05/05/2022 14:26
Các quốc gia Địa Trung Hải có đủ sức đảm bảo an ninh năng lượng cho EU?
Khi EU đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga, Địa Trung Hải đang nổi lên như một trong những khu vực quan trọng nhất đối với an ninh năng lượng của khối này.
Nhiều quốc gia đang tìm đến nguồn cung năng lượng từ Địa Trung Hải
Tháng trước, Công ty dầu khí ENI của Ý đã sử dụng các mối quan hệ của mình để ký kết các thỏa thuận nhập khẩu LNG từ Ai Cập và sẽ nhận thêm 9 tỷ mét khối (bcm) khí đốt mỗi năm từ Algeria.
Việc khai thác hydrocacbon cần có cơ sở hạ tầng và để có được các cơ sở như vậy thì các nhà đầu tư phải cần một khoảng thời gian là hơn một năm, trong khi đây lại là thời điểm quan trọng nhất đối với châu Âu, đặc biệt là trong mùa hè sắp tới.
"Khu vực này hiện không thể đủ thay thế cho khối lượng nhập khẩu từ Nga, ít nhất là về dầu và khí đốt, nhưng nó có thể đóng góp quan trọng nếu các nhà sản xuất tận dụng các cơ sở hạ tầng hiện có, như các bến LNG ở Algeria và Ai Cập và đường ống dẫn tại Algeria và Libya", Nadim Abillama, quan chức chương trình Trung Đông và Bắc Phi (MENA) tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết.
Nhu cầu năng lượng của châu Âu có thể tạo cho Algeria một số đòn bẩy để các nước châu Âu nhượng bộ kinh tế và chính trị cũng như lập trường của họ về vấn đề Tây Sahara, vấn đề đã nóng lại trong thời gian gần đây đã được tái xuất, theo ông Marco Giuli, một nhà nghiên cứu tại Trường Quản trị Brussels.
Việc đổi mới và củng cố các mối quan hệ giữa Ý và Algeria có thể tạo ra căng thẳng. Transmed, đường ống dẫn nước sâu đầu tiên trên thế giới, nối Algeria và Ý đã có vào năm 1983 và trong thời kỳ Berlusconi cầm quyền, hai nước đã có quan hệ bền chặt.
Tuy nhiên, quyết định ký hợp đồng với Ý gần đây của Algeria đã khiến Tây Ban Nha thay đổi một số vấn đề về chính sách của mình. Các chuyên gia coi việc Tây Ban Nha sửa đổi lại các chính sách về Tây Sahara một phần liên quan đến việc Ý và Algeria xích lại gần nhau.
Vào tháng 11, Algeria đã đóng cửa một trong hai đường ống dẫn khí đốt đến bán đảo Iberia vì căng thẳng với Maroc và nhiều người cho rằng đây là cơ hội cho Ý.
Mặc dù có các cách hiểu khác nhau, nhưng không thể phủ nhận một khía cạnh: Các nước xuất khẩu có thể chọn đối tác và cung cấp thêm khí đốt như một phần của sự hợp tác rộng lớn hơn, cũng sẽ bao gồm các khía cạnh chính trị và công nghệ.
"Các công ty Tây Ban Nha không thể cung cấp cùng một mức độ bí quyết kỹ thuật trong việc thăm dò, xây dựng các nhà máy LNG và đặt đường ống dưới nước trong khi các đối tác Ý có thể làm được", Francis Ghiles, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Các vấn đề Quốc tế Barcelona cho biết.
Ghiles, một cựu phóng viên của Financial Times Bắc Phi, giải thích rằng Pháp, Nhật Bản và Mỹ cũng đóng một vai trò trong ngành công nghiệp dầu khí và họ sẽ tiếp tục làm. Trong khi Đức là một đối tác tiềm năng khác.
Ghiles lưu ý: "Đức nổi tiếng là đáng tin cậy ở Algeria, họ đã xây dựng các nhà máy máy kéo và động cơ từ những năm 1970". "Khi các mảng kiến tạo trong năng lượng di chuyển, có thể là thời điểm thích hợp để Đức và Algeria bắt đầu lại cuộc trò chuyện về khí đốt và năng lượng tái tạo", ông cho biết thêm.
Những thay đổi đang được tiến hành
Nhưng Algeria không phải là quốc gia duy nhất được chú ý. Khu vực Đông Địa Trung Hải đang trải qua những thay đổi đáng kể - với sự tái hòa nhập của Thổ Nhĩ Kỳ vào hệ thống năng lượng trong khu vực những tháng gần đây cũng như việc phát hiện các mỏ khí đốt mới ngoài khơi bờ biển của Israel, Síp và Ai Cập trong thập kỷ qua.
Abillama của IEA cho biết: "Ai Cập đã trở lại như một nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên và giải thích rằng các nhà xuất khẩu Đông Địa Trung Hải sẽ phải phụ thuộc vào các thiết bị đầu cuối LNG, không giống như các nhà xuất khẩu Tây Địa Trung Hải có thể dựa vào các đường ống hiện có".
Sự phân mảnh của Địa Trung Hải vẫn là một vấn đề trong lĩnh vực năng lượng khu vực. Tuy nhiên, một bài học có thể rút ra: Sự gần gũi về văn hóa, mối quan hệ lâu đời và sự hiểu biết lẫn nhau là những tài sản ngoại giao quý giá, điều đó sẽ giúp tối đa hóa sự đóng góp của Địa Trung Hải vào an ninh năng lượng của EU.
Tiềm năng nhiên liệu hóa thạch và tái tạo của Algeria
Algeria nằm trong số 11 quốc gia hàng đầu về trữ lượng khí đốt đã được chứng minh. Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, Algeria nằm trong số các nước có nguồn tài nguyên khí đá phiến có thể thu hồi lớn thứ ba sau Trung Quốc và Argentina.
Các công ty Mỹ nhìn thấy cơ hội hợp tác khí đá phiến ở nước này, trong khi Đức để mắt đến các dự án tái tạo.
Là một phần của Quan hệ Đối tác Năng lượng Đức-Algeria, Công ty dầu khí GIZ của Đức được giao nhiệm vụ khảo sát tiềm năng hydro xanh của quốc gia Bắc Phi này.
"Vào năm 2021, GIZ đã trình bày một nghiên cứu về tiềm năng của công nghệ Power to X ở Algeria cho đến năm 2050. Theo nghiên cứu, đất nước này có thể sản xuất rất nhiều điện từ năng lượng mặt trời cần cho việc sản xuất hydro xanh", người phát ngôn của GIZ cho biết.
Power to X - quá trình chuyển đổi sử dụng năng lượng điện sang sử dụng năng lượng các sản phẩm từ H2, điển hình là năng lượng mặt trời và gió.
GIZ giải thích rằng Algeria cũng có khả năng chuyên môn để khai thác và sử dụng các đường ống dẫn khí đốt vận chuyển hydro sau một số điều chỉnh kỹ thuật.
Các khoản đầu tư của EU vào các dự án xanh trong khu vực cũng có thể làm tăng điện khí hóa trong nước, đồng nghĩa với việc tiêu thụ khí đốt trong khu vực sẽ thấp hơn và lợi nhuận cao hơn từ xuất khẩu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế lưu ý rằng, việc phát triển năng lượng tái tạo đòi hỏi đầu tư đáng kể trong khu vực tư nhân, do đó sẽ gây áp lực lên Algeria trong việc đảm bảo một môi trường đầu tư hấp dẫn. Một số thay đổi về quy định đã được thực hiện, bao gồm các cải cách nhằm khuyến khích quyền sở hữu nước ngoài đối với các công ty có trụ sở tại Algeria.
Tin liên quan
Advertisement