Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cước phí vận tải biển tăng sốc do xung đột, Bộ GTVT chỉ đạo khẩn

Chính sách - Hạ tầng

22/01/2024 10:29

Cước phí vận tải biển đã tăng cao gấp đôi, gấp ba do tình trạng mất an ninh tại khu vực Biển Đỏ (con đường hàng hải thương mại quan trọng trên thế giới). Trước tình hình trên, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp.

Nhằm đảm bảo hệ thống logistics không gặp khó khăn, Bộ GTVT yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan bảo đảm hệ thống cảng biển thông suốt trên toàn quốc.

Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đồng thời nghiên cứu, triển khai ngay các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải.

Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam đẩy nhanh thủ tục ra, vào cảng và việc xếp, dỡ hàng hóa đối với tàu thuyền vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng container đi châu Mỹ, châu Âu.

Song song đó, khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu để kêu gọi và thu hút các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.

Cước phí vận tải biển tăng sốc do xung đột, Bộ GTVT chỉ đạo khẩn- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu cơ chế chính sách nhằm thu hút các hãng vận tải container mở tuyến mới đến Việt Nam; tiếp tục, khẩn trương nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan đến hoạt động tàu thuyền.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, kể từ cuối năm 2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, các hãng tàu đã phải thay đổi tuyến đường, không đi qua kênh đào Suez mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, làm cho hành trình tàu kéo dài từ 10 đến 14 ngày so với trước, phát sinh thêm rất nhiều chi phí vận chuyển.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, giá dịch vụ vận tải container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ trong tuần đầu của tháng 1/2024 biến động lớn, tăng khoảng 60% so với thời điểm cuối năm 2023, và tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Dân Việt.

Hiện tại mức giá vận chuyển container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ đã cao hơn khoảng 88% so với mức giá trước đại dịch COVID-19 và thấp hơn khoảng 1-2% so với mức giá trung bình của 10 năm gần đây.

Tại Việt Nam, giá cước vận tải đi châu Âu, châu Mỹ cũng tăng theo xu thế chung của thế giới, cụ thể giá cước từ Việt Nam đi cảng khu vực Tây Mỹ 2.650 USD/container 40 feet, đi cảng khu vực Đông Mỹ 3.900 USD/ container 40 feet, đi châu Âu 4.900 USD/ container 40 feet (theo báo giá của một số hãng tàu).

Công ty Vina T&T Group mỗi tuần xuất từ 15-20 contairner trái cây tươi sang thị trường Mỹ. Gần đây, việc vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ nguy hiểm đã làm cước vận chuyển tăng 30%, thời gian vận chuyển tăng thêm khoảng 15 ngày, làm cho doanh nghiệp (DN) càng khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc T&T cho biết, đối với loại trái cây có thời gian bảo quản lâu như bưởi và dừa (khoảng 65 ngày) DN vẫn xuất khẩu bằng đường biển. Còn trái cây không giữ lâu được như thanh long, xoài, nhãn thì chuyển sang vận chuyển bằng hàng không.

Tuy nhiên, vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cước phí cao gấp 10 lần so với đường biển. Đường biển chi phí chỉ 0,4 USD/kg, còn đường hàng không giá từ 4-5 USD/kg. Vì vậy, công ty không xuất được đơn hàng lớn trong dịp mua sắm cuối năm này mà chỉ xuất cầm chừng. Sản lượng xuất khẩu giảm từ 50-60% vì giá thành tăng, sức mua giảm nên nhà nhập khẩu cũng hạn chế nhập.

“Đa phần khách hàng đồng hành chia sẻ khó khăn với DN về cước phí, vì khó khăn này là khách quan. Việc đàm phán với khách hàng không khó về chi phí này. DN khó khăn là không xuất được lượng hàng lớn, vì xuất bằng đường hàng không cũng chỉ xuất để cho có hàng, không tận dụng dịp mua sắm cuối năm, nhất là Tết Việt Nam để xuất nhiều”, ông Tùng cho biết.

Cũng qua Biển Đỏ, tuyến vận chuyển hàng quá đến châu Âu hiện giá cước tăng gấp đôi, gấp ba so với trước. Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - DN xuất khẩu gạo chia sẻ, trước đây DN xuất gạo đi châu Âu, cước phí chỉ dưới 1.000 USD/container, nhưng nay tăng lên 3.000 - 4.000 USD/container là tăng gấp đôi thậm chí gấp ba, ảnh hưởng rất lớn đến chi phí xuất khẩu gạo, theo VOV.

Hiện nay cước tàu biển từ Việt Nam đi đến khu vực Trung Đông, cụ thể là Israel tăng hơn 200%, từ 1.800 lên 6.000 - 7.000 USD/container. Riêng tuyến Việt Nam đến EU cước phí tăng từ 600 lên 4.000 USD/container.

Cục Hàng hải Việt Nam đã giao cho các Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, TP.HCM, Vũng Tàu phối hợp với các chi cục hàng hải làm việc với các hãng tàu có tuyến dịch vụ đi châu Âu, châu Mỹ để đánh giá biến động tăng giá vận chuyển, tình hình vận tải, khả năng cung cấp nguồn cung tàu ra thị trường đồng thời thực hiện kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá dịch vụ vận chuyển và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container theo đúng quy định.

Ngoài việc tăng giá vận chuyển, thị trường vận tải cũng xảy ra việc hủy, bỏ chuyến khi, trên các tuyến vận chuyển hàng hải chính trên thế giới (xuyên Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, châu Á -Bắc Âu và Địa Trung Hải) đã có 78/650 tuyến bị hủy trong khoảng thời gian từ tuần thứ 2 của tháng 1/2024 đến giữa tháng 2/2024, tỷ lệ hủy chiếm 12%.

AN LY (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement