Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Luật sư bào chữa bà Trương Mỹ Lan đề nghị xem xét lại tội danh, thiệt hại

Nóng trong ngày

20/03/2024 08:30

Trong bài bào chữa, luật sư Phan Trung Hoài cũng đề nghị xem xét lại tội danh "Tham ô tài sản" đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và đề nghị Viện Kiểm sát xem xét nhiều nội dung quan trọng khác.

Mức án tử hình về 3 tội danh

Chiều 19/3, Viện KSND TP.HCM đề nghị mức án cho 86 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Đại diện VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 20 năm tù về tội Đưa hối lộ, 19-20 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt chung là tử hình.

Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị tòa buộc Trương Mỹ Lan có trách nhiệm bồi thường toàn bộ hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra là hơn 677.000 tỉ đồng và số lãi phát sinh của hậu quả thiệt hại này theo quy định pháp luật

HĐXX đã cho các luật sư bào chữa với nội dung mà đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm giải quyết vụ án tại phiên tòa. Là người đầu tiên tham gia bào chữa tại phiên tòa, luật sư Phan Trung Hoài trình bày về hoàn cảnh gia đình, nhân thân của bị cáo, nguồn gốc quá trình kinh doanh của gia đình bị cáo Trương Mỹ Lan và sự hình thành nên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Về hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, theo luật sư Phan Trung Hoài, chỉ bao gồm một số công ty nhất định, số lượng 1000 công ty được cho rằng trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thì cần xem xét thỏa đáng hơn.

Luật sư bào chữa bà Trương Mỹ Lan đề nghị xem xét lại tội danh, thiệt hại- Ảnh 1.

Luật sư Phan Trung Hoài (trái, hàng đầu) tại phiên tòa. Ảnh: TP

Về nguyên nhân, bối cảnh hoàn cảnh xảy ra vụ án, VKS cáo buộc bà Trương Mỹ Lan thâu tóm, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, cần xem xét bị cáo tham gia tái cơ cấu SCB trong thời điểm cần phải hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém, khi tham gia bị cáo Lan có vai trò là cố vấn ban hợp nhất.

Cũng theo luật sư Phan Trung Hoài, quá trình hợp nhất suốt 10 năm trải qua nhiều giai đoạn đạt được một số kết quả nhất định, có những khoản vay là để trả nợ cũ và dòng tiền không ra khỏi ngân hàng. Luật sư nói rằng, không thể bóc tách các khoản vay nào là cho vay mới trả nợ cũ hay khoản vay mới hoàn toàn.

Ngoài ra, luật sư Hoài đề nghị ghi nhận có sự chuyển biến trong nhận thức của bị cáo và đề nghị VKS làm rõ cơ sở pháp lý việc sử dụng kết quả thẩm định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân.

Luật sư Phan Trung Hoài cũng đề nghị xem xét lại tội danh "Tham ô tài sản" đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, cũng như xem xét lại việc xác định sở hữu của bị cáo tại SCB, nếu SCB bị thiệt hại thì chính bị cáo cũng là người bị thiệt hại.

Về tính xác thực số tiền thiệt hại của vụ án, luật sư Hoài cho rằng cũng cần xem xét lại, bởi thiệt hại này có phải là thiệt hại, hay là dư nợ tín dụng tại SCB.

3 cựu lãnh đạo SCB bị đề nghị án chung thân

Đối với các bị cáo chủ chốt của SCB, đều là người có trình độ, có khả năng nhận thức được hành vi nào được phép và hành vi nào là trái pháp luật. Hành vi các bị cáo gây thất thoát đặc biệt lớn về kinh tế, tạo dư luận xấu trong xã hội, nên phải xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe.

Từ đó, VKS đề nghị tòa phạt 3 bị cáo: Đinh Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT SCB (đang bị truy nã); Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB; Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT SCB, mức án tù chung thân, về các tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về hoạt động của NH, hoạt động khác liên quan đến hoạt động NH.

Riêng hai bị cáo Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng giám đốc SCB, và Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó tổng giám đốc SCB, bị VKS đề nghị từ 19 - 20 năm tù về tội tham ô tài sản.

Luật sư bào chữa bà Trương Mỹ Lan đề nghị xem xét lại tội danh, thiệt hại- Ảnh 2.

Trương Mỹ Lan là người duy nhất trong vụ án bị đề nghị mức án tử hình.

Cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn nhận 5,2 triệu USD

Nhận hối lộ 5,2 triệu USD, Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát NH II, Cơ quan Thanh tra giám sát NH, NHNN) bị VKS đề nghị tù chung thân. Nhàn bị cáo buộc chỉ đạo thành viên trong đoàn thanh tra báo cáo không trung thực, không đầy đủ về các sai phạm của SCB, che giấu, làm nhẹ sai phạm của SCB để không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Đồng thời, bị cáo còn kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.

Ngoài Nhàn, các thành viên trong đoàn thanh tra cũng được đưa tiền từ 20 triệu đồng đến 390.000 USD. Theo đó, VKS đề nghị phạt Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát NH (thuộc NHNN), từ 14 - 15 năm tù, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, do đã nhận 390.000 USD.

15 bị cáo còn lại bị VKS đề nghị phạt từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 12 năm tù. Ngoài ra, 3 bị cáo trong nhóm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị đề nghị phạt từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 4 năm tù.

Chồng và cháu gái Trương Mỹ Lan

Chu Lập Cơ (chồng Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square) đã giúp sức cho Lan bằng cách ký các biên bản, đồng ý thế chấp tài sản bảo lãnh cho các khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 9.000 tỉ đồng. Từ đó, Chu Lập Cơ bị VKS đề nghị mức án từ 11 - 12 năm tù, về tội vi phạm quy định về hoạt động của NH, hoạt động khác liên quan đến hoạt động NH.

Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, là cháu ruột của bị cáo Trương Mỹ Lan. Từ năm 2020, Lan chỉ đạo cháu gái thành lập các công ty "ma", thông đồng với bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, để tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền từ SCB.

Trương Huệ Vân đã chỉ đạo cấp dưới thành lập, sử dụng 52 công ty "ma"; phối hợp với Dung và nhân viên SCB để lập hồ sơ vay vốn trái quy định. Tổng cộng Vân giúp sức cho Lan chiếm đoạt hơn 1.088 tỉ đồng, gây thiệt hại số nợ phát sinh hơn 25 tỉ đồng. Vì vậy, Vân bị VKS đề nghị phạt từ 19 - 20 năm tù, về tội tham ô tài sản.

Luật sư bào chữa bà Trương Mỹ Lan đề nghị xem xét lại tội danh, thiệt hại- Ảnh 3.

Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa đề nghị HĐXX tuyên tử hình bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: TP.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí có nhiều tình tiết giảm nhẹ

Trong vụ án, Trương Mỹ Lan là người duy nhất với 2 tư cách vừa là bị cáo và vừa là bị hại. Đối với vai trò bị hại, Lan bị Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) chiếm đoạt 1.000 tỉ đồng.

Cụ thể, trước khi Lan bị bắt, Trí nhận tiền nhiều lần, với tổng số tiền 1.000 tỉ đồng của Lan để chuyển nhượng một số cổ phần của Trí trong 3 dự án. Khi biết Lan bị bắt, Trí chỉ đạo người soạn thảo các văn bản thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư, điều chỉnh giá và thanh lý hợp đồng chuyển nhượng. Sau đó, Trí hẹn Hồ Quốc Minh (người đứng tên sở hữu cổ phần giúp cho Trương Mỹ Lan) để ký thanh lý hợp đồng đã được soạn trước, sau đó ghi lùi ngày nhằm chiếm đoạt 1.000 tỉ đồng của Lan.

Theo VKS, Trí thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, cùng gia đình tự nguyện khắc phục hậu quả. Gia đình Trí đã nộp hơn 677 tỉ đồng và hơn 3,3 triệu USD. Đồng thời, vợ chồng Trí có nguyện vọng sử dụng tài sản chung khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt. Bị cáo có nhiều thành tích trong công tác phòng chống dịch Covid-19, phạm tội lần đầu, nhân thân tốt được bị hại xin giảm nhẹ hình phạt.

Từ đó, VKS đề nghị phạt Trí từ 10 - 11 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

TÚC (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement