26/09/2022 18:24
Khuyến nghị cổ phiếu 27/9: CTD, BVH, PNJ, DBD
CTD, BVH, PNJ, DBD là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 27/9, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị CTD: Mua với giá mục tiêu 88.300 đồng/CP
CTCK MASVN: 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Xây dựng Coteccons (HOSE - Mã: CTD) lần lượt đạt 5.195 tỷ đồng (+1,5% yoy) và 5,4 tỷ đồng (-94% yoy). Nguyên nhân do CTD phải trích lập dựphòng khoản phải thu 242 tỷ trong Quý 2 cho một dự án của Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt(qua đó trích lập 100% cho khoản phải thu này), khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Ngược lại, hiệu quả từ thu nhập tài chính tăng mạnh đạt 227 tỷ đồng (+97,4% yoy) khi CTD xây dựng danh mục đầu tư bao gồm tiền gởi ngân hàng kỳ hạn từ 1–12 tháng và trái phiếu.
MASVN dự phóng CTD tăng trưởng doanh thu ởmức 15% và biên lợi nhuận gộp ở mức 5,5%. Thêm vào đó, việc thay đổi cấu trúc tài chính (tăng nợ vay, đầu tư trái phiếu…) khiến thu nhập tài chính dần trở thành một nguồn thu nhập chiếm tỷ trọng đáng kể cho CTD trong 2 năm tới.
Theo đó, MASVN hạ giá mục tiêu xuống 88.300 đồng/cp và giữ mức khuyến nghị mua cổ phiếu CTD dựa theo phương pháp chiết khấu dòng tiền. Quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp của CTD đã dần ổn định: Hoạt động đấu thầu tiếp tục khởi sắc trong 6 tháng đầu năm với 39 dự án, tổng giá trị gần 16.000 tỷ đồng; Biên lợi nhuận gộp 6T22 cải thiện tốt và đạt 5,4% (+40 bsp YoY).
Rủi ro: các công ty xây dựng gặp nhiều khó khăn do tín dụng cho thị trường bất động sản đang bị kiểm soát chặt, năng lực tài chính của các chủ đầu tư suy giảm khiến một số khoản phải thu có thể tiềm ẩn rủi ro trong tương lai. Vì thế, MASVN giảm hệ số EV/EBITDA về mức thận trọng là 1,5x.
Khuyến nghị BVH: Mua với giá mục tiêu 75.000 đồng/CP
CTCK Agribank (Agriseco Research): Lũy kế 6 tháng đầu năm, LNST của Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH) đạt 828 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho năm 2022. Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đóng góp 473,7 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 40% so với cùng kỳ. Hoạt động tài chính đóng góp 3.900 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 100 tỷ đồng svck chủ yếu do trích lập dự phòng cho danh mục đầu tư cổ phiếu tại ngày 30/6.
Cơ cấu tài sản giúp hưởng lợi từ xu hướng tăng lãi suất. Mặt bằng lãi suất cao nâng cao hiệu quả đầu tư của công ty bảo hiểm. Tại thời điểm cuối quý 2, tài sản tài chính ròng của Tập đoàn đạt 31 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, trong đó tiền gửi ngắn hạn đạt 103 nghìn tỷ đồng, chiếm 40%. Agriseco cho rằng tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn cao giúp doanh nghiệp có thể được hưởng lợi tức thì từ xu thế tăng lãi suất huy động, khi NHNH vừa tăng 1% lãi suất điều hành.
Lợi suất TPCP tăng làm giảm tỷ lệ trích lập dự phòng toán học với các khoản bảo hiểm nhân thọ. Đo lường mức độ ảnh hưởng của lợi suất TPCP tới nguồn vốn tại BCTC năm 2021 cho thấy tỷ lệ chiết khấu tăng 0,25% làm giảm tới 1 nghìn tỷ đồng trách nhiệm phải trích lập dự phòng toán học, qua đó làm tăng 800 tỷ đồng LNST và vốn chủ sở hữu. Trên thực tế, lãi suất TPCP đã tăng khoảng 0,05%- 0,1% kể từ cuối tháng 6 sẽ tác động tích cực tới KQKD của BVH thông qua việc làm giảm tỷ lệ trích lập với khoản dự phòng toán học.
Ngành bảo hiểm còn nhiều dư địa tăng trưởng. Hiện nay tỷ lệ thâm nhập BHNT tại Việt Nam vẫn ở mức thấp (1,6%), so với mục tiêu 15% dân số tham gia BHNT vào năm 2025 của Chính phủ. Trong năm 2022, thị trường BHPNT có thể phục hồi với mức tăng trưởng tới 10%, trong khi thị trường BHNT cũng được kì vọng sẽ duy trì tăng trưởng cao (trên 20%) của năm 2021. Với vị thế của doanh nghiệp đầu ngành, kì vọng BVH sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng và chiến lược phát triển ngành bảo hiểm của Chính phủ trong các năm tới.
Có thể thấy rằng những yếu tố vĩ mô đang diễn biến theo hướng có lợi cho BVH khi đem lại cơ hội cải hiện hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới. Trong khi hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp tăng trưởng khá bền vững, mức P/B hiện tại 1,8x là khá thấp so với tiền năng và lịch sử định giá doanh nghiệp. Vì vậy Agriseco tiếp tục khuyến nghị MUA cổ phiếu BVH với giá mục tiêu là 75.000 đồng/CP (upside 28,5%), dựa trên dự phóng BVPS fw và P/B fw lần lượt là 31.000 đồng và 2,4 lần. NĐT thực hiện cắt lỗ khi giá đóng cửa dưới vùng 53.000 đồng/cp.
Khuyến nghị PNJ: Mua với giá mục tiêu 135.400 đồng/CP
CTCK Yuanta Việt Nam – FSC: Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE - Mã: PNJ) ghi nhận kết quả tích cực trong 8 tháng đầu năm 2022 (8T22), doanh thu đạt 23 nghìn tỷ đồng (+87,6% YoY) và LNST đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (+99,4% YoY). Mảng bán lẻ vẫn là động lực chính giúp thúc đẩy doanh thu của công ty. Cụ thể, doanh thu bán lẻ tăng +96,2% YoY trong 8T22 và chiếm 59,7% tổng doanh thu, +2,5 điểm % (ppt) so với 8T21.
Mảng kinh doanh trang sức sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, theo chúng tôi đây là câu chuyện hấp dẫn nhất khi đầu tư vào thị trường Việt Nam. Theo báo cáo từ MCKinsey, mỗi năm sẽ có hơn một triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu, nghĩa là nhu cầu đối với hàng trang sức cũng tăng lên.
PNJ dự kiến mở thêm 35-40 cửa hàng trong năm 2022 (+10-12% YoY) từ 341 cửa hàng vào thời điểm cuối năm 2021. Ban lãnh đạo đặt mục tiêu 500 cửa hàng vào năm 2025, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 13,6% trong giai đoạn 2022E-2025E. Ngoài ra, PNJ đang mở rộng công suất và dự kiến đến cuối năm 203E, tổng công suất sẽ đạt 6,0 triệu sản phẩm /năm (so với mức công suất hiện tại là 4 triệu sản phẩm/năm).
Chúng tôi nâng dự báo doanh thu năm 2022E lên 35,9% và đạt 32,4 nghìn tỷ đồng (tương ứng với mức tăng trưởng +65,4% YoY) và dự báo doanh thu năm 2023E cũng được nâng lên 38,3%, đạt 37,6 nghìn tỷ đồng (+16,1% YoY). Tuy nhiên, chúng tôi giả định biên lợi nhuận gộp sẽ giảm do thay đổi cơ cấu doanh thu. Vì thế, dự báo LNST của CĐCT mẹ (PATMI) của chúng tôi cho năm 2022E chỉ tăng nhẹ 1,9% so với dự báo trước đó, đạt 1,8 nghìn tỷ đồng (+75,3% YoY) và dự báo cho năm 2023E cũng chỉ tăng 0,7%, đạt 2,2 nghìn tỷ đồng (+20,8% YoY).
Chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị MUA đối với PNJ với giá mục tiêu đã điều chỉnh là 135.453 đồng, tương ứng với P/E 2023E trung vị ngành là 12,8x. Giá mục tiêu mới của chúng tôi tương ứng với tổng mức sinh lời của cổ đông trong 12 tháng là 21%.
Khuyến nghị DBD: Tích cực với giá mục tiêu 53.800 đồng/CP
CTCK Bảo Việt (BVSC): Hiện tại trong nước có khoảng 10 công ty sản xuất thuốc điều trị ung thư. Trong đó, Công ty cổ phần Dược Bình Định (mã chứng khoán DBD) là doanh nghiệp tiên phong sản xuất thuốc điều trị ung thư với hơn 20 loại hoạt chất khác nhau, trong khi các doanh nghiệp còn lại chỉ có 1-4 hoạt chất trong Nhóm 3-5. Công ty có những sản phẩm thuốc điều trị ung thư chiếm đến 80% thị phần về sản lượng.
Dư địa tăng trường dài hạn trong kênh ETC vẫn còn lớn nhờ xây dựng các nhà máy mới đạt tiêu chuẩn GMP PICs/EU: Từ năm 2018, DBD đã có kế hoạch xây dựng 3 nhà máy mới đạt tiêu chuẩn GMP PICs/EU trong giai đoạn 2022 – 2030 với công suất tăng gấp 3 lần so với hiện tại của nhóm thuốc ung thư, thuốc uống dạng rắn không kháng sinh (Non Betalactam) và thuốc vô trùng.
Mục tiêu chính của DBD trong dài hạn là giành thị phần tại kênh bệnh viện ở Nhóm 1 và Nhóm 2 bởi các hợp đồng thuốc điều trị ung thư ở Nhóm thuốc biệt dược, thuốc Nhóm 1 và Nhóm 2 đều có giá trị lớn, chiếm đến 85-90% tổng giá trị đấu thầu nhóm thuốc ung thư tại bệnh viện.
Mở rộng kênh cửa hàng thuốc giúp thúc đẩy tăng trưởng các sản phẩm cốt lõi khác: DBD đang nhanh chóng mở rộng kết nối với các cửa hàng thuốc trên toàn quốc. Năm 2020, Công ty phân phối cho 5.000 nhà thuốc, đến tháng 8/2022 số lượng nhà thuốc mà công ty phân phối đã tăng gần gấp 4 lần, đạt 18.000 nhà thuốc. Công ty đặt kế hoạch khá tham vọng là sẽ phân phối cho 30.000 nhà thuốc vào năm 2025.
Bên cạnh đó, DBD cũng nỗ lực gia tăng doanh thu trung bình/ cửa hàng thuốc thông qua đẩy mạnh thêm ngành hàng thực phẩm chức năng (Consumer Healthcare Products) tập trung vào nhóm trẻ em & phụ nữ có con, nhóm trung niên và người cao tuổi. Công ty dự kiến doanh thu trung bình/cửa hàng sẽ cán mốc 60-80 triệu/cửa hàng vào năm 2025 - đây là mức trung bình của ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu/cửa hàng 20-25%/năm.
Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DBD trong năm 2022 của DBD lần lượt đạt 1.618 tỷ đồng (tăng 3,8% so với năm trước) và 201 tỷ đồng (tăng 6%).
Chúng tôi cũng ước tính CAGR doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DBD lần lượt ở mức 29%/năm và 32%/năm trong giai đoạn 2022 - 2026, động lực tăng trưởng chính đến từ việc (1) Giành thị phần thuốc điều trị ung thư ở Nhóm 1 & Nhóm 2 tại kênh bệnh viện (ETC) sau khi nhà máy công nghệ cao Nhơn Hội đạt chuẩn EU – GMP và (2) Mở rộng nhóm ngành hàng mới tại kênh bán lẻ.
Với phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) và P/E, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM cho DBD với giá mục tiêu là 53.800 đồng/cổ phiếu – với tiềm năng tăng trưởng 26,5%.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp