Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Không để 'lỡ nhịp' trong làn sóng FDI mới

Chính sách - Hạ tầng

01/07/2024 08:31

Xu hướng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên thế giới đang thay đổi theo hướng đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ lõi, dựa vào hiệu quả đầu tư thay vì lợi nhuận như trước đây. Sự dịch chuyển này đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này.

Vậy Việt Nam cần có những giải pháp gì để có thể bắt kịp xu thế chung của toàn cầu và làm sao để tận dụng được luồng vốn FDI thế hệ mới khi ngày càng nhiều các tập đoàn lớn chuyển dịch đầu tư vào khu vực? Từ góc nhìn doanh nghiệp, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và Xúc tiến đầu tư nước ngoài và ông Vũ Chí Kiên, Phó Tổng giám đốc CTCP Xây dựng Qualipro.

Chủ tịch Nguyễn Đình Nam: Cần ưu đãi cho các dự án công nghệ cao

Sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất toàn cầu, nhất là trong các ngành công nghệ lõi, công nghệ chíp, công nghệ của tương lai đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn FDI công nghệ cao song cũng còn nhiều thách thức trong khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực.

Thứ nhất, phản ứng chính sách còn chậm và chưa linh hoạt trong cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án lớn, dự án công nghệ lõi, công nghệ nguồn. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn thiếu tính ổn định và nhất quán, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà và quy trình xử lý vẫn có sự khác biệt giữa các địa phương, làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư.

Không để 'lỡ nhịp' trong làn sóng FDI mới- Ảnh 1.

Công ty TNHH Khvatec Thái Nguyên (vốn đầu tư của Hàn Quốc) tại KCN Yên Bình, thành phố Phổ Yên chuyên dập, đúc, mạ, lắp ráp các linh kiện điện tử phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử. Ảnh: TTXVN

Thứ hai, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là các ngành công nghệ mới, chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thúc đẩy các ngành chức năng tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động để trong thời gian sớm nhất có thể gia nhập vào thị trường lao động của những ngành này.

Thứ ba, hạ tầng năng lượng, khả năng đáp ứng nhu cầu điện sản xuất có những thời điểm và tại một số trung tâm công nghiệp lớn còn thiếu hụt, gây quan ngại cho nhà đầu tư. Hơn nữa, việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo còn chậm và dàn trải cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới này.

Thứ tư, hạ tầng kết nối giao thông, logistic (sân bay, cảng biển, đường cao tốc) vẫn thực sự chưa đồng bộ và có tính kết nối liên vùng, làm hạn chế khả năng thu hút FDI vào các địa phương có vị trí địa lý không thuận lợi, cách xa các trung tâm công nghiệp hiện hữu và thiếu tính kết nối với hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng và năng lực doanh nghiệp hỗ trợ trong nước còn yếu so với các quốc gia trong khu vực nên thiếu tính liên kết giữa doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp FDI.

Trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, để thu hút FDI chất lượng cao Việt Nam phải có những chính sách ưu đãi cao và hỗ trợ ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, đặc biệt là ngành sản xuất chíp bán dẫn. Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính cũng cần phải được thực hiện một cách quyết liệt và triệt để hơn, tránh việc nhũng nhiễu làm giảm lòng tin của nhà đầu tư.

Chúng ta cũng phải đào tạo nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ kỹ thuật và tác phong công nghiệp đủ đáp ứng yêu cầu của các dự án chất lượng cao. Nếu quá trình này không được thúc đẩy nhanh và mạnh, chúng ta có thể sẽ để lỡ nhịp trong việc thu hút làn sóng FDI thứ tư này.

Không để 'lỡ nhịp' trong làn sóng FDI mới- Ảnh 2.

Công nhân làm việc tại Công ty Cơ khí Động lực Toàn Cầu, khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải nhanh chóng phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết sân bay, cảng biển, các tỉnh thành phố lớn với các trung tâm công nghiệp. Bên cạnh đó hạ tầng năng lượng cũng cần được nâng cấp và tập trung đầu tư, nhất là việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu sản xuất của những dự án công nghệ cao, bảo vệ môi trường và tránh phát thải CO2 ra môi trường.

Phó Tổng giám đốc Vũ Chí Kiên: Hạ tầng khu công nghiệp là yếu tố hàng đầu

Cơ sở hạ tầng khu công nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Khi các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam, họ rất quan tâm đến các yếu tố như: Vị trí của khu công nghiệp (KCN) có thuận tiện cho vấn đề đi lại (như có gần đường cao tốc, đường sông, cảng biển, sân bay…); khu vực dự án có dễ tuyển dụng lao động hay không? Các chi phí lương công nhân, hạ tầng xã hội cho sinh hoạt, ăn ở thế nào và có tiện để phát triển cộng đồng các doanh nghiệp tương hỗ nhau. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm như công suất đáp ứng của trạm xử lý nước thải tập trung; đấu nối cấp điện, cấp nước, thoát nước thải…

Một khu công nghiệp sẽ thu hút được nhà đầu tư nước ngoài nếu đáp ứng được một cách tốt nhất các tiêu chí như trên. Và chúng ta muốn thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam thì hạ tầng cơ sở các KCN được coi là yếu tố cần chuẩn bị hàng đầu và sớm nhất (vì một dự án KCN từ lúc nghiên cứu đến lúc hình thành, có đất cho nhà đầu tư xây dựng cũng thường mất từ 3 - 5 năm.

Một vấn đề quan trọng khác trong thu hút FDI mới là chúng ta cần làm sao để tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Trong những năm gần đây có rất nhiều các nhà đầu tư FDI, các tổng thầu xây dựng nước ngoài thực hiện các dự án tại Việt Nam. Phải nói công tâm rằng các doanh nghiệp trong nước cần phải nỗ lực và nỗ lực rất nhiều thì mới có thể theo kịp và cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài nếu chúng ta không muốn thua ngay trên sân nhà. Các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều yếu tố lợi thế hơn so với các doanh nghiệp trong nước như: Tiềm lực về tài chính; kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, triển khai dự án; tiềm lực về công nghệ, máy móc thiết bị và cuối cùng là yếu tố con người.

Đối với doanh nghiệp trong nước tất nhiên cũng có nhiều yếu tố lợi thế nhưng nếu không tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tăng cường tiềm lực về khoa học công nghệ và nâng cao kỹ năng cho lao động thì rất khó có thể tận dụng được sự lan tỏa từ các doanh nghiệp FDI.

(Nguồn: TTXVN)

P.V (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement