10/04/2024 08:15
Đức hy vọng lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2024
Dữ liệu thống kê mới nhất về công nghiệp của Đức cho thấy có thể tình trạng trì trệ trong quý đầu tiên của năm đã kết thúc.
Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) hôm 8/4 cho biết, sản xuất công nghiệp ở nền kinh tế số một châu Âu đã tăng hơn dự kiến trong tháng 2 nhờ hoạt động của ngành xây dựng.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp trong tháng 2 ghi nhận mức tăng 2,1% so với tháng trước đó. Các nhà phân tích được Reuters thăm dò dự đoán mức tăng chỉ là 0,3%.
Mức tăng hàng tháng lớn thứ hai liên tiếp khẳng định lĩnh vực này đã bắt đầu năm mới một cách tốt đẹp hơn, Franziska Palmas, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Âu tại Capital Economics, cho biết khi đề cập đến dữ liệu do Destatis công bố, lưu ý rằng lĩnh vực này đã kết thúc năm ngoái với mức suy giảm sâu.
"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho rằng ngành này sẽ gặp khó khăn trong thời gian còn lại của năm 2024 do nhu cầu yếu và khả năng cạnh tranh giảm sút", ông Palmas cảnh báo.
Sản lượng công nghiệp ở nền kinh tế đầu tàu châu Âu tăng so với tháng trước phần lớn là do sản lượng trong ngành xây dựng tăng 7,9%, trong ở lĩnh vực sản xuất năng lượng lại ghi nhận mức giảm 6,5%.
Sản xuất công nghiệp, không bao gồm năng lượng và xây dựng, tăng 1,9% so với tháng 1. Sự tăng trưởng này phần lớn nhờ vào mức tăng sản lượng 5,7% trong ngành ô tô và 4,6% trong ngành hóa chất.
"Những gì chúng ta đang thấy trong ngành công nghiệp Đức là sự cải thiện theo chu kỳ chứ không phải sự cải thiện mang tính cơ cấu. Trên thực tế, sản xuất công nghiệp vẫn thấp hơn khoảng 8% so với mức trước đại dịch", ông Carsten Brzeski, chuyên gia về kinh tế vĩ mô toàn cầu tại ING, cho biết.
Đơn đặt hàng công nghiệp của Đức tăng 0,2% trong tháng 2, thấp hơn dự kiến, cho thấy nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất vẫn tiếp tục yếu kém.
"Điều thú vị là thương mại của Đức đang trải qua những thay đổi trong thương mại toàn cầu và căng thẳng địa chính trị. Tỉ trọng xuất khẩu từ quốc gia Tây Âu sang Mỹ tăng lên hơn 10% tổng xuất khẩu vào năm 2023, trong khi tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm xuống 6%, thấp hơn đáng kể so với mức trước đại dịch. Đồng thời, Đức xuất khẩu sang Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary nhiều hơn sang Mỹ", ông Brzeski cho biết trong bài đăng trên ING hôm 8/4.
"Nhìn về phía trước, mặc dù dữ liệu công nghiệp công bố hôm 8/4 là niềm an ủi cho nền kinh tế Đức, nhưng đây vẫn chưa phải là khởi đầu cho một sự phục hồi đáng kể", vị chuyên gia nói.
Theo ông Brzeski, với 2 tháng dữ liệu đã được chứng minh trong quý đầu tiên, cuối cùng cũng có lý do để lạc quan rằng ít nhất xu hướng giảm theo chu kỳ ở Đức đã kết thúc.
"Mặc dù tiêu dùng cá nhân là lực cản đối với nền kinh tế trong những tháng đầu năm, nhưng dữ liệu ngày hôm nay mang lại hy vọng rằng nền kinh tế có thể đã thoát khỏi tình trạng trì trệ trong quý đầu tiên", ông kết luận.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement