06/03/2024 08:08
BYD mở rộng đội tàu chuyển chở xe điện xuất khẩu lên 8 chiếc
Công ty dẫn đầu về xe điện Trung Quốc BYD có kế hoạch tăng đội tàu vận chuyển ô tô của mình lên 8 chiếc trong vòng hai năm để tăng cường năng lực xuất khẩu, trong bối cảnh lĩnh vực phương tiện sử dụng năng lượng mới dường như sẽ mở rộng ra biển.
"BYD sẽ triển khai 7 tàu vận tải ô tô trong hai năm tới để giảm bớt tình trạng thiếu năng lực vận chuyển cho xuất khẩu ô tô", Wang Chuanfu- người sáng lập và chủ tịch công ty BYD cho biết vào tháng trước.
Vào tháng 1, một tàu chở xe điện của BYD đã khởi hành đến Châu Âu từ cảng hậu cần quốc tế Xiaomo ở Thâm Quyến. Tàu chở xe điện xuất khẩu đầu tiên của hãng xe điện này có tên BYD Explorer No. 1 thuộc loại tàu RORO (loại tàu lớn được thiết kế chuyên chở các mặt hàng có bánh xe như ô tô) được sản xuất bởi CIMC Raffles, một chi nhánh đóng tàu của China International Marine Containers.
Con tàu có sức chứa 7.000 phương tiện và được đặt hàng bởi công ty vận tải biển Zodiac Maritime có trụ sở tại London. CIMC Raffles cho biết đây là tàu vận tải ô tô đầu tiên được đóng tại một nhà máy đóng tàu của Trung Quốc dành riêng cho việc xuất khẩu các phương tiện sản xuất trong nước.
CSSC Offshore & Marine Engineering, một công ty con của Tập đoàn Vận tải Nhà nước Trung Quốc, cũng có kế hoạch đóng hai tàu có khả năng chở 7.000 phương tiện BYD. Việc đóng hai con tàu này đã bắt đầu ở Quảng Châu.
Với phí thuê tàu vận chuyển ô tô ngày càng tăng, BYD cũng hy vọng sẽ giảm chi phí vận chuyển bằng cách từ đầu tư các tàu chuyên chở riêng.
Trung Quốc xuất khẩu 4,9 triệu xe ô tô vào năm 2023, tăng 58% so với năm 2022, vượt Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Xuất khẩu xe năng lượng mới (gồm xe điện và xe plug-in hybrid) của Trung Quốc đã tăng 78% lên 1,2 triệu chiếc trong năm vừa qua. BYD đã tăng đáng kể doanh số bán xe điện ở nước ngoài vào năm ngoái, đạt 240.000 chiếc trong cả năm.
Tuy nhiên, năng lực vận tải chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng. Theo công ty Clarksons Research của Anh, tính đến tháng 11/2023, có 40 hãng vận tải ô tô thuộc sở hữu của các chủ tàu Trung Quốc.
Sức chứa tổng hợp của tất cả 40 tàu là khoảng 110.000 phương tiện, thấp hơn nhiều so với 1,6 triệu của Nhật Bản, 930.000 của Na Uy và 490.000 của Hàn Quốc.
Xuất khẩu ô tô của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ vào những năm 1960, tăng từ 1,1 triệu chiếc năm 1970 lên 6 triệu chiếc vào năm 1980. Các công ty đóng tàu Nhật Bản, cũng như các công ty ở Châu Âu và Hàn Quốc, bắt kịp tốc độ bằng cách sản xuất ngày càng nhiều tàu vận tải ô tô lớn hơn.
Tại Trung Quốc, nhu cầu về tàu vận tải ô tô hiện đang tăng nhanh, được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu xe điện. Tính đến tháng 11, các chủ tàu Trung Quốc đã đặt hàng 37 tàu vận tải ô tô với tổng công suất 290.000 chiếc, mức cao nhất hiện nay trên thế giới.
Các công ty đóng tàu, chủ tàu và chủ hàng của Trung Quốc bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô đang hợp tác cùng nhau để tăng xuất khẩu.
Trung Quốc đang tập trung vào châu Âu để xuất khẩu xe điện và xe lai xăng điện. Người tiêu dùng ở khu vực này có xu hướng ý thức hơn về môi trường và các nhà sản xuất ô tô châu Âu vẫn chưa đạt nhiều thành công về xe điện.
BYD đang mở rộng mạng lưới bán hàng tại Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và các nơi khác. Với các mẫu xe như Dolphin EV cỡ nhỏ và xe thể thao đa dụng chạy điện Atto 3, công ty đang nhanh chóng tạo dựng sự nhận diện thương hiệu trước khi các đối thủ cạnh tranh bản địa có thể bắt kịp.
Các nhà sản xuất ô tô khác của Trung Quốc cũng đang gấp rút đảm bảo năng lực vận tải. Một con tàu vận tải RORO do SAIC Motor thuộc sở hữu nhà nước đặt hàng và do CSSC đóng cũng đã khởi hành đến châu Âu vào tháng Giêng.
SAIC có kế hoạch sử dụng 14 tàu vận tải, bao gồm các tàu lớn có thể chở 9.000 ô tô, trong vòng ba năm tới thông qua SAIC Anji Logistics, một công ty hậu cần trực thuộc SAIC. SAIC cho biết họ sẽ "hỗ trợ tăng tốc xuất khẩu các thương hiệu Trung Quốc".
Xu hướng tăng xuất khẩu có thể sẽ tiếp tục, với việc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc dự kiến xuất khẩu vào năm 2024 sẽ tăng 12% lên 5,5 triệu chiếc.
Đồng thời, châu Âu cảnh giác với làn sóng xe điện của Trung Quốc tràn vào và đang bắt đầu cuộc điều tra về các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cho xe điện. Trong nỗ lực xoa dịu những lo ngại đó, BYD đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Hungary trong vòng ba năm.
(Nguồn: Nikkei)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp