06/03/2024 14:10
Chuyên gia nhận định giá vàng còn tiếp tục tăng nếu chưa sửa Nghị định 24
Theo nhiều chuyên gia, giá vàng trong nước sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn chậm sửa Nghị định 24, bổ sung nguồn cung cho thị trường.
Liên quan đến giá vàng tăng không ngừng, bà Lê Thị Hương Trà, Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng phân tích, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cũng cao hơn vàng thế giới khoảng 5 triệu đồng mỗi lượng. Đây là mức chênh cao nhất đối với vàng nhẫn và gần kỷ lục đối với vàng miếng SJC.
“Tôi cho rằng, nguyên nhân khiến giá vàng tăng mạnh trong những ngày gần đây trước hết là đồng USD liên tục tăng giá so với các đồng ngoại tệ khác. Cùng với đó, giá vàng trong nước bám theo chuyển động của giá vàng thế giới, trong khi giá vàng thế giới trên thực tế chưa có dấu hiệu đi xuống, thậm chí còn lên sát mức kỷ lục trong lịch sử”, bà Trà nói, theo TPO.
Theo bà Trà, xung đột quân sự ở một số nơi có thể lan rộng nên cả thế giới đang khiến nhiều người tìm đến vàng để tích trữ và tìm tới USD để đảm bảo thanh khoản cao. Do đó, các Ngân hàng Trung ương liên tục mua vàng vào để tăng dự trữ. Ngoài ra, thực tế hiện nay, sức cầu đối với vàng tại thị trường trong nước luôn có nhu cầu tăng. Chính vì thế, giá vàng vẫn nằm trong xu thế đi lên, đồng thời chênh lệch giá mua - bán được kéo rộng gây rủi ro cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam khẳng định, nếu không sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, giá vàng trong nước sẽ tiếp tục phá vỡ các kỷ lục trong thời gian tới.
Ông Hùng phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường vàng trong nước liên tục tăng trong thời gian gần đây. Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng mạnh trong suốt thời gian qua. Hiện, giá vàng thế giới ở mức 1.120 USD/ounce. Tuy mức giá này chưa bằng đỉnh được lập lên tới 1.350 USD/ounce vào năm ngoái nhưng hiện giá vàng thế giới tăng bền vững. Giá vàng thế giới tăng chắc chắn giá vàng trong nước sẽ tăng theo. Với vàng miếng SJC, giá có thể vượt lên mốc 85 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn lên trên 70 triệu đồng/lượng.
Ngoài ra, theo ông Hùng, ngoài yếu tố thế giới, giá vàng trong nước tăng vì khan hiếm trong khi nhu cầu mua tích trữ và đầu tư của người dân lớn. Nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước không còn cấp hạn ngạch dập vàng miếng SJC. Nhiều người có vàng SJC chưa muốn bán ra nên cung - cầu trong nước thêm lệch pha, khiến giá vàng tăng nhanh và khó giảm theo giá thế giới.
Để hạ nhiệt thị trường vàng, ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải sửa gấp Nghị định 24 cho phép nhập khẩu vàng. Nếu tăng nguồn cung, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường thì giá vàng SJC có thể sẽ giảm cả chục triệu đồng, xuống mức 70 triệu đồng/lượng.
Nhận định về diễn biến giá vàng liên tục lập đỉnh trong thời gian ngắn vừa qua, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng giá vàng tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới do chính sách tiền tệ, diễn biến kinh tế của Mỹ.
Song riêng với Việt Nam, giá vàng trong nước tăng ngoài nguyên nhân do giá thế giới đi lên mà còn xuất phát từ sự khan hiếm. Thế nên, khi Ngân hàng Nhà nước chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn tăng và có mức chênh lệch cao so với giá thế giới.
Theo ông Khánh, trường hợp nguồn cung vàng gia tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường thì giá vàng SJC có thể giảm cả chục triệu đồng, xuống mức 70 triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể tăng lên mức 85 triệu đồng/lượng. Dự báo về giá vàng, ông Khánh nhận định điều này còn phụ thuộc vào giải pháp tăng nguồn cung.
Còn ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT nhận định: "Ngày nào Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa có lộ trình hạ lãi suất thì giá vàng trong nước không thể giảm. Khi biết nhịp tăng của vàng còn tồn tại thì không ai có nhu cầu bán lượng lớn vàng ra thị trường".
Theo ông Huấn, mặt khác, tình hình thế giới xảy ra một số biến động phức tạp dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến cả xuất nhập khẩu. Khi sự biến động về chính trị vẫn còn thì giá vàng vẫn đang được ủng hộ lớn.
Vị chuyên gia này phân tích thêm, ở trong nước, kinh tế đang trong trạng thái phục hồi. Các chỉ số vĩ mô luôn có quan hệ mật thiết với giá vàng. Nhìn lại ở thời điểm trước đó, sau khi giá vàng SJC lập đỉnh 43 triệu đồng/lượng vào năm 2014 khi kinh tế bắt đầu hồi phục. Và từ năm 2015 đến 2018, kinh tế phát triển, giá vàng lại chững và đi xuống. Đến thời điểm hiện tại, thời điểm đảo chiều cho nền kinh tế chưa rõ ràng. Các yếu tố vĩ mô không ủng hộ vàng giảm giá.
Ông Huấn khuyến nghị: "2024 là năm không nên bán vàng. Nhưng trong danh mục đầu tư, vàng không chiếm quá 15% tỷ trọng".
Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, ông Huấn cho rằng: "Giá vàng nhất định còn tăng trong năm 2024. Giá vàng nhẫn có thể lên tới 70 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC chạm mốc 85 triệu đồng/lượng", theo antt.nguoiduatin.vn.
Tuy nhiên theo ông Huấn, thời điểm này không nên mua thêm vàng tại vùng hiện nay. Nếu giá vàng giảm 5-7% thì có thể mua thêm với tỷ trọng nhỏ. Vị chuyên gia này cho rằng, về dài hạn, vàng không phải là kênh đầu tư lâu dài. Và thực tế, không ai tích lũy loại tài sản mà có xu hướng giảm trong dài hạn.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement