15/01/2024 17:15
Kịch bản lạc quan nhất cho tăng trưởng kinh tế năm 2024
Trong kịch bản lạc quan nhất của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo, GDP Việt Nam năm nay có thể tăng 6,48%. Theo CIEM, "chìa khóa" tăng trưởng trong bối cảnh mới đến từ cải cách thể chế.
Trong Báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, công bố sáng nay (15/1), CIEM đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Kịch bản 1, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, lạm phát neo cao, các nước chưa hạ lãi suất ở quy mô lớn, chuỗi cung ứng hàng hóa tiếp tục đối mặt với gián đoạn nghiêm trọng ở một số tuyến vận tải. GDP thế giới tăng 2,9% Với kịch bản này, CIEM dự báo GDP Việt Nam trong năm 2024 có thể tăng 6,13%, lạm phát bình quân là 3,94%, tăng trưởng xuất khẩu 4,02%.
Kịch bản 2, giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ điều chỉnh GDP của thế giới tăng 3,2% và một số chỉ tiêu tín dụng. Theo đó, GDP Việt Nam có thể tăng 6,48%, lạm phát bình quân 3,72%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 5,19%.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, đánh giá năm 2024 còn nhiều khó khăn với kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, nếu duy trì và làm sâu sắc hơn chất lượng cải cách thể chế, kinh tế Việt Nam có thể tự tin về khả năng có những kết quả tích cực trong thời gian tới, theo TPO.
Thực tế cho thấy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam không chỉ dựa vào giải pháp tài khóa và tiền tệ, mà đã tạo dựng không ít động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế. Các động lực đến từ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế mới, cải cách môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện quy hoạch và thể chế liên kết vùng.
Chính phủ cũng đã nhìn nhận thẳng thắn, cầu thị về các vấn đề cần tháo gỡ; trong đó có tình trạng nợ đọng văn bản, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, khó khăn đối với hấp thụ vốn… để từ đó có những chỉ đạo, nghiên cứu tháo gỡ.
"Trong bối cảnh phát triển mới, chúng tôi tâm niệm thể chế chính là nguồn lực, thậm chí “chìa khóa” cho tăng trưởng của Việt Nam”, bà Minh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho rằng, một số diễn biến từ thế giới có ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam cần được theo dõi. Năm 2024, Việt Nam càng phải quyết liệt hơn với cải cách thể chế kinh tế để tăng tốc phục hồi tăng trưởng.
Theo ông Dương, Việt Nam cần sớm có các cơ chế thử nghiệm phù hợp để “chắp cánh” cho các mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp hướng tới tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tranh thủ hỗ trợ của đối tác FTA thông qua các điều khoản về hợp tác phát triển.
Chia sẻ tại Diễn đàn thường niên Kịch bản kinh tế Việt Nam 2024 (lần thứ 16) về tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, ông Suan Teck Kin - Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu (Tập đoàn UOB), nhấn mạnh Việt Nam đã vượt qua năm 2023 đầy thách thức và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024. Động lực tăng trưởng từ quý 4/2023 được chuyển sang 2024 và được hỗ trợ bởi các hiệu ứng nền tảng.
“UOB dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ vào khoảng 6% trong năm 2024. Điều này không quá cao so với tiềm năng của Việt Nam. Mức tăng trưởng 6 - 6,5% là trong tầm tay”, ông Suan Teck Kin nhấn mạnh.
Theo ông Suan Teck Kin, xu hướng khu vực hóa, phi toàn cầu hóa chuỗi cung ứng, các hoạt động “friend shoring” diễn ra sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam và mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp, người lao động.
Dòng vốn FDI đạt kỷ lục vào năm 2023, khi sự dịch chuyển chuỗi cung ứng trực tiếp theo xu hướng khu vực hóa. Việt Nam vẫn đang ở vị thế rất tốt trong thu hút FDI, ít nhất là trong 5 năm tới. Trong tương lai, Việt Nam cần xác định đúng ngành nghề trọng tâm, tập trung xác định các giải pháp phù hợp để thu hút dòng FDI tốt hơn nữa, theo thoibaotaichinhvietnam.vn.
Thêm ý kiến về kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam, theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, năm 2023 tăng trưởng của Việt Nam khoảng 5,05 %, thấp hơn so với mục tiêu nhưng đây là mức tương đối cao trong khu vực và trên thế giới. Năm 2024 các dự báo đều cho rằng kinh tế của Việt Nam sẽ tốt lên.
“Chúng tôi dự báo lạc quan hơn một chút, cao hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với các dự báo quốc tế. Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2024”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, lạm phát không phải là một nỗi lo của kinh tế Việt Nam trong năm 2024 khi mà lạm phát của quốc gia thấp, giá cả và lạm phát của thế giới được dự báo tiếp tục giảm.
Theo ông, điều quan trọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2024 là cần phải chú ý kích tăng trưởng và không cần phải quá lo vào lạm phát. Để phòng chống và nếu có phải kiểm soát lạm phát thì cần tập trung vào hai vấn đề là giá lương thực thực phẩm và giá nhà ở. Tuy nhiên, cũng phải luôn chú ý tới xăng dầu vì yếu tố này luôn tiềm ẩn rủi ro.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp