Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Khuyến nghị cổ phiếu 28/2: SAB, DXS, PVT, IJC, NT2, HAH

Chứng khoán

27/02/2023 19:44

SAB, DXS, PVT, IJC, NT2, HAH là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 28/2, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị SAB: Trung lập

CTCK Agribank (Agriseco Research): Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB) là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất và phân phối bia rượu tại Việt Nam. Năm 2022, doanh thu thuần đạt 34.979 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 5.500 tỷ đồng (tăng trưởng 40%), vượt 0,5% và 20% kế hoạch đặt ra. 

Có được kết quả này nhờ ngành bia hồi phục mạnh mẽ sau dịch và sức khỏe thương hiệu của SAB được cải thiện. Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo, thị phần SAB tăng nhẹ vào năm 2022 về quanh con số thị phần năm 2019 (Khoảng 40% theo Euromonitor).

Biên gộp thu hẹp xuống 28% trong quý IV từ mức đỉnh 34% trong quý II/2022. SAB thường chốt trước giá nguyên liệu từ 6 đến 9 tháng, do đó giá nguyên liệu đầu vào tăng đã dần phản ánh vào biên gộp của công ty. 

Theo Economic data, trong năm 2022 giá malt, nhôm đã tăng khoảng 40 -50% so với trung bình năm 2021). SAB đang thực hiện một số biện pháp nhằm bảo vệ biên gộp (1) Tối ưu hóa sản xuất (2) Tăng sản lượng tiêu thụ các thương hiệu cận cao cấp (3) Tăng giá bán.

Kế hoạch M&A: SAB vừa thông qua đề xuất nâng sở hữu tại CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây sở hữu 6 nhà máy bia và CTCP Tập đoàn Bao bì Sài Gòn sở hữu 2 nhà máy bao bì để trở thành công ty con. BLĐ cho rằng việc tăng sở hữu tại các công ty này sẽ mang lợi ích kinh tế vào năm 2024.

Tăng trưởng chậm lại trong năm 2023: Tăng trưởng tiêu thụ ngành bia năm 2023 dự báo chững lại ở mức 1 con số so với năm 2022 khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó SAB còn đối mặt với (1) Biên gộp thu hẹp do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao (2) Chi tiêu nhiều hơn cho quảng cáo khuyến mãi để giữ thị phần trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Nhìn chung, kết quả kinh doanh của SAB tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 nhờ sự hồi phục của ngành bia sau dịch và cải thiện sức khỏe thương hiệu. Song tăng trưởng năm 2023 được dự báo chậm lại và SAB phải đối mặt với các khó khăn về giá nguyên liệu tăng cao và chi tiêu nhiều hơn cho quảng cáo khuyến mãi. Agriseco đánh giá trung lập cổ phiếu SAB với giá mục tiêu 200.000 đồng/cp (upside 5,8%).

Khuyến nghị cổ phiếu 28/2: SAB, DXS, PVT, IJC - Ảnh 1.

Biểu đồ giá cổ phiếu SAB trong 1 tháng.

Khuyến nghị DXS: Khả quan

CTCK Bản Việt – VCSC: VCSC điều chỉnh giảm 19% giá mục tiêu cho cổ phiếu DXS của Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh xuống 8.100 đồng/cp và điều chỉnh khuyến nghị từ MUA thành KHẢ QUAN.

Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu do (1) số dư nợ ròng cao hơn vào cuối năm 2022 và (2) tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS dự phóng giai đoạn 2023-2027 của chúng tôi giảm 16% do chúng tôi hiện kỳ vọng triển vọng thu nhập sẽ thấp hơn trong các năm 2023 - 2024, chủ yếu là do số lượng giao dịch dự kiến thấp hơn và DXS chuyển hướng ngắn hạn sang môi giới truyền thống và bán BĐS (các mảng kinh doanh này có biên lợi nhuận thấp hơn so với gói dịch vụ môi giới đầy đủ).

Do khoản lỗ ròng cao hơn dự kiến trong quý 4/2022 đạt 100 tỷ đồng so với mức lỗ ròng 3,4 tỷ đồng trong dự báo trước đó, chúng tôi điều chỉnh giảm dự phóng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS năm 2023/2024 xuống 54%/38% khi VCSC kỳ vọng DXS vẫn đối mặt với thách thức do thị trường bất động sản gặp khó khăn trong năm 2023.

Khuyến nghị cổ phiếu 28/2: SAB, DXS, PVT, IJC - Ảnh 2.

Biểu đồ giá cổ phiếu DXS trong 1 tháng.

Khuyến nghị PVT: Khả quan

CTCK VNDirect – VND: Lợi nhuận ròng quý IV/2022 của Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí - PVT tăng 3,8% so với cùng kỳ lên 206,8 tỷ đồng, giúp lợi nhuận ròng năm 2022 đạt mức kỷ lục 861 tỷ đồng, hoàn thành 105,8% dự phóng của chúng tôi.

VND kỳ vọng lợi nhuận cốt lõi của PVT sẽ tăng trưởng kép 9,7% trong năm 2023-2025 nhờ việc mở rộng đội tàu và mặt bằng giá cước thuê tàu cao.

VND duy trì khuyến nghị khả quan đối với PVT với giá mục tiêu không đổi dựa trên phương pháp DCF là 26.300 đồng/cp do tác động trái chiều của: (1) điều chỉnh tăng nhẹ dự phóng EPS năm 2023-25, (2) chuyển mô hình DCF sang năm 2023, và (3) nâng lãi suất phi rủi ro từ 3% lên 4%.

Động lực tăng giá là giá cước thuê tàu chở dầu thô và nhiên liệu đang tăng trên toàn cầu. Rủi ro giảm giá đến từ giá cước thuê tàu thấp hơn kỳ vọng và lãi suất cao hơn dự kiến.

Khuyến nghị cổ phiếu 28/2: SAB, DXS, PVT, IJC - Ảnh 3.

Biểu đồ giá cổ phiếu PVT trong 1 tháng.

Khuyến nghị IJC: Khả quan

CTCK Yuanta Việt Nam – FSC: Mức Stock Rating của IJC (Công ty CP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật) ở mức 79 điểm cho nên FSC đánh giá trung tính mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. 

Đồ thị giá của IJC đóng cửa tuần ở mức 13,85 (+18,4% wow) với khối lượng giao dịch tăng mạnh trong tuần giao dịch qua. Đồng thời, đồ thị giá tiến sát mức kháng cự ngắn hạn 14.24, đặc biệt đồ thị giá xuất hiện mô hình đảo chiều giảm Bearish Bat cho thấy rủi ro ngắn hạn gia tăng.

Theo đồ thị tuần, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn xu hướng trung hạn rõ ràng hơn. Đồng thời, xu hướng trung hạn của cổ phiếu IJC cũng được nâng lên mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu IJC với tỷ trọng thấp dưới 5% và nên chờ thêm nhịp điều chỉnh ngắn hạn thấp hơn để mua vào.

Khuyến nghị cổ phiếu 28/2: SAB, DXS, PVT, IJC - Ảnh 4.

Biểu đồ giá cổ phiếu IJC trong 1 tháng.

Khuyến nghị NT2: Nắm giữ cổ phiếu với giá mục tiêu 31.200 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV): Doanh thu thuần 2022 của CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) đạt 8.786 tỷ đồng (tăng 42,9% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 729 tỷ đồng, tương đương 156% kế hoạch năm. 

Luỹ kế 12 tháng 2022, sản lượng điện thương phẩm đạt 4.065 triệu kWh (tăng trưởng 27,2%). Sản lượng Qc cả năm đạt 3.473,23 triệu kWh, chiếm khoảng 85% sản lượng điện thương phẩm của NT2. Kết quả tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu điện phục hồi tại khu vực miền Nam.

Trong năm 2023 với dự báo tình hình thời tiết sẽ không còn thuận lợi cho thuỷ điện sẽ mở ra dư địa huy động cho nhiệt điện, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện khí có phát thải thấp hơn so với điện than. Với lợi thế vị trí, chúng tôi cho rằng NT2 sẽ được ưu tiên huy động trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, NT2 có kế hoạch đại tu tại mức 100.000 giờ và phải tạm ngưng nhà máy trong khoảng hơn 40 ngày nhưng với nhu cầu cao, sản lượng năm 2023 của NT2 vẫn sẽ đạt 3.859 triệu kWh (giảm 5,1% so với năm trước).

Với dòng tiền hoạt động kinh doanh dồi dào và việc hoàn thành nghĩa vụ nợ dài hạn trong năm 2021, NT2 đang sở hữu một vị thế kết quả kinh doanh không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi biến động từ chênh lệch tỷ giá cũng như lãi suất như các doanh nghiệp điện khác. 

Chúng tôi kỳ vọng NT2 tiếp tục duy trì chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao cho năm 2023. Công ty mẹ của NT2 là PV Power đang thực hiện cụm dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 với tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2024 là một điểm tựa vững chắc cho việc NT2 sẽ gia tăng tỷ lệ trả cổ tức của mình.

Dựa trên định giá FCFF và EV/EBITDA, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu NT2. Giá mục tiêu là 31.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn so với giá tại ngày 27/02/2023.

Khuyến nghị cổ phiếu 28/2: SAB, DXS, PVT, IJC, NT2, HAH - Ảnh 5.

Biểu đồ giá cổ phiếu NT2 trong 1 tháng.

Khuyến nghị HAH: Nắm giữ cổ phiếu với giá mục tiêu 39.700 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV): CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu quý IV/2022 đạt 845 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận giảm xuống còn 32%. Lợi nhuận sau thuế đạt 189,5 tỷ đồng, giảm 30%.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HAH cả năm 2022 đạt 3.205 tỷ đồng và 1.051 tỷ đồng, lần lượt vượt 34% và 91% doanh thu và lợi nhuận kế hoạch 2022. Sang 2023, HAH đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giảm 18% và 64% so với thực hiện 2022, đạt 2,631 tỷ đồng và 300 tỷ đồng.

Hiện nay Hải An sở hữu 10 tàu với tổng sức chở hơn 14.000 Teu, chiếm 34% tổng sức chở của đội tàu container cả nước. Ngoài ra, HAH cũng đang đặt đóng mới 2 tàu cỡ 1.700-1.800 Teu, dự kiến sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu 2024.

Trong nửa đầu năm 2022, HAH mở thêm 2 tuyến chạy thẳng tới Trung Quốc: Haiphong - Hongkong - Nansha – Haiphong và Haiphong – Qinzhou. Hiện tại HAH phân bổ tàu chạy tuyến quốc tế với tần suất 3 - 4 chuyến/ tuần. Bên cạnh đó, HAH đã thông qua kế hoạch lập công ty liên doanh Zim - Hải An vốn điều lệ 2 triệu USD hợp tác với hãng tàu Zim, dự kiến sẽ bắt đầu kế hoạch khai thác từ quý I/2023.

Giá cước giao ngay vẫn đang tiếp tục đà giảm, gây ảnh hưởng tiêu cực lên doanh thu hoạt động tàu tự vận hành của HAH. 3 tàu hiện đang cho thuê của HAH sẽ hết hạn hợp đồng vào cuối tháng 3, tháng 9 và tháng 11/2023. HAH sẽ không thể đạt được mức giá cao như trước đây cho các hợp đồng thuê mới, khi mà hiện nay giá cho thuê tàu 1.700 Teu đã giảm xuống mức 14.000 USD/ngày (giảm 65% so với mức 40.000 USD/ngày mà HAIAN Bien đã ký được vào tháng 4/2022).

Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu HAH và đưa ra mức giá mục tiêu là 39.700 đồng/CP, tương đương với mức sinh lời 11,8% so với mức giá đóng cửa 35.500 đồng/CP ngày 23/02/2023.

Khuyến nghị cổ phiếu 28/2: SAB, DXS, PVT, IJC, NT2, HAH - Ảnh 6.

Biểu đồ giá cổ phiếu HAH trong 1 tháng.

Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

TRUNG HIẾU
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement