Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bất động sản công nghiệp và hiệu ứng “đại bàng”

Thu hút FDI khả quan và bối cảnh vĩ mô thuận lợi đang mang đến nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư bất động sản công nghiệp.

Kỳ vọng dòng vốn lớn FDI

Thông tin từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quý I/2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,44 tỷ USD, chiếm 77,8% tổng vốn; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 379,8 triệu USD, chiếm 8,6%; kinh doanh bất động sản đạt 350,3 triệu USD, chiếm 7,9%.

Trong số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc).

Một trong những dự án tiêu biểu nhất phải kể đến là dự án có giá trị đầu tư 1 tỷ USD với quy mô 44 ha của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) được khởi công trong năm nay và dự kiến đi vào hoạt động năm 2024.

Bất động sản công nghiệp và hiệu ứng “đại bàng” - Ảnh 1.

Nhiều chủ đầu tư đẩy mạnh triển khai các dự án khu công nghiệp mới. Ảnh: Thành Nguyễn

Theo chia sẻ của ông Preben Elnef, Phó chủ tịch LEGO, Tập đoàn đánh giá cao môi trường đầu tư năng động, chuyên nghiệp và định hướng phát triển lâu dài của tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời cam kết đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy theo đúng thỏa thuận đã ký kết.

Trong hơn 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, đây là dự án FDI lớn nhất được xúc tiến và triển khai tại Việt Nam. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, LEGO phải mất gần 10 năm cân nhắc, nghiên cứu kỹ càng trước khi chính thức chọn Việt Nam để triển khai nhà máy thứ 2 tại châu Á và thứ 6 trên toàn cầu này. Đáng chú ý, đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO với việc sử dụng năng lượng mặt trời cho các hoạt động liên quan.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, sự kiện này có nhiều ý nghĩa đối với lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Việc ngày càng có thêm nhiều dự án đầu tư nước ngoài có hàm lượng khoa học công nghệ cao và thân thiện với môi trường là chỉ dấu cho thấy Việt Nam dần thành công trong việc thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao. Đây cũng có thể xem là tín hiệu quan trọng cho thấy các tập đoàn lớn trên thế giới tiếp tục đến với Việt Nam.

“Việc các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhộn nhịp trở lại lúc này đã thể hiện môi trường đầu tư năng động, tích cực của Việt Nam, giúp các nhà đầu tư quốc tế có thêm lý do thuyết phục để chọn Việt Nam trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu của mình”, ông David Jackson nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam (FIIVN) cho rằng, muốn thu hút doanh nghiệp công nghệ cao thì Việt Nam phải là đất nước công nghệ cao, từ con người, cơ sở nghiên cứu, đến cộng đồng doanh nghiệp…, nhưng lực lượng công nghệ cao của Việt Nam chưa mạnh, chưa nhiều.

Theo ông Nghĩa, các ngành công nghệ cao đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền, vì đầu tư cho lĩnh vực này rất tốn kém, doanh nghiệp vay vốn thương mại sẽ khó có thể kham nổi. Ông cho biết, nhiều quốc gia có chương trình hỗ trợ lãi suất cho nhà đầu tư nhóm này, chẳng hạn, Trung Quốc tài trợ vốn không hoàn lại cho nhà đầu tư, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và khi nền tảng tốt hơn sẽ lại tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao. Việt Nam có thể tham khảo cách làm này, trong đó chương trình vay vốn lãi suất 0% là một trong những giải pháp để thu hút nhà đầu tư công nghệ cao.

“Với sự xông xáo, quyết liệt của Chính phủ, chỉ khoảng 2 năm nữa hạ tầng giao thông của Việt Nam cơ bản sẽ tốt và nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp bắt đầu xúc tiến đầu tư khắp nơi để làm dự án. Tôi thấy cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hưởng ứng rất mạnh mẽ”, ông Nghĩa nói.

Nhận diện động lực tăng trưởng

Theo ông Phạm Văn Nam, chuyên gia nghiên cứu bất động sản công nghiệp đến từ Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam, sau giai đoạn 2020-2021 bị dồn nén bởi dịch bệnh, 2022 sẽ là thời điểm dòng vốn FDI có sự bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt tại lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Về mặt bằng giá, các chuyên gia đánh giá, giá thuê khu công nghiệp sẽ vẫn tăng trong năm 2022. Do đó, nhà đầu tư thực hiện việc ký kết, chốt hợp đồng cho thuê sớm sẽ lợi thế nhất định.

Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect nhận định, năm 2022, giá thuê đất khu công nghiệp dự báo tăng 6-10% so với năm trước ở cả phía Nam và phía Bắc khi nhu cầu thuê tăng cao, còn nguồn cung hạn chế. Bất động sản khu công nghiệp sẽ duy trì sức hút với “động lực kép” là sức cầu lớn và tăng cường nguồn cung mới.

Đánh giá về triển vọng ngành trong năm 2022, VNDirect cho rằng, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là điểm sáng, được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố như mở rộng sản xuất diễn ra mạnh mẽ ở cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; thương mại điện tử bùng nổ, yêu cầu hàng tồn kho tăng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng giúp thúc đẩy nhu cầu đất khu công nghiệp cho các dịch vụ kho bãi và câu chuyện đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ cho nhóm này.

Lĩnh vực bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển nên những lợi thế về giá thuê, chi phí nhân công… sẽ còn kéo dài trong tối thiểu 5-7 năm tới.

Bên cạnh đó, nguồn cung đang được đẩy mạnh ra thị trường với hơn 44.760 ha trong giai đoạn 2022-2025 nhằm đón đầu nhu cầu thuê đất khu công nghiệp gia tăng, tập trung tại các khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Còn Colliers Việt Nam cho biết, hiện giá thuê khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn rẻ hơn khoảng 20-33% so với một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia. Theo công ty nghiên cứu thị trường này, lĩnh vực bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển nên những lợi thế về giá thuê, chi phí nhân công… sẽ còn kéo dài trong tối thiểu 5-7 năm tới.

Theo ông David Jackson, động lực quan trọng của bất động sản công nghiệp trong những năm tới là sự tăng trưởng “không gì cản nổi” của thương mại điện tử (e-commerce). Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu kép hàng năm của ngành này vào khoảng hơn 40% trong giai đoạn 2020-2025 và ước đạt 52 tỷ USD vào năm 2025 (theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - VECOM). Ước tính, lĩnh vực này sẽ cần thêm khoảng 350.000 m2 kho bãi mới để đáp ứng đủ nhu cầu khi doanh thu cán mốc 25-27 tỷ USD.

“Đây cũng có thể là lý do quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước, thậm chí có cả các doanh nghiệp khác ngành, ‘chạy đua’ đầu tư vào bất động sản công nghiệp thời gian gần đây”, ông David Jackson nói và cho biết thêm, nếu được quy hoạch đầu tư phù hợp, bất động sản công nghiệp sẽ giúp giải quyết số lượng lớn việc làm, chẳng hạn nhà máy của LEGO có thể tạo thêm 4.000 việc làm mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và tạo diện mạo mới sầm uất, hiện đại hơn cho các khu vực lân cận. 

Thành Nguyễn
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement