10/08/2022 09:46
Mỹ thông qua dự luật trị giá hơn 52 tỷ USD để phát triển chất bán dẫn trong nước
Tổng thống Joe Biden hôm thứ Ba (9/8) đã ký một dự luật được lưỡng đảng thông qua nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Quốc bằng cách đầu tư hàng chục tỷ USD vào sản xuất chất bán dẫn trong nước và nghiên cứu khoa học.
Theo dự luật, được gọi là Đạo luật Khoa học và Chíp, chính phủ Mỹ sẽ chi hơn 52 tỷ USD cho các công ty sản xuất chip máy tính của Mỹ, cũng như hàng tỷ khoản tín dụng thuế khác để khuyến khích các công ty đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.
Ngoài ra, dự luật này còn cung cấp hàng chục tỷ USD để tài trợ cho nghiên cứu và phát triển khoa học cũng như thúc đẩy sự đổi mới và phát triển của các công nghệ khác.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng cho rằng, dự luật sẽ "mở khóa thêm hàng trăm tỷ" chi tiêu cho lĩnh vực tư nhân trong ngành sản xuất chất bán dẫn. Nhà Trắng cho biết hôm thứ Ba rằng, nhiều công ty, được "thúc đẩy" bởi dự luật chip, đã công bố đầu tư hơn 44 tỷ USD vào việc sản xuất chất bán dẫn mới.
Trong số vố đầu tư được công bố đó, khoảng 40 tỷ USD của Micron được đầu tư vào việc sản xuất chip nhớ. Nhà Trắng cho biết sáng kiến của Micron sẽ mang lại 8.000 việc làm mới và tăng thị phần sản xuất chip nhớ của Hoa Kỳ từ 2% lên 10%.
Trong khi đó, Qualcomm và GlobalFoundries vừa công bố một hợp tác mới trị giá 4,2 tỷ USD nhằm sản xuất chip và một phần của khoản đầu tư này là nhằm mở rộng cơ sở sản xuất của GlobalFoundries ở ngoại ô New York, Nhà Trắng cho biết.
Những người ủng hộ cho rằng, cần phải có kinh phí để nâng cao lợi thế công nghệ của Mỹ và phục hồi ngành công nghiệp chip đang tụt hậu của nước này. Theo Nhà Trắng, Mỹ chỉ sản xuất khoảng 10% nguồn cung cấp chất bán dẫn của thế giới, trong khi Đông Á chiếm 75% sản lượng toàn cầu - bao gồm hầu hết các chip cấp cao nhất.
Chất bán dẫn là thành phần quan trọng của một loạt các sản phẩm bao gồm điện tử tiêu dùng, ô tô, thiết bị chăm sóc sức khỏe và cả trong công nghiệp quốc phòng.
Các quan chức Mỹ cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng thiếu chip và tạo ra căng thẳng trong chuỗi cung ứng đã bộc lộ phụ thuộc của Mỹ vào chip do nước ngoài sản xuất, điều này tiềm ẩn mối đe dọa cho an ninh quốc gia.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement