10/03/2023 07:36
Lạm phát tiêu dùng tháng 2 của Trung Quốc tăng rất thấp
Lạm phát giá tiêu dùng so với cùng kỳ của Trung Quốc tăng thấp nhất trong một năm vào tháng 2, do tiêu dùng vẫn chưa phục hồi mặc dù chính quyền nước này đã từ bỏ các biện pháp kiểm soát COVID-19, dữ liệu chính thức cho thấy vào ngày 9/3.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 của nước này chỉ tăng khoảng 1,0% so với cùng kỳ năm trước - tốc độ tăng chậm nhất kể từ tháng 2/2022.
Kết quả này thấp hơn nhiều so với ước tính trung bình là 1,9% trong một cuộc thăm dò của Reuters và mức tăng 2,1% so với cùng kỳ được thấy vào tháng 1/2023.
CPI, được điều chỉnh theo mùa, đã giảm 0,5% so với một tháng trước đó, thấp hơn dự báo tăng 0,2%. Mức tăng CPI hàng tháng trong tháng 1 là 0,8%.
Chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng trung bình năm nay tăng khoảng 3% so với năm 2022.
"Chính sách tiền tệ có đủ điều kiện để tập trung vào việc củng cố sự phục hồi kinh tế và đạt được đà tăng trưởng ổn định, không có hạn chế nào từ tỷ lệ lạm phát vẫn đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính sách", Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại JLL, nhận xét.
Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá lương thực và năng lượng, tăng 0,6% so với cùng kỳ trong tháng 2, thấp hơn mức tăng 1,0% của tháng 1.
Giảm phát giá bán hàng hóa của nhà sản xuất cũng ngày càng sâu sắc và đã kéo dài sang tháng thứ năm.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng Hai đã giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí sản xuất giảm. Mức giảm tương ứng trong tháng Một là 0,8%.
Kể từ tháng 10 năm ngoái, chỉ số giá sản xuất liên tục giảm so với cùng kỳ năm trước đó.
Quốc hội Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng, mà các nhà phân tích cho là thận trọng, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 là khoảng 5%, một dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách nhận thức được những thách thức về kinh tế.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chứng kiến sự phục hồi tạm thời sau sự gián đoạn do COVID-19 trong khi phải đối mặt với nhu cầu yếu hơn ở nước ngoài và suy thoái bất động sản trong nước.
Các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc dù sao cũng sẽ thấy áp lực tăng giá tiêu dùng trong những tháng tới, chủ yếu là do các nỗ lực ngăn chặn COVID-19 đã kết thúc.
Lạm phát cơ bản hàng năm, không bao gồm giá lương thực và năng lượng biến động, là 0,6% trong tháng 2, so với mức 1,0% của tháng 1, phản ánh nhu cầu trong nước liên tục yếu.
Nền kinh tế đã có một trong những hoạt động yếu kém nhất trong nhiều thập kỷ vào năm ngoái, bị siết chặt bởi ba năm kiểm soát đại dịch, suy thoái tài sản và đàn áp doanh nghiệp tư nhân.
Để thúc đẩy tăng trưởng, chính phủ có kế hoạch duy trì kế hoạch chi tiêu thông thường cho cơ sở hạ tầng.
(Nguồn: Reuters)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement