18/09/2022 07:33
Các tiệm cầm đồ ở Đức 'ăn nên làm ra' trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày càng gia tăng
Nếu bạn muốn biết tình hình nền kinh tế Đức, chỉ cần đếm số lượng khách hàng trong cửa hàng của Nikolaus Bode.
Công thức để giải quyết vấn đề này khá đơn giản: Nếu người môi giới cầm đồ ở thành phố nhỏ phía Tây Siegburg không bận rộn lắm, thì kinh tế của cả đất nước đang hoạt động tốt. Nhưng nếu mọi người liên tuc gõ cửa nhà Nikolaus Bode thì điều đó cho thấy có một khủng hoảng nào đó đang diễn ra.
Trong tháng 9 này, Bode bận rộn đến mức không có thời gian để nghĩ đến nhiều vấn đề khác và điều đó có nghĩa là nước Đức đang trong tình trạng rối ren. "Một người môi giới cầm đồ là một chỉ số," Bode nói với DW. "Mọi người đến đây khi có rất nhiều người thất nghiệp hoặc liên quan đến các vấn đề kinh tế khó khăn".
Trước đây, Bode quản lý các vụ tịch thu bất động sản. Tuy nhiên sau đó anh nghỉ việc và thành lập doanh nghiệp cầm đồ cùng với cha mình vào năm 1994. Trụ sở của doanh nghiệp ông nằm ở trung tâm thành phố khoảng 40.000 người, thuộc bang North Rhine-Westphalia và cũng kể từ đó ông nắm bắt rất rõ nhịp độ kinh tế của đất nước.
Là chủ sở hữu của loại hình kinh doanh này, ông Bode trên thực tế rất phát đạt thế nhưng ông thực sự không mấy vui vẻ về điều đó.
"Khách hàng của tôi trước đây là người lớn tuổi và giờ là thành viên thuộc tầng lớp trung lưu, điều chưa thực sự xảy ra trước đây", ông nói.
"Tôi có rất nhiều khách hàng mới. Cùng với những khách hàng quen thuộc, hiện tôi có thêm những khách hàng không có thu nhập ổn định. Ngoài ra, còn có những người hưởng phúc lợi nhưng chưa đến ngày lĩnh", ông cho biết thêm.
Các tiệm cầm đồ chỉ cho vay ngắn hạn
Tiệm cầm đồ của Bode ở Siegburg là một trong khoảng 250 tiệm cầm đồ thuộc sở hữu tư nhân ở Đức. Đây là một trong những nghề lâu đời nhất ở nước Đức - tiệm cầm đồ đầu tiên được mở ở thành phố Hamburg vào năm 1560.
Các tiệm cầm đồ ở Đức hoạt động như thế này: khách hàng sẽ đưa một món đồ có giá trị cho chủ tiệm cầm đồ, chẳng hạn như một món đồ trang sức hoặc một chiếc máy ảnh. Người chủ sẽ định giá món đồ và cho khách hàng vay một số tiền ít hơn giá trị của tài sản đó. Thông thường, khách hàng có ba tháng để trả lại tiền, cộng với lãi suất và phí. Nếu họ không trả lại khoản vay, món đồ sẽ được bán bởi người môi giới cầm đồ.
Vì dụ như tại cửa hàng của Bode, một người để lại một món đồ trang sức và Bode đưa cho người này 400 € (khoảng $ 400). Trong vòng ba tháng, khách hàng sẽ trả lại € 448 hoặc mất món đồ trang sức đó.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người thường trả lại tiền và lấy lại tài sản của mình. "Ở đây tỷ lệ lấy lại là 96%", Bode cho biết. "Hầu hết mọi người đều lấy lại món đồ mà họ đã cầm cố vì nó thường có giá trị cao hơn số tiền mặt mà chúng tôi đưa cho họ nhiều lần", ông nói.
"Toàn bộ vấn đề của việc này là họ cần tiền tức thời. Nếu họ bán món đồ đó, họ sẽ có nhiều tiền hơn - nhưng sau đó món đồ đó sẽ không còn là của họ nữa", ông giải thích.
Chín trong số 10 mặt hàng được cầm cố trong cửa hàng của Bode là đồ trang sức.
Nhưng cũng có một số ngoại lệ, chẳng hạn như ông đã từng cầm một chiếc du thuyền có động cơ, một băng chuyền và thậm chí là một con ngựa. Ông có xu hướng không lấy điện thoại di động làm tài sản thế chấp, bởi vì những loại sản phẩm này gần như mất giá trị đáng kể ngay sau khi chúng được sử dụng một lần.
Số tiền vay từ một tiệm cầm đồ đặc biệt hấp dẫn trong thời kỳ khủng hoảng vì đối với nhiều khách hàng, đây là cách dễ dàng nhất để có được khoản tiền để chi dùng trong trường hợp cấp bách. Đôi khi đó cũng là cách duy nhất. Một người môi giới cầm đồ không hỏi bất kỳ câu hỏi khó xử nào, họ cũng không yêu cầu xếp hạng tín dụng hoặc phiếu lương. Điều duy nhất họ muốn xem là một số giấy tờ tùy thân.
"Tại ngân hàng, bạn được vay dựa trên xếp hạng tín dụng cá nhân. Bạn phải chứng minh rằng bạn có đủ thu nhập và bạn cũng được sàng lọc", Bode nói. "Tài sản thế chấp là thứ cần xem xét ở ngân hàng; trong khi ở tiệm cầm đồ thì hoàn toàn ngược lại".
Mặt khác, các hiệu cầm đồ không bao giờ cung cấp tín dụng dài hạn. Điều đó quá đắt và không thực tế", Bode nói.
Hiệu cầm đồ là một lựa chọn khi có vấn đề thanh khoản ngắn hạn mà khách hàng biết rằng cuối cùng họ sẽ có thể vượt qua trong một khoảng thời gian nhất định, ông giải thích.
Hình ảnh hiệu các cầm đồ đã thay đổi
Trang web của Bode có slogan rằng: "Tiền mặt ngay lập tức. Có uy tín. Kín đáo. Có năng lực".
Trên thực tế, sự thận trọng là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của một người làm nghề cầm đồ. Điều này có thể có nghĩa là họ không bao giờ chào hỏi khách hàng của mình trên đường phố, trong trường hợp điều đó có thể khiến họ xấu hổ.
Nhưng hình ảnh bình dân của người cầm đồ đã được cải thiện rõ rệt trong vài năm qua. Trên thực tế, những người làm nghề cầm đồ chuyên về xe cộ giờ đã trở thành những công ty đúng nghĩa ở hầu hết các thành phố lớn của Đức.
"Trước đây, mọi người chắc chắn xấu hổ hơn nhiều khi đến đây", Bode nhớ lại. "Và sau tất cả, chúng tôi đã có một hình ảnh xấu. Một doanh nghiệp bẩn thỉu hoạt động trong các con hẻm nhỏ, với kính bảo vệ trên cửa sổ. Nhưng điều đó đã thay đổi, và các hiệu cầm đồ giờ hoạt động công khai. Giờ tôi đã có một chỗ trong các khu vực dành cho người đi bộ ở trung tâm".
Ngay cả các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cũng không còn coi thường các cơ sở cầm đồ như họ đã từng. Tuy nhiên, các chuyên gia về quyền lợi người tiêu dùng cảnh báo, những hình thức cho vay này chỉ nên là giải pháp ngắn hạn và là lựa chọn cuối cùng. Họ lưu ý rằng các công ty cầm đồ không thể giải quyết các vấn đề nợ dài hạn vì phí của họ cao.
Tuy nhiên, những cảnh báo như vậy vẫn không ngăn cản được khách hàng tìm đến Bode. Vài ngày trước, một nhóm sinh viên sống cùng nhau đã tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng cho một hóa đơn điện bằng cách đến cửa hàng của ông. Khi ở trong cửa hàng, họ đã thảo luận sôi nổi về việc máy tính của ai thực sự sử dụng nhiều điện nhất và cái nên đem đi cầm.
Đó có thể là một "hương vị" của những điều sắp tới, Bode cảnh báo.
Người Đức trả tiền tạm ứng hàng tháng cho hóa đơn điện của họ, và sau đó nhận được bảng sao kê hàng năm đối chiếu số tiền tạm ứng và thu tiền dựa trên mức sử dụng thực tế. Vào cuối năm thanh toán, công ty điện lực có thể nợ tiền của người tiêu dùng nếu họ chưa sử dụng nhiều như ước tính. Nhưng đôi khi lại ngược lại. Rất có thể nhiều hộ gia đình ở Đức bị sốc nặng khi hóa đơn cuối cùng được công bố trong năm nay do giá năng lượng tăng chung.
"Khi các hóa đơn điện cuối cùng đến và các khoản thanh toán hàng tháng tăng lên, tôi dự đoán sẽ có một nhiều người đến đây", Bode dự đoán. "Số lượng nhà bị tịch thu cũng sẽ tăng lên nhanh chóng bởi vì mọi người đơn giản là sẽ không thể trả tiền mua nhà của họ", ông nói thêm.
(DW)
Tin liên quan
Advertisement