông nói: "Mặc dù chưa tham gia cam kết làm mát toàn cầu, nhưng những tiến bộ quan trọng về làm mát bền vững đã đạt được trong nước và các đối tác quốc tế hy vọng rằng Ấn Độ sẽ cân nhắc tham gia trong tương lai".
Nhiều quốc gia trong đó có Ấn Độ đang loại bỏ dần HFC và thay thế chúng bằng các lựa chọn thân thiện với khí hậu hơn, chẳng hạn như hydrofluoroolefin hoặc HFO.
Tuy nhiên, theo Radhika Khosla, phó giáo sư của Đại học Oxford, các quốc gia không có khả năng làm mát đầy đủ cần được giúp đỡ để đáp ứng chi phí cải thiện năng lượng.
Trồng cây để hấp thụ ánh sáng mặt trời, các vùng nước, sân trong nhằm thúc đẩy quá trình làm mát và thông gió thông minh là một trong những "chiến lược làm mát thụ động" bền vững hơn. Việc lắp đặt quạt trần trong các tòa nhà có thể giảm hơn 20% mức tiêu thụ năng lượng làm mát của hộ gia đình.
Nếu thành công, các biện pháp làm mát thụ động có thể hạn chế nhu cầu làm mát xuống 24% vào năm 2050, tiết kiệm 3 nghìn tỷ USD và giảm lượng khí thải nhà kính tương đương 1,3 tỷ tấn CO2.
Kế hoạch làm mát
Có El Nino hay không có El Nino, sóng nhiệt vẫn xảy ra nhưng sẽ khác biệt về cường độ và tần suất. Đến năm 2030, khoảng 160-200 triệu người ở Ấn Độ có thể phải hứng chịu những đợt nắng nóng chết người mỗi năm.
Đến 2037, nhu cầu làm mát đối với các sản phẩm như máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh và dây chuyền làm lạnh có thể sẽ cao gấp 8 lần so với mức hiện tại. Điều này có nghĩa là sẽ có nhu cầu cao về điều hoà nhiệt độ, ở mức cứ 15 giây cần một điều hoà mới.
Ấn Độ đang có kế hoạch xây dựng ngành công nghiệp làm mát bền vững. Năm 2019, nước này khởi động Kế hoạch hành động làm mát Ấn Độ (ICAP) để cung cấp các biện pháp làm mát bền vững trên nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm làm mát trong nhà trong các tòa nhà, dây chuyền lạnh và làm lạnh trong lĩnh vực nông nghiệp và dược phẩm, điều hòa không khí trong vận tải hành khách. Mục tiêu của chương trình là giảm tới 25% nhu cầu làm mát vào năm 2037.
Theo Leena Nandan, Thư ký Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi Khí hậu của Ấn Độ, năng lượng tái tạo ở Ấn Độ cũng đang phát triển nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác và dữ liệu cho thấy nước này đang đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu giảm phát thải.
Bà nói với các phóng viên trong hội nghị thượng đỉnh COP28 rằng Ấn Độ vẫn chủ động tìm kiếm các giải pháp khí hậu, mặc dù không phải là tác nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng.
Nhưng sự bùng nổ AC của Ấn Độ đã hiện diện ở hầu hết mọi ngóc ngách đô thị của đất nước. Hàng trăm công trường xây dựng nằm rải rác khắp thủ đô, nơi người lao động làm việc cật lực để xây những tòa tháp cao tầng lấp lánh cho tầng lớp trung lưu đang phát triển của New Delhi.
Penta Anil Kumar, một doanh nhân sống ở Lajpat Nagar, một khu phố nhộn nhịp phía nam Delhi, cho biết ông nhận thức được khí thải độc hại thải ra từ máy điều hòa không khí của mình và đã cố tình mua một mẫu máy tiết kiệm năng lượng có thể đáp ứng nhu cầu làm mát.
Ông nói: "Mặc dù tôi biết việc sử dụng máy điều hòa không khí đang góp phần làm nhiệt độ tăng cao nhưng tôi cũng biết mình không thể làm gì khác". Kumar nằm trong số những người may mắn khi có thể mua được một mẫu điều hòa đắt tiền.
Ghasiram, một người lao động đến từ khu Rohini ở Delhi, đã cố gắng làm việc và dành dụm để mua một chiếc máy điều hòa cũ với giá gần 40 USD cho gia đình mình, số tiền này còn nhiều hơn số tiền anh kiếm được trong một tháng.
"Chúng tôi còn không có quạt, chứ đừng nói đến điều hòa. Sáu đứa con tôi học cả ngày ở một trường công lập có quạt trần, nhưng khi ở nhà, cách duy nhất để giải nhiệt là ngâm mình trong dòng sông ô nhiễm", anh nói.
(Nguồn: CNN)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp