14/01/2021 18:00
Chỉ số EPS là gì? Ý nghĩa của chỉ số EPS trong đầu tư chứng khoán
Chỉ số EPS là khái niệm rất quan trọng trong phân tích cơ bản doanh nghiệp để các nhà đầu tư ra quyết định có nên đầu tư hay không.
EPS: (Earning Per Share) là lợi nhuận (thu nhập) trên mỗi cổ phiếu.
Đây là phần lợi nhuận mà công ty phân bổ cho mỗi cổ phần thông thường đang được lưu hành trên thị trường. EPS được sử dụng như một chỉ số thể hiện khả năng kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp, được tính bởi công thức:
EPS = (Thu nhập ròng - cổ tức cổ phiếu ưu đãi) / lượng cổ phiếu bình quân đang lưu thông.
Trong việc tính toán EPS, sẽ chính xác hơn nếu sử dụng lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong kỳ để tính toán vì lượng cổ phiếu thường xuyên thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên trên thực tế người ta thường hay đơn giản hoá việc tính toán bằng cách sử dụng số cổ phiếu đang lưu hành vào thời điểm cuối kỳ. Có thể làm giảm EPS dựa trên công thức cũ bằng cách tính thêm cả các cổ phiếu chuyển đổi, các bảo chứng (warrant) vào lượng cổ phiếu đang lưu thông.
EPS thường được coi là biến số quan trọng duy nhất trong việc tính toán giá cổ phiếu. Đây cũng chính là bộ phận chủ yếu cấu thành nên tỉ lệ P/E. Một khía cạnh rất quan trọng của EPS thường hay bị bỏ qua là lượng vốn cần thiết để tạo ra thu nhập ròng (net income) trong công thức tính trên.
Hai doanh nghiệp có thể có cùng tỷ lệ EPS nhưng một trong hai có thể có ít cổ phần hơn tức là doanh nghiệp này sử dụng vốn hiệu quả hơn. Nếu như các yếu tố khác là cân bằng thì rõ ràng doanh nghiệp này tốt hơn doanh nghiệp còn lại. Vì doanh nghiệp có thể lợi dụng các kỹ thuật tính toán để đưa ra con số EPS hấp dẫn nên các nhà đầu tư cũng cần hiểu rõ cách tính của từng doanh nghiệp để đảm bảo "chất lượng" của tỉ lệ này. Tốt hơn hết là không nên dựa vào một thước đo tài chính duy nhất mà nên kết hợp với các bản phân tích tài chính và các chỉ số khác.
Có bao nhiêu loại chỉ số EPS?
Chỉ số EPS bao gồm 2 loại : EPS cơ bản (Basic EPS) và EPS pha loãng (Diluted EPS)
EPS cơ bản (Basic EPS) : Lãi cơ bản trên 1 cổ phiếu.EPS này phổ biến hơn, được tính theo công thức ở trên :EPS cơ bản = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức dành cho cổ phiếu ưu đãi)/Số lượng cổ phiếu bình quân lưu hành trong kỳ
EPS pha loãng (Diluted EPS) : Lãi suy giảm trên 1 cổ phiếu.EPS này chính xác hơn, và cần được theo dõi vì:
Các doanh nghiệp đôi khi phát hành thêm trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi, cổ phiếu phát hành thêm, các quyền mua mà sau này được quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông trong tương lai.
Khi đó, EPS của doanh nghiệp này sẽ thay đổi, do số lượng cổ phiếu phổ thông tăng lên đột biến nhưng lại không có thêm dòng tiền chảy vào. Lúc này, nếu nhà đầu tư chỉ quan tâm đến EPS cơ bản, mà bỏ qua các yếu tố trên để dự đoán EPS cho tương lai có thể sẽ dẫn đến sai lầm.
Vì vậy, báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty buộc phải trình bày cả hai chỉ tiêu EPS cơ bản và EPS pha loãng.
Ý nghĩa của chỉ số EPS trong đầu tư chứng khoán
EPS là chỉ số phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. EPS cũng được dùng để tính nhiều chỉ số tài chính quan trọng khác như P/E, ROE.
EPS càng cao càng tốt, chứng tỏ công ty đang phát triển mạnh và kiếm được nhiều lợi nhuận.
Cần chú ý nếu công ty tiến hành chia tách cổ phiếu (trả cổ tức bằng cổ phiếu). Điều này sẽ làm giảm EPS do số cổ phiếu lưu hành tăng lên (EPS giảm không có nghĩa là công ty trả cổ tức bằng cố phiếu xong thì cổ phiếu sẽ bị giảm giá). Khi đó, số lượng cổ phiếu của nhà đầu tư đang nắm giữ sẽ tăng lên và thị giá của cổ phiếu sẽ bị giảm với tỷ lệ tương ứng mà tài sản của nhà đầu tư đó không thay đổi ở thời điểm hiện tại.
Chỉ số EPS nên được xem xét trong một giai đoạn dài để đánh giá sự ổn định và khả năng tăng trưởng, qua đó sẽ thấy được hiệu quả hoạt động của công ty. EPS không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với lợi nhuận sau thuế. Nếu công ty tăng vốn bằng cách phát hành thêm 10% số lượng cổ phiếu mà lợi nhuận tăng thêm không đủ 10% thì EPS sẽ giảm.
(Tổng hợp)
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement