18/01/2024 08:40
Dân số giảm năm thứ 2 liên tiếp, Trung Quốc càng thêm thách thức
Dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp khi tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và làn sóng tử vong do COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình suy thoái dân số.
Dân số Trung Quốc năm 2023 giảm 2,08 triệu người so với năm trước, xuống còn 1,409 tỷ người, theo số liệu được Cục Thống kê quốc gia (NBS) công bố ngày 16/1.
NBS xác nhận kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,1% trong năm 2023, trong khi mục tiêu được chính phủ đặt ra là khoảng 5%. Dù tốc độ này được đánh giá là sự hồi phục đáng kể sau năm 2022 khó khăn, khi kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 3%, nhưng đây vẫn là một trong những kết quả khiêm tốn nhất của nước này trong hơn 3 thập kỷ.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc cũng giảm xuống mức kỷ lục, với 6,38/1.000 người, giảm so với tỷ lệ 6,77 của năm trước và cũng là tỷ lệ thấp nhất kể từ khi thành lập nước năm 1949. Khoảng 9,02 triệu em bé được sinh ra ở nước này trong năm 2023, thấp hơn con số 9,56 triệu của năm 2022.
Lực lượng lao động của Trung Quốc, tức nhóm độ tuổi từ 16-59, giảm 10,75 triệu so với năm 2022, còn số người trên 60 tuổi tăng 16,93 triệu so với năm trước.
Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm vào thứ Tư sau khi công bố dữ liệu. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đóng cửa giảm 3,7%. CSI300, bao gồm 300 cổ phiếu lớn niêm yết ở Thượng Hải và Thâm Quyến, giảm 2,2%. Cả hai chỉ số đều có một năm ảm đạm vào năm 2023, mỗi chỉ số đều giảm hơn 10%.
Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề kinh tế, trong đó có sự di cư của nhà đầu tư và giảm phát. Dân số ngày càng giảm sẽ buộc Bắc Kinh phải thực hiện một số thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế và định hình lại các lĩnh vực bao gồm chăm sóc sức khỏe và nhà ở.
Vào tháng 12, giá nhà mới đã giảm ở mức cao nhất trong gần 9 năm, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của NBS, và đầu tư bất động sản vào năm 2023 giảm 9,6% so với năm trước, đánh dấu năm sụt giảm thứ 2 liên tiếp.
Tỷ lệ sinh chậm lại diễn ra bất chấp nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích nhiều cặp vợ chồng sinh con sau nhiều thập kỷ chính sách hạn chế sinh sản.
Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) ở New York, cho biết: "Ngày càng có ít người kết hôn và ít cặp vợ chồng muốn sinh con hơn".
Đại dịch Covid-19 cũng có thể ảnh hưởng đến xu hướng hiện tại "vì tác động của nó đối với nền kinh tế - suy thoái kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ - tất cả những điều đó đã khiến mọi người không muốn kết hôn và sinh con".
Tỷ lệ sinh giảm cùng với lực lượng lao động bị thu hẹp và dân số già đi nhanh chóng là thách thức kép đối với chính phủ Trung Quốc khi phải vật lộn với việc tài trợ cho chăm sóc sức khỏe và lương hưu cho người già, đồng thời duy trì tăng trưởng trong nền kinh tế có ít người trong độ tuổi lao động hơn.
Cơ quan hành chính hàng đầu của Trung Quốc tuần trước đã đưa ra các hướng dẫn nhằm củng cố cái gọi là "nền kinh tế bạc", như một phần trong nỗ lực từ trên xuống nhằm giải quyết những thách thức trong việc chăm sóc số lượng người già ngày càng tăng.
Hướng dẫn kêu gọi các công ty trong các lĩnh vực bao gồm nhà ở, chăm sóc sức khỏe và tài chính điều chỉnh các dịch vụ và sản phẩm cho người cao tuổi. Việc phát triển đất đai và tài trợ của chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ các cơ sở vật chất cho cư dân già.
Lời kêu gọi phát triển "nền kinh tế bạc" diễn ra sau các cuộc biểu tình ở ít nhất 4 thành phố vào năm ngoái, nơi hàng nghìn người già xuống đường phản đối việc cắt giảm trợ cấp y tế hàng tháng do chính quyền địa phương phải vật lộn với thâm hụt.
Trong một động thái bất ngờ, NBS đã đưa tỷ lệ thất nghiệp hàng tháng của thanh niên trở lại sau 5 tháng gián đoạn.
Vào tháng 12, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 - 24 tuổi ở mức 14,9%. Con số này không bao gồm khoảng 62 triệu sinh viên, những người có nhiệm vụ chính là "học tập" thay vì tìm kiếm việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp cho những người trong độ tuổi 25-29 đạt 6,1% trong tháng 12.
Cuộc khủng hoảng bất động sản, vốn là tâm điểm của nhiều vấn đề kinh tế của Trung Quốc, vẫn tiếp diễn.
Doanh số bán nhà tính theo m2 đã giảm 8,5% vào năm 2023, đánh dấu năm giảm thứ hai liên tiếp và tâm lý của các nhà đầu tư vẫn còn yếu. Đầu tư bất động sản năm 2023 giảm 9,6% so với năm 2022, đây cũng là năm sụt giảm thứ hai liên tiếp.
Lĩnh vực bất động sản đã đóng một vai trò to lớn trong nền kinh tế Trung Quốc, chiếm tới 30% GDP. Tài sản nhà ở chiếm khoảng 70%, tỷ trọng lớn nhất trong tài sản hộ gia đình.
Việc bán đất cho các nhà phát triển đã chiếm hơn 40% thu nhập của chính quyền địa phương trong những năm trước năm 2021. Lĩnh vực này rơi vào khủng hoảng khoảng 3 năm trước sau khi chính phủ tiến hành thắt chặt hoạt động vay mượn của các nhà phát triển.
Do dân số già đi, các nhà phân tích dự đoán nhu cầu nhà ở sẽ giảm trong những năm tới, điều này sẽ kéo ngành bất động sản đi xuống và ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.
(Nguồn: SCMP)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement