25/05/2022 10:23
Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc chưa có triển vọng phục hồi
Thị trường bất động sản của Trung Quốc có thể sẽ tệ hơn trong năm nay, khi giá đang chững, còn doanh số và đầu tư tiếp tục giảm, trong khi các quy định phòng dịch COVID-19 sâu rộng và nghiêm ngặt hơn đang đè nặng lên nhu cầu vốn vẫn còn yếu, bất chấp việc chính phủ đã nới lỏng chính sách hơn.
Thị trường bất động sản, một trụ cột của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã suy yếu do chính sách mà chính phủ nước này thực hiện hồi năm ngoái nhằm hạn chế hoạt động vay vốn quá mức của các công ty phát triển bất động sản.
Kể từ đầu năm nay, hơn 100 thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy nhu cầu, như giảm lãi suất vay thế chấp, yêu cầu tiền trả trước thấp và cung cấp các khoản trợ cấp.
Tuy nhiên, triển vọng của thị trường bất động sản Trung Quốc được dự đoán sẽ vẫn ảm đạm trong nửa đầu năm nay và cả năm 2022.
Theo ước tính của 13 chuyên gia kinh tế và nhà phân tích trong cuộc khảo sát mới đây của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh), giá nhà trung bình sẽ giảm 1,3% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, sâu hơn mức giảm 1% được đưa ra trong cuộc khảo sát trước đó.
Tính chung cả năm, giá nhà có thể "đi ngang," thay vì tăng 2% như dự báo trong cuộc khảo sát trước.
Các chuyên gia phân tích cũng tỏ ra bi quan hơn về nhu cầu và nguồn cung nhà ở so với cuộc khảo sát hồi tháng Hai của Reuters.
Về mặt nhu cầu, doanh số bất động sản được dự đoán giảm 25% trong nửa đầu năm nay, cao hơn mức giảm dự báo 14% trong cuộc khảo sát tháng Hai. Mức giảm dự báo cho cả năm 2022 là 10%.
Đầu tư của các công ty bất động sản được dự đoán giảm 5% trong nửa đầu năm và giảm 2,5% trong cả năm. Các mức giảm tương ứng trong cuộc khảo sát trước đó lần lượt là 2% và 1,5%.
Triển vọng kém sáng với giá bất động sản, doanh số và đầu tư trong lĩnh vực này chủ yếu là do các đợt bùng phát thường xuyên của dịch COVID-19.
Chuyên gia Wang Xiaoqiang của công ty cung cấp dữ liệu bất động sản Zhuge House Hunter cho biết đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến thị trường bất động sản tại Thượng Hải, khi nhiều công ty phát triển và đại lý bất động sản phải ngừng hoạt động trực tiếp và nhiều cư dân bị cách ly, khiến doanh số nhà ở giảm mạnh.
Trung Quốc mới đây đã bất ngờ giảm mạnh lãi suất tham chiếu tiêu chuẩn cho hình thức thế chấp tài sản chỉ vài ngày sau khi giảm lãi suất cho vay thế chấp đối với một số đối tượng người mua nhà, trong nỗ lực nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản.
Nhưng giới phân tích cho rằng giới chức Trung Quốc cần ban hành nhiều chính sách hơn nữa nhắm đến mặt cung để phục hồi niềm tin trên thị trường.
Ông Liu Yuan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty môi giới bất động sản lớn nhất Trung Quốc Centaline, nhận định chỉ các biện pháp nới lỏng các hạn chế trong việc cấp vốn cho các công ty bất động sản trên cả nước và tái phát triển các khu nhà xuống cấp mới có thể bình ổn thị trường bất động sản nước này.
Chính quyền địa phương siết chặt chi tiêu
Tỉnh An Huy vào cuối tháng 3 đã ban hành các quy định chi tiết mới cho các thành phố và quận của mình, nhằm mục đích cắt giảm chi tiêu 180 triệu nhân dân tệ (27 triệu USD) vào năm 2022. Danh sách này trải dài khắp nơi, như yêu cầu về in giấy hai mặt và giám sát chặt chẽ máy điều hòa không khí, cho đến các biện pháp bất thường hơn như cấm các quan chức đưa phụ tá đến các cuộc họp.
Các quan chức địa phương cũng bị nghiêm cấm giải trí. Khi giải trí, họ chỉ được sử dụng nhà hàng trong các tòa nhà chính phủ và không được tụ tập thành nhóm trên 3 người.
Tại thành phố Phúc Châu, tỉnh Giang Tây, một số cơ quan chính phủ đã ngừng mọi hoạt động mua máy tính, bàn làm việc và các vật dụng khác. Các chính quyền địa phương khác không còn phân phát sổ tay và bút chì cho công chức tại các cuộc họp của chính phủ.
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình có quan điểm cứng rắn trong việc thắt lưng buộc bụng trong các tổ chức đảng và chính phủ. Mặc dù áp lực này một phần nhằm ngăn chặn tham nhũng và các hành vi không phù hợp khác trước thềm đại hội đảng, nhưng nó cũng phản ánh tình hình tài chính ngày càng căng thẳng của các chính quyền địa phương.
Các biện pháp kích thích kinh tế để đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đại dịch COVID-19 đã làm giảm doanh thu từ thuế trong những năm gần đây. Do đó, các chính phủ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào việc bán quyền sử dụng đất cho các mảnh đất thuộc sở hữu nhà nước, chiếm khoảng 50% tổng thu thuế vào năm 2021.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc đã thẳng tay đàn áp tài chính bất động sản trong nỗ lực làm giảm bong bóng nhà đất. Nhiều chủ đầu tư không còn tiền để mua quyền sử dụng đất mới.
Doanh thu từ các giao dịch như vậy đã giảm 30% trong năm từ tháng 1 đến tháng 4, mức giảm mạnh nhất trong khoảng thời gian đó trong 7 năm. Chính quyền các tỉnh đã bắt đầu cắt giảm và trì hoãn việc trả tiền thưởng cho công nhân của họ.
Thị trường căn hộ chung cư, một ngành đóng góp chính vào doanh thu của địa phương, tiếp tục hạ nhiệt. Nhiều người sẽ mua nhà đang đứng ngồi không yên khi chính sách khóa "zero-COVID" của Trung Quốc đè nặng lên nền kinh tế và hy vọng của họ về giá bán lại cao hơn cũng không còn nữa.
Suy thoái kinh tế sẽ càng bóp chết việc bán quyền đất đai cũng như nguồn thu từ thuế, ngay cả khi các chính phủ tiếp tục chi tiêu mạnh tay để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày 25/4 cho biết tiết kiệm cần trở thành một tiêu chuẩn mới của chính phủ.
Nhiều thành phố cấp thấp hơn phụ thuộc kinh tế vào các công trình công cộng và phát triển tài sản. Trong khi đó, việc trả lương cho công chức, những người thường kiếm được nhiều hơn so với nhân viên khu vực tư nhân, có nguy cơ làm suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng.
Những người Trung Quốc bình thường đã bày tỏ sự thất vọng với tình hình hiện tại trên mạng xã hội. "Tham nhũng là sai, nhưng liệu các khoản cắt giảm của chính phủ có giúp những người bình thường có cuộc sống tốt hơn không?" một người dùng đã viết trên nền tảng mạng xã hội Weibo.
(Nguồn: TTXVN/Nikkei)
Tin liên quan
Advertisement