09/03/2023 09:10
EU đã hỗ trợ gì cho Ukraina sau hơn một năm chiến tranh?
Khi Ukraina tiếp tục cuộc chiến trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang suy thoái nghiêm trọng nhất trong vòng hơn 30 năm qua với mức giảm 30,4% GDP. Vậy trong khoảng thời gian chiến tranh suốt hơn 1 năm qua, EU đã giúp gì cho nền kinh tế nước này?
Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraina trong 12 tháng qua, coi Ukraina là biểu tượng của sự đoàn kết và an toàn của châu Âu trước Nga, thậm chí còn mở đường cho Ukraina gia nhập EU trong tương lai, sau khi trao cho nước này tư cách ứng cử viên vào tháng 6 năm 2022.
Tại Kyiv vào ngày 2 tháng 2, cùng với 15 ủy viên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho biết: "Châu Âu đã sát cánh cùng Ukraina ngay từ ngày đầu tiên, bởi vì chúng tôi biết rằng tương lai của lục địa chúng ta đang được viết nên ở đây".
Cũng tại đây, EU công bố gói hỗ trợ mới trị giá 450 triệu euro cho năm 2023, nâng tổng số hỗ trợ tài chính cho Ukraina từ các quốc gia thành viên và các tổ chức tài chính châu Âu lên khoảng 50 tỷ euro.
Các khoản tiền được tài trợ vào những lĩnh vực gì?
50 tỷ euro do EU, các tổ chức tài chính châu Âu và các quốc gia thành viên cung cấp có nhiều hình thức khác nhau và được chi cho nhiều lĩnh vực, bao gồm viện trợ nhân đạo, hỗ trợ quân sự, hỗ trợ tài chính vĩ mô và các khoản vay.
Hỗ trợ tài chính vĩ mô là một hình thức viện trợ cho các quốc gia đối tác của EU đang gặp khủng hoảng về cán cân thanh toán và được sử dụng để tài trợ cho các chi phí của chính phủ như lương hưu, tiền lương, giáo dục và khôi phục cơ sở hạ tầng.
EU cũng đã cam kết tặng thiết bị để giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng ở Ukraina, bao gồm 35 triệu bóng đèn LED và 5.400 máy phát điện, cũng như giúp sửa chữa lưới điện, 40% trong số đó đã bị phá hủy bởi các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.
Ngân hàng Thế giới ước tính chi phí cho Ukraina, về phục hồi kinh tế và tái thiết cơ sở hạ tầng, vào khoảng 320 tỷ euro.
Phần lớn sự suy giảm kinh tế này có liên quan đến việc huy động lao động, làm gián đoạn các ngành công nghiệp then chốt, chẳng hạn như nông nghiệp và xuất khẩu, những ngành mà nền kinh tế Ukraina phụ thuộc.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích người Ukraina tại Dragon Capital, Olena Bilan, nền kinh tế đã phục hồi một cách đáng kinh ngạc, trước những thách thức mà đất nước phải đối mặt.
"Trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, một nửa nền kinh tế không hoạt động. Nhưng sau đó, chúng tôi đã chứng kiến sự phục hồi khá nhanh trong hoạt động kinh tế. Nó kéo dài cho đến tháng 10, khi Nga bắt đầu cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina".
Mặc dù vậy, bà Bilan nói thêm rằng người dân và doanh nghiệp Ukraina đã có thể thích nghi với những thách thức do thiếu điện gây ra khi các công ty "mua máy phát điện, ắc quy, starlink".
Sẽ có thêm viện trợ và đầu tư cho năm 2023
Ngoài viện trợ, Liên minh châu Âu đã cam kết cho vay 18 tỷ euro chỉ riêng trong năm 2023, với các điều khoản cho vay thuận lợi.
Khoản tiền này sẽ được phân bổ thành nhiều đợt và gắn liền với các điều kiện được nêu trong Bản ghi nhớ giữa Brussels và Kyiv, trong đó đặt ra các cải cách về luật pháp, bãi bỏ quy định kinh tế và cam kết chống tham nhũng.
Bà Olena Bilan nói với Euronews rằng Ukraina cần "thực hiện các bước tiếp theo trên con đường cải cách" để phục hồi, đồng thời nói thêm rằng "các nhà chức trách Ukraina sẽ cần thể hiện sự khao khát và ý chí thực sự của họ để giảm tham nhũng".
Tin tức đã được đón nhận ở Kiev; Phó Thủ tướng Ukraina, Olha Stefanishyna, cho biết gói viện trợ "đáng kể" mới nhất này của EU mang lại "sự rõ ràng" cho người dân Ukraina.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính rằng chính phủ Ukraina đang phải đối mặt với khoản thiếu hụt tài chính từ 38 đến 39 tỷ USD (trên 35 tỷ euro), do đó, khoản vay 18 tỷ euro đã lấp đầy một phần khoảng trống đó.
Valdis Dombrovskis, phó Chủ tịch điều hành của Ủy ban Kinh tế và Thương mại của EU, nói với Euronews rằng, EU mong đợi "các nhà tài trợ quốc tế khác như Hoa Kỳ và các nước G7, các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, Ngân hàng Thế giới" sẽ cung cấp phần còn lại.
Những thay đổi đối với hiệp định thương mại EU-Ukraina
EU và Ukraina đã có thỏa thuận thương mại từ năm 2017, nhưng vào tháng 6 năm ngoái, Ủy ban châu Âu đã quyết định đơn phương tự do hóa việc tiếp cận thị trường EU, một sự thay đổi sẽ kéo dài đến tháng 6 năm nay.
Theo thỏa thuận này, hàng hóa và dịch vụ của Ukraina có thể vào EU mà không có bất kỳ mức thuế hoặc hạn ngạch nào.
Dombrovskis nói với Euronews rằng EU đang nỗ lực kéo dài các biện pháp này, để chúng có thể qua tháng 6, vì việc kết thúc chiến tranh vẫn còn là một viễn cảnh xa vời.
(Nguồn: Euronews)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement