23/03/2024 14:27
Châu Âu 'mạnh tay' với thời trang nhanh Trung Quốc
Pháp tiến tới sẽ trừng phạt các sản phẩm thời trang nhanh, trong khi EU cũng sẽ có những biện pháp ngăn chặn mạnh tay với rác thải từ dệt may. Điều này đặt ra nghĩa vụ mới với các nhà sản xuất.
"Mạnh tay"
Hạ viện Pháp mới đây đã thông qua dự luật xử phạt các sản phẩm thời trang nhanh mà các công ty như Shein đang bán trên thị trường. Mục tiêu của dự luật là nhằm hạn chế các tác động xấu đến môi trường mà các sản phẩm này gây ra.
Theo dự luật, hình phạt được tăng dần lên tới 11 USD cho mỗi mặt hàng quần áo đến năm 2030, đồng thời cấm quảng cáo những sản phẩm này. Các nhà lập pháp đều đồng thuận, và dự luật mới này sẽ được chuyển tới Thượng viện để xem xét trước khi trở thành luật chính thức.
Sự phổ biến ngày càng gia tăng của các nhà bán lẻ thời trang như Shein và Temu đã làm đảo lộn thị trường bán lẻ, trong những công ty lâu đời như Zara và H&M tiếp tục chủ yếu dựa vào việc dự đoán sở thích của khách hàng.
Sự phát triển của ngành may mặc theo hướng thời trang không bền vững kết hợp với việc tăng số lượng sản xuất và giá thành rẻ, đang tạo ra những xung lực mua hàng và nhu cầu đổi mới liên tục trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Điều này dẫn đến những hậu quả về Môi trường, Xã hội và Kinh tế.
Theo Boston Consulting Group (BCG), dựa trên nghiên cứu The Global Fashion Market (2022-2028) và Statista cho biết, thị trường ngành thời trang nhanh toàn cầu đã đạt gần 217 tỉ USD vào năm 2022, dự kiến vượt qua mốc 271 tỉ USD vào năm 2028, tức là hàng năm sẽ tăng khoảng 3,8%.
Shein đã phản đối dự luật và cho rằng quần áo mà công ty sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng hiện tại. Điều này giúp giảm tỉ lệ hàng may mặc không bán được xuống mức thấp, trong khi những hãng may mặc truyền thống có thể tạo ra 40% lượng rác thải.
Phó Chủ tịch Shein khẳng định, công ty chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, kiểm tra các nhà thầu phụ và yêu cầu sử dụng năng lượng mặt trời hoặc năng lượng tái tạo để giảm 30% lượng khí thải CO2 vào năm 2030.
Hãng thời trang nhanh cũng cho rằng, dự luật sẽ làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng Pháp, nhất là trong thời điểm quốc gia này đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Pháp Christophe Béchu gọi dự luật này là một bước tiến lớn và kỳ vọng nó sẽ giúp giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của ngành dệt may đến môi trường. Đồng thời ông Béchu cũng đang xem xét đề xuất lệnh cấm xuất khẩu quần áo đã qua sử dụng ở Liên minh châu Âu (EU), nhằm giải quyết vấn đề rác thải ngày càng nhiều từ ngành dệt may.
Năm 2023, Pháp đã triển khai chương trình khuyến khích người dân sửa chữa quần áo và giày dép cũ thay vì vứt chúng đi.
Chính phủ Pháp cam kết chi 168 triệu USD để hỗ trợ chương trình này, đồng thời hoàn trả cho người mua hàng 27,2 USD cho mỗi sản phẩm may mặc mà họ sửa chữa. Tại thời điểm đó, Bộ Môi trường Pháp cho biết người dân nước này đã vứt đi 700.000 tấn quần áo, trong đó ⅔ đã được đưa đến bãi rác mỗi năm.
Theo báo cáo thường niên State of Fashion do The Business of Fashion và McKinsey & Company công bố, trong số những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất trên thế giới, thời trang chiếm từ 3% đến 5% lượng khí thải CO2 toàn cầu và là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất. Báo cáo cho biết khoảng một nửa số sợi do ngành công nghiệp này sản xuất là dạng polyester gốc dầu.
Ngành dệt may thêm áp lực chuyển đổi xanh
Những động thái từ EU được xem là tín hiệu tích cực với môi trường, nhưng lại đặt ra thách thức mới với các nhà sản xuất trong lĩnh vực này, đặc biệt các nhà sản xuất đến từ Việt Nam, top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Hiện những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào EU bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế từ thiên nhiên, tái sử dụng phế phẩm. Như vậy, cạnh tranh không chỉ dừng ở yếu tố giá cả, chất lượng và thời gian giao hàng mà tiêu chí phát triển bền vững sẽ là yếu tố then chốt, đặc biệt tại các thị trường lớn như EU, Nhật Bản và Mỹ.
Để "thoát hiểm", một số hãng thời trang Việt Nam bắt đầu tung ra thị trường một số sản phẩm sử dụng vải tái chế từ bã cà phê và vỏ chai nhựa tái chế.
Hiện nhiều loại cây trồng có thể tách cellulose (một hợp chất hữu cơ) ra để làm làm nguyên liệu trong ngành dệt may. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có nhiều đơn vị đủ công nghệ, năng lực để phát triển hướng sản xuất này. Do đó giá thành sợi vải từ bã cà phê hiện còn cao hơn so với một số loại vải thông thường.
Trong bối cảnh sự thúc ép từ thị trường bên ngoài, doanh nghiệp, nhà sản xuất may mặc không còn lựa chọn, buộc phải chuyển đổi xanh. Nhưng để sự chuyển đổi nhanh hơn, cần nghiên cứu có ưu đãi thuế cho doanh nghiệp thu gom, tái chế sản phẩm may mặc.
(Nguồn: CNN)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp