22/01/2024 07:45
Nhiều dư địa xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Romania
Trong hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu, Việt Nam và Romania có tiềm năng hợp tác trên nhiều mặt, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước có thể bổ sung cho nhau.
Nhận lời mời của Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu, ngay sau khi kết thúc tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos 2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ thăm chính thức Romania. Cùng tham dự đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các bộ ngành khách. Đây là hoạt động trao đổi đoàn đầu tiên ở cấp Thủ tướng Chính phủ giữa hai nước trong 5 năm qua, giúp tạo động lực thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực thế mạnh của Rumani và phù hợp nhu cầu phát triển của Việt Nam.
Đánh giá về quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Romania, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay Romania là đối tác truyền thống của Việt Nam tại khu vực Đông Nam châu Âu và là cửa ngõ thâm nhập vào thị trường các nước Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Việt Nam là thị trường lớn với khoảng 100 triệu dân, sẵn sàng làm cửa ngõ để Romania thâm nhập thị trường các nước ASEAN.
Trong hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu, Việt Nam và Romania có tiềm năng hợp tác trên nhiều mặt, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước có thể bổ sung cho nhau.
Hiện nay, hai nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng cao và có nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Đáng chú ý, Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA) mà Romania là thành viên, chính thức được ký kết năm 2019, trong đó Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã và đang mở ra những cơ hội triển vọng mới, những cánh cửa hợp tác mới để đưa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư hai bên lên tầm cao mới.
Thương mại song phương tăng 15% mỗi năm
Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2023, thương mại hàng hóa song phương giữa hai nước đã tăng hơn 1,65 lần từ 261,4 triệu USD năm 2019 lên 431 triệu USD năm 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn này là 15%/năm. Xuất khẩu của Việt Nam sang Romania tăng 1,46 lần từ gần 194 triệu USD lên 282,3 triệu USD. Nhập khẩu của Việt Nam từ Romania tăng 2,2 lần từ 67,5 triệu USD lên 148,6 triệu USD.
Kết thúc năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Romania đạt gần 431 triệu USD, tăng 1,4% so với năm 2022.
“Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Romania là một trong số ít các thị trường trong khu vực châu Âu có tăng trưởng thương mại trong năm 2023 với Việt Nam”, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đánh giá và thông tin thêm, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Romania đạt 282,3 triệu USD, giảm 12,5%, nhập khẩu đạt gần 148,7 triệu USD, tăng 44,8%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Romania đạt 133,6 triệu USD.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sang Romania chủ yếu là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; xơ, sợi dệt các loại; hàng thủy sản; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm từ sắt thép; cà phê... và nhập khẩu từ Romania chủ yếu các sản phẩm như: ngũ cốc (lúa mì và ngô); thức ăn gia súc; dược phẩm; vải dệt từ lông cừu; gỗ...
Đáng chú ý, với việc Hiệp định EVFTA được thực thi, EU tháo dỡ các điều kiện về việc nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, cùng với việc Việt Nam và Romania hiện đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP do vậy, nông nghiệp và thủy sản là lĩnh vực thế mạnh của cả hai nước.
Với những dư địa kể trên có thể khẳng định hai nước Việt Nam - Romania có cơ hội và tiềm năng hợp tác rất lớn trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục.
Còn nhiều dư địa hợp tác trong thương mại
Dù quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước đã phát triển và tăng trưởng tích cực trong những năm qua, song hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước chưa được như kỳ vọng và chưa tương xứng với quan hệ và tiềm năng của hai nước.
Bởi, thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam và Romania chỉ bằng 0,06% kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và chỉ bằng 0,2% kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Romania.
Phân tích nguyên nhân, Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất đó là thông tin về thị trường của hai bên còn hạn chế. Cộng đồng doanh nghiệp hai bên còn thiếu thông tin của nhau, hiểu biết của doanh nghiệp hai nước về thị trường và văn hóa kinh doanh của nhau còn tương đối sơ sài dẫn tới việc hợp tác chưa hiệu quả; việc đàm phán, thương lượng mất nhiều thời gian, thực hiện nhiều lần.
Cùng với đó, khoảng cách địa lý là rào cản lớn cho việc tìm hiểu, thâm nhập thị trường của nhau. Chi phí vận chuyển cao, mất nhiều thời gian khiến cho hàng hóa của mỗi nước gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường của nhau. Mặt khác, các hàng rào phi thuế quan cũng là thách thức trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai bên.
Đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp hai nước khai thác được các thế mạnh của nhau, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đề xuất, hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động thông tin, nghiên cứu thị trường; xác định các mặt hàng tiềm năng mà hai bên có thế mạnh cũng như có khả năng cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu...
"Bộ Công Thương luôn sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước có các cơ hội trao đổi, kết nối giao thương thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm... giúp doanh nghiệp hai bên thâm nhập sâu hơn vào thị trường của nhau", Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh khẳng định.
Riêng trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ khuyến nghị, hai bên cần tăng cường hợp tác về nông nghiệp để có thể tận dụng nguồn lực hỗ trợ từ EU dành cho nông nghiệp. Các hình thức hợp tác có thể như liên doanh thành lập công ty sản xuất và chế biến, đặc biệt về nuôi trồng và chế biến thủy sản, sản xuất rượu vang, chế biến nông sản thực phẩm... để xuất khẩu sang nước thứ ba. Đồng thời, việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững sẽ giúp nâng cao đời sống nhân dân của cả hai nước ở khu vực nông thôn.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp