14/07/2023 14:30
Hết nắng nóng, Ấn Độ lại hứng chịu lượng mưa lớn kỷ lục
Mưa lớn nhiều ngày đang gây lũ lụt ở nhiều nơi thuộc miền Bắc Ấn Độ, còn thủ đô của nước này thì ghi nhận lượng mưa cao nhất trong hơn 40 năm, theo các báo cáo từ địa phương.
Thủ đô Ấn Độ ghi nhận mưa lớn kỷ lục
Tại Delhi, một trận đại hồng thủy vào ngày 9/7 là tồi tệ nhất trong 41 năm qua, khiến thủ đô rơi vào bế tắc. Các trường học đã bị đóng cửa. Trên khắp vùng tây bắc Ấn Độ, lượng mưa trong mùa gió mùa này lớn hơn khoảng 60% so với mùa điển hình.
Năm nay, những trận mưa kỷ lục đã tàn phá nhiều vùng phía bắc Ấn Độ. Ở các bang Himachal Pradesh và Punjab, con số này đã tăng gấp đôi. Cục Khí tượng Ấn Độ dự báo mưa lớn sẽ tiếp tục trong vài ngày tới.
Lũ lụt và sạt lở đất đã cuốn trôi nhà cửa, đường sá và nhiều mẫu đất canh tác. Cho đến nay, ít nhất 100 người đã thiệt mạng, và hàng trăm người khác đang gặp nguy hiểm khi mắc kẹt ở các điểm du lịch trên dãy Himalaya. Các đội cứu hộ ở Ấn Độ đang rất nỗ lực cứu người.
Biến đổi khí hậu và phục hồi yếu kém đang làm mọi thứ trở nên tệ hơn
Vào các năm trước, sự xuất hiện của gió mùa ở Ấn Độ là thời điểm để vui mừng. Những cơn mưa đổ bộ mang lại nước tưới tiêu và cung cấp chất dinh dưỡng cho những vùng đất nông nghiệp khô cằn sau mùa hè thiêu đốt.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, niềm vui đã bị thay thế bằng nỗi sợ hãi khi gió mùa mang đến sự chết chóc và hủy diệt. Các nhà khoa học cho rằng sự biến đổi khí hậu đang khiến những hiện tượng thời tiết kiểu này trở nên khắc nghiệt và thất thường hơn.
Khi nhiệt độ của bầu khí quyển tăng lên, thì khả năng chịu ẩm của nó cũng tăng theo. Điều đó có nghĩa là biến đổi khí hậu có thể sẽ góp phần tạo ra gió mùa nặng hơn. Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2021, cứ mỗi độ C của sự nóng lên toàn cầu, Ấn Độ có thể nhận thêm 5,3% lượng mưa trong mùa gió mùa.
Yếu tố khác làm cho gió mùa trở nên tồi tệ hơn là sơ sở hạ tầng của Ấn, hệ thống thoát nước của thành phố không được thiết kế để hứng chịu lượng mưa kỷ lục trong những năm qua, khiến các tuyến đường lớn bị ngập, giao thông bị gián đoạn và nhà cửa, cơ sở vật chất ở những vùng trũng thấp bị ngập lụt.
Bangalore, thủ đô công nghệ của Ấn Độ, thường xuyên bị ngập lụt ngay cả khi có những trận mưa tương đối nhẹ. Ở Delhi, những cơn mưa đã làm dâng sông Yamuna, con sông chia cắt thủ đô, và nước của nó đã nhấn chìm các đường hầm.
Các nhà chức trách đang tiến hành công tác dọn dẹp và bảo trì tại các khu vực bị ảnh hưởng do mưa nhằm đảm bảo giao thông cũng như cuộc sống của người dân. Chính quyền New Delhi đã thiết lập 16 phòng kiểm soát để theo dõi mực nước sông Yamuna và các khu vực dễ bị lũ lụt.
Lượng mưa kỷ lục ở New Delhi đã ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 41.000 người dân hiện đang sinh sống ở các vùng trũng thấp gần sông. Công tác sơ tán người dân trong các khu vực này cũng đang được chính quyền địa phương triển khai gấp rút.
Nạn phá rừng, đặc biệt là ở vùng núi, đang loại bỏ một rào cản tự nhiên quan trọng đối với lũ lụt và sạt lở đất. Theo Viện tài nguyên thế giới, khoảng 34 triệu người Ấn Độ sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ven sông vào năm 2030.
Trong những năm qua, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đã tìm cách tăng cường khả năng phục hồi. Nhiều nguồn lực đã đổ vào công tác phòng chống lũ lụt. Ví dụ, chính quyền thành phố đã đầu tư vào hệ thống cảnh báo lũ lụt và mạng lưới thoát nước. Nhưng hiện tại, những nỗ lực này đang thất bại. Trong mỗi đợt gió mùa kể từ năm 2013, một số vùng của Ấn Độ lại trải qua một trận lũ lụt quy mô lớn, và chắc chắn đây là một thảm kịch đối với người dân.
(Nguồn: Economist)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement