Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Châu Âu đã đủ năng lượng để tồn tại qua mùa Đông năm nay nhưng năm sau có thể khác

Phân tích

15/10/2022 06:27

Nga cố gắng sử dụng năng lượng như một vũ khí chống lại châu Âu nhưng dường như điều này không hiệu quả. Nhiều chuyên gia cho rằng các quốc gia trong khu vực có thể tích lũy đủ năng lượng cho mùa Đông sắp tới.
news

Đó là một kỳ tích đáng chú ý bởi sau 8 tháng, kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội tiến vào Ukraina, châu Âu đang tự loại bỏ nguồn năng lượng lớn nhất của mình từ Nga.

Các quốc gia châu Âu đã giảm nhập khẩu dầu từ Nga nhằm mục đích hạn chế khả năng tài chính mà Moscow dành cho cuộc chiến và để đáp trả, chính quyền của ông Putin cũng đã tắt các đường ống dẫn khí đốt quan trọng đến châu Âu.

Châu Âu đã đủ năng lượng để tồn tại qua mùa Đông, nhưng năm sau có thể khác - Ảnh 1.

Nhà máy xử lý khí Karsto ở đô thị Tysvær thuộc hạt North Rogaland, Na Uy. Nước này hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, sẽ tăng cường an ninh xung quanh các cơ sở khai thác dầu của mình, họ cho biết sau cáo buộc phá hoại các đường ống dẫn trên Biển Baltic của Nord Stream. Ảnh: Getty Images

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Wood Mackenzie cho thấy, thị phần nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga đã giảm từ 36% vào tháng 10 năm ngoái xuống chỉ còn 9% một năm sau đó. Và nhập khẩu dầu thô từ Nga của EU cũng đã giảm 33% trước khi lệnh cấm có hiệu lực vào tháng 12 năm nay, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Châu Âu hiện đang trên đường đạt được sứ mệnh chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, và đang tăng cường nhập khẩu dầu từ Na Uy và Algeria; nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Hoa Kỳ, để bù đắp các khoản thiếu hụt.

Hiện châu Âu đã lưu trữ được khoảng 91% khí đốt trong các kho của mình, vượt xa mục tiêu 80% mà các quan chức EU đặt ra cho các nước vào tháng 11.

"Ông Putin sẽ thất bại trong nỗ lực làm mất ổn định trật tự kinh tế cơ bản, giống như cách ông ấy sẽ thất bại trên chiến trường ở Ukraina", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết trong cuộc họp báo ở Berlin hôm thứ Tư.

Tuy nhiên, thành công trong việc lưu trữ khí đốt cũng đã phải trả giá đắt cho nền kinh tế: cuộc tranh giành các nguồn thay thế đã khiến giá năng lượng tăng vọt. Giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu đã giảm mạnh kể từ khi đạt đỉnh vào cuối tháng 8 nhưng vẫn cao hơn 265% so với một năm trước và điều này đã tạo gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, buộc các chính phủ phải đưa ra các khoản trợ cấp khổng lồ.

Đức, cường quốc sản xuất của châu Âu, dự kiến nền kinh tế của nước này sẽ giảm 0,4% trong năm tới.

Georg Zachmann, một thành viên cấp cao tại Bruegel, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, nói với CNN Business rằng: "Sự phụ thuộc về mặt vật chất (năng lượng) sẽ không còn nữa vào năm tới".

Tuy nhiên, "giá hợp lý ở châu Âu chỉ được kỳ vọng sẽ đến trong nửa sau của thập kỷ", ông nói thêm.

Các kho chứa đã tương đối đầy đủ

Ngay cả khi kho chứa khí đốt đã gần đầy, an ninh năng lượng của khu vực vẫn còn bấp bênh với tình trạng mất điện và phân bổ lượng khí đốt theo tiêu chuẩn vẫn có thể xảy ra trong những tháng tới trong trường hợp nguồn cung tiếp tục bị thiếu và mùa Đông đặc biệt lạnh giá.

Châu Âu đã đủ năng lượng để tồn tại qua mùa Đông, nhưng năm sau có thể khác - Ảnh 2.

Người dân Stockholm bước đi ngoài trời tuyết. Ảnh: AFP

Ngay cả khi các kho chứa khí đốt đã đầy ít nhất 90%, thì khả năng xảy ra sự gián đoạn nguồn cung vào đầu năm tới vẫn có nếu Nga quyết định cắt nguồn cung cấp khí từ tháng này, theo báo cáo hồi tháng 7 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Alexei Miller, Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga, cho biết hôm thứ Tư rằng "không có gì đảm bảo" rằng châu Âu sẽ sống sót qua mùa đông với lượng dự trữ hiện tại. Ông cho biết kho dự trữ của Đức sẽ chỉ đáp ứng được nhu cầu trong tối đa 10 tuần.

Việc bổ sung vào những kho dự trữ đó vào năm tới đã được coi là thử thách lớn tiếp theo của châu Âu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo trong một báo cáo hôm thứ Ba rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu không phải là "một cú sốc nhất thời" và trong khi mùa đông sắp tới sẽ đầy thách thức, "mùa đông năm 2023 có thể sẽ tồi tệ hơn".

Tomas Marzec-Manser, trưởng bộ phận phân tích khí đốt tại Cơ quan Dịch vụ Tình báo Hàng hóa Độc lập (ICIS), nói với CNN Business rằng, các kho lưu trữ có thể "đặc biệt thấp" vào cuối tháng 3 nếu nhiệt độ giảm nghiêm trọng trong những tuần tới.

Ngay cả khi các nước thành viên EU kiềm chế mức tiêu thụ 15% trong vòng 5 tháng tới, một mục tiêu do Ủy ban châu Âu đặt ra vào tháng 7, thì việc xây dựng lại các kho dự trữ vào mùa hè tới với hạn chế tiếp cận khí đốt giá rẻ của Nga sẽ là một "yêu cầu lớn hơn" so với năm 2022, Marzec-Manser nói.

"Đây chỉ là sự khởi đầu", ông nói thêm.

Khi việc nhập khẩu khí đốt từ Nga sụp đổ, châu Âu đã lấy LNG để thay thế. Cùng với nhau, châu Âu và Vương quốc Anh đã nhập khẩu LNG nhiều hơn gần 68% từ các nguồn khác ngoài Nga trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9 năm nay, so với cùng kỳ năm 2021, dữ liệu của ICIS cho thấy.

Châu Âu đã đủ năng lượng để tồn tại qua mùa Đông, nhưng năm sau có thể khác - Ảnh 3.

Một đường ống dẫn khí đốt của Gazprom. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, cạnh tranh toàn cầu đối với LNG đã rất khốc liệt và có thể trở nên khốc liệt hơn nếu - như dự kiến - nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng tốc trở lại một cút vào năm tới.

"Sự trở lại của Trung Quốc khiến nhu cầu sử dụng LNG cũng có thể gây ra những thách thức đối với châu Âu trong năm tới", Sindre Knutsson, Phó chủ tịch cấp cao về khí đốt và LNG của công ty nghiên cứu Rystad Energy, nói với CNN Business.

Nguồn cung dầu cũng có thể bị thắt chặt, bất chấp kỳ vọng rằng tăng trưởng nhu cầu toàn cầu sẽ chậm lại trong năm tới do các nền kinh tế chậm lại. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC +) tuần trước cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11.

Florian Thaler, Giám đốc điều hành của OilX, một công ty dữ liệu dầu mỏ, nói với CNN Business rằng trước đây, khi giá dầu toàn cầu ở mức gần 100 USD như hiện tại, Hoa Kỳ thường sẽ tăng cường sản xuất "hết cỡ". Ông nói rằng hiện tại không phải như vậy.

Nhưng việc tích trữ không bền vững

Theo một phân tích của Bruegel, các chính phủ châu Âu đã cam kết chi ít nhất 553 tỷ euro (537 tỷ USD) để giúp bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp trước sự gia tăng của hóa đơn năng lượng, cũng như các chi phí sinh hoạt khác. Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối, đã sẵn sàng vay tới 200 tỷ € (194 tỷ USD) để hạ giá khí đốt.

Nhưng, những chương trình hỗ trợ như vậy sẽ không bền vững nếu giá bán buôn năng lượng vẫn ở mức cao.

Giovanni Sgaravatti, một nhà phân tích tại Bruegel nói với CNN Business: "Các chính phủ nên làm quen với giả thuyết trường hợp xấu nhất là giá năng lượng vẫn ở mức cao hơn liên tục so với trước cuộc khủng hoảng này trong 2 đến 4 năm tới".

Theo Bruegel, giá khí đốt kỳ hạn của châu Âu hiện cao hơn khoảng tám lần so với giá tiêu chuẩn của Mỹ. Sgaravatti cho biết giá mặt hàng này ở châu Âu dự kiến sẽ ổn định ở mức gấp 2,5 lần so với Mỹ từ năm 2026.

Ông nói thêm: "Việc áp dụng các chính sách ngăn chặn việc chuyển giá năng lượng cao cho người tiêu dùng là một canh bạc đắt giá và nó sẽ thất bại nếu giá năng lượng bán buôn ở mức cao trong tương lai.

Đối phó khủng hoảng năng lượng là ưu tiên của châu Âu

Việc các quốc gia châu Âu tranh giành nguồn cung để thay thế năng lượng của Nga cũng phải trả giá đắt đối với môi trường, đồng thời đẩy nhanh kế hoạch loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch trong dài hạn.

Carlos Torres Diaz, trưởng bộ phận phân tích năng lượng của Rystad Energy, nói với CNN Business rằng quá trình chuyển đổi năng lượng của châu Âu "đã bị đình trệ" vì các quốc gia EU đang ưu tiên cho an ninh năng lượng.

Lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng trên diện rộng đã khiến một số quốc gia phải tái khởi động các nhà máy điện than, loại nhiên liệu gây ô nhiễm nhất trong số các loại nhiên liệu hóa thạch. Theo ICIS, sản lượng điện từ than cứng đã tăng gần 15% từ tháng 3 đến tháng 9 năm nay so với cùng kỳ năm 2021.

Nhưng, cuộc khủng hoảng năng lượng mới là vấn đề mà EU quan tâm nhất vào thời điểm này. Vào tháng 5, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch "REPowerEU" trị giá 210 tỷ euro (khoảng 204 tỷ USD) để tự loại bỏ nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga, điều mà Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho biết sẽ "thúc đẩy" quá trình chuyển đổi xanh cho ngành năng lượng.

Liên minh châu Âu hiện đang đặt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 45% của khối vào cuối thập kỷ, tăng từ 40%. Torres Diaz nói thêm: "Những nguồn năng lượng này cũng giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng hóa thạch".

(Nguồn: CNN)

N.MINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ