24/04/2023 08:05
Các biến thể phụ mới của Omicron có nguy hiểm?
Sở Y tế TP.HCM nhận định việc phát hiện đồng loạt nhiều biến thể phụ mới của Omicron có thể giải thích hiện tượng gia tăng số ca mắc COVID-19 trong những ngày qua tại thành phố.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ ngày 8/4 đến 14/4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã lấy 13 mẫu giám sát dịch tễ gửi Viện Pasteur, trong đó 11 mẫu từ các mẫu bệnh phẩm đã phát hiện các biến thể phụ mới của Omicron bao gồm: XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1.
Theo cơ quan này, những biến thể phụ mới phát hiện tại thành phố cũng là những biến thể phụ đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới và được WHO xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs).
“Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ngoài 1 biến thể phụ mới thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm (XBB.1.5) đã xuất hiện tại 95 quốc gia thì còn có thêm biến thể phụ XBB.1.16 vừa được WHO xếp vào nhóm biến thể cần được theo dõi, biến thể phụ này đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia và đang góp phần vào làn sóng ca mắc COVID-19 tăng cao ở Ấn Độ”, Sở Y tế nhận định.
“Việc phát hiện đồng loạt nhiều biến thể phụ mới của Omicron đang thịnh hành trên thế giới có thể giải thích hiện tượng gia tăng đột ngột số ca mắc mới COVID-19 trong mấy ngày qua tại thành phố và ở nhiều tỉnh thành trên cả nước”, đại diện Sở Y tế TP.HCM thông tin thêm.
Hiện chưa có báo cáo từ các nước trên thế giới cho thấy mối liên quan giữa các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs) với tình trạng mắc COVID-19 nặng hơn trên toàn cầu.
Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy số ca mắc mới tăng sẽ dẫn đến số ca nhập viện tăng là khó tránh. Mặc khác, hầu hết những ca nhập viện đều là người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó có những người chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân cần tích cực thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, khử khuẩn) và vaccine. Trong đó, ghi nhớ việc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, khi đến các nơi công cộng, các cơ sở khám chữa bệnh, trong không gian kín và các địa điểm bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Người dân cũng thường xuyên khử khuẩn nhất là vệ sinh tay và tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Ngoài ra, khi tham gia các hoạt động xã hội, lao động sản xuất, học tập…. những người sống chung nhà có thể mang mầm bệnh về lây nhiễm cho những người thân thuộc nhóm người có nguy cơ.
Trước nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, dù số ca mắc có gia tăng nhưng khả năng dịch bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay số ca tử vong tăng mạnh như đợt dịch ở TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam năm 2021 là khó xảy ra.
Bởi hiện biến chủng phụ dù lây lan nhanh nhưng vẫn là biến thể của chủng Omicron, chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng. Tuy nhiên, ngành y tế cần đánh giá lại nguy cơ của COVID-19 xem liệu có xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, gây diễn biến nặng, các triệu chứng nguy hiểm hay có thể vô hiệu hóa vaccine chúng ta đang sử dụng hay không.
Từ đó có cảnh báo cho người dân, đưa ra các phản ứng phù hợp để chủ động trong công tác phòng chống dịch.
(Nguồn: Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp