04/06/2022 19:00
Kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm: CPI tăng 2,25%, tổng thu Ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 57%
Trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ diễn ra vào chiều 4/6, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 5 tiếp tục khởi sắc. Cả ba khu vực đều tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,38% so với tháng 4, bình quân 5 tháng tăng 2,25% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng của năm 2021 nhưng thấp hơn mức tăng giai đoạn 2017-2020); thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm, theo báo Chính phủ.
Thu Ngân sách Nhà nước ước đạt 57,1% dự toán, tăng 18,7% và theo Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, điều này cho thấy sự cố gắng của chúng ta trong bối cảnh lạm phát, lãi suất, giá dầu và nhiều hàng hóa thiết yếu trên thế giới gia tăng.
Xuất khẩu 5 tháng tăng 16,3%, nhập khẩu tăng 14,9%, xuất siêu khoảng 516 triệu USD. An ninh lương thực được bảo đảm; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tháng 5 ổn định và có phần tăng trưởng; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng.
An ninh năng lượng được bảo đảm; cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp. Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so cùng kỳ.
Trong 5 tháng đầu năm, có gần 100.000 DN thành lập mới và quay trở lại thị trường, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút rui.
Về công tác an sinh xã hội, Việt Nam bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người. Gói hỗ trợ của Chính phủ đạt trên 81 nghìn tỷ đồng cho gần 729.000 lượt người sử dụng lao động và gần 50 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác (theo Nghị quyết 68, 126, 116; Quyết định 23, 28).
Các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa nghệ thuật từng bước trở lại bình thường. Đặc biệt, SEA Games 31 được tổ chức chu đáo, an toàn, thành công trên nhiều mặt, đoàn Việt Nam dẫn đầu các nước và phá kỷ lục về số lượng huy chương vàng.
Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế diễn ra sôi động, hiệu quả với nhiều đề xuất phù hợp, thể hiện chính kiến của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Các cơ quan vào cuộc tích cực, tăng cường xử lý các vụ án về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đẩy mạnh; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối và ứng dụng hiệu quả.
Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về: dự báo tăng trưởng kinh tế; Chỉ số phục hồi COVID-19; chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch; xếp hạng tín nhiệm quốc gia; về chỉ số thu hút đầu tư; chỉ số hài lòng đối với các dịch vụ công...
Liên quan đến vấn đề giá xăng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp khi chịu tác động của giá nhiên liệu tăng ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, có 3 biện pháp đã và đang được lưu ý thực hiện nhằm kiểm soát giá xăng, dầu. Trong đó, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu một cách hiệu quả, linh hoạt để hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng, dầu trong nước so với thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và phục hồi kinh tế, theo báo Hà Nội mới.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Đỗ Hải Thắng, nhờ sử dụng Quỹ bình ổn giá này nên vào ngày 1/6 vừa qua (kỳ điều chỉnh giá mới nhất), giá xăng, dầu trong nước có mức tăng thấp so với các nước. Ngoài ra, phải điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng, dầu (thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu).
Với sự tham mưu của Bộ Công Thương và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu và mỡ nhờn; giảm 70% thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 1/4 và có hiệu lực hết năm 2022.
Trước đó, trong buổi kết luận phiên họp diễn ra vào buổi sáng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình khu vực và thế giới diễn biến khó lường, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là xăng, dầu tăng cao, tác động từ tình hình xung đột Ukraina, chính sách của các quốc gia sau dịch COVID-19, theo báo Giao thông.
Cần đặc biệt chú ý sức ép lạm phát tăng mạnh. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn rủi ro. Nợ xấu có xu hướng tăng. Việc giải ngân đầu tư công chưa được cải thiện mạnh mẽ. Chăn nuôi khó khăn do giá thức ăn cao; hoạt động khai thác biển khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao. Đăng ký mới FDI có xu hướng giảm.
Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Thiên tai, mưa lũ diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề.
Nguy cơ xuất hiện một số dịch bệnh mới như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính ở trẻ em... An ninh trật tự, an toàn xã hội có những diễn biến phức tạp như cờ bạc trên mạng, an ninh mạng...
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt, chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Thủ tướng yêu cầu với các khó khăn, thách thức này, cần bám sát tình hình, thẳng thắn, nhận diện kịp thời, có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement