02/02/2024 16:24
Công nhân đình công, giao thông công cộng tê liệt ở nước Đức
Các cuộc đình công khiến giao thông khắp nước Đức tê liệt, khi các công đoàn đòi tăng lương trong bối cảnh lạm phát leo thang.
Công đoàn Verdi và công đoàn đường sắt, vận tải EVG đã kêu gọi đình công kéo dài 24 giờ, đồng thời khởi động ba ngày đàm phán tăng lương. Các cuộc đình công dự kiến tiếp diễn nếu giới chức không thỏa hiệp.
Các trạm xe buýt và xe điện trên khắp nước Đức đã ngừng hoạt động vào thứ Sáu, làm gián đoạn hàng triệu người đi lại và khách du lịch, khi 90.000 công nhân giao thông công cộng được kêu gọi nghỉ việc. Đây là cuộc đình công mới nhất trong một loạt các hoạt động công nghiệp gây khó khăn cho ngành vận tải của đất nước trong những tuần gần đây.
Yêu cầu trọng tâm của Verdi là cải thiện điều kiện làm việc bao gồm giảm giờ làm và tăng quyền nghỉ lễ theo các biện pháp được yêu cầu.
Phó chủ tịch Verdi, Christine Behle, cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi thiếu hụt trầm trọng lao động trong lĩnh vực giao thông công cộng và áp lực đáng kinh ngạc đối với nhân viên. Xe buýt và xe lửa bị hủy hàng ngày ở tất cả các vùng giá vé vì không có đủ nhân viên".
Nhiều người lao động đình công mặc áo phản quang tụ tập biểu tình. Họ thổi còi, huýt sáo, giương các biểu ngữ và cờ.
Hiệp hội sân bay ADV ước tính 200.000 hành khách bị ảnh hưởng do 1.100 chuyến bay bị hủy chuyến, trong đó có các chuyến bay tại hai phi trường lớn nhất Đức ở Munich và Frankfurt. Nhiều người mắc kẹt phải ngủ trên các băng ghế.
"Chúng tôi đang cùng nhau nỗ lực huy động để có điều kiện làm việc tốt hơn và tương lai cho giao thông công cộng. Người lao động đã chán ngấy những lời lẽ xoa dịu trong điều kiện làm việc ngày càng tồi tệ", Frank Werneke, lãnh đạo công đoàn Verdi, cho biết.
Tình trạng gián đoạn dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra ở Hamburg, nơi Verdi kêu gọi nhân viên phục vụ mặt đất đình công từ 3 giờ sáng (02:00 GMT) thứ Sáu cho đến nửa đêm.
Liên minh cho biết họ đang yêu cầu mức lương cao hơn và khoản thanh toán một lần 3.000 euro (3.247 USD) để điều chỉnh theo lạm phát.
Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga trước xung đột Ukraina, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng vật giá leo thang, khi lạm phát vượt mức trung bình khu vực đồng euro những tháng gần đây.
Nếu tăng lương, dư địa tài chính của chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz sẽ bị siết chặt, khiến các cuộc đàm phán ngân sách ngày càng trở nên khó khăn.
(Nguồn: Reuters)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement