Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bất động sản công nghiệp: Cảm hứng đầu tư công

Đầu tư công đang là nguồn cảm hứng mới cho các dự án bất động sản khu công nghiệp.

Vĩ mô thuận lợi

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2021 tăng 4,72%), riêng khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38% và đóng góp 51,08% vào tổng mức tăng trưởng trong kỳ.

Tại khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,07% trong quý I/2022 (cùng kỳ năm trước tăng 6,44%) và đóng góp 2,42% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79% và đóng góp 2,05%.

photo-cms-tinnhanhchungkhoan-zadn-vn_1-5236(1).jpg
Các dự án hạ tầng giao thông mở ra cơ hội cho những khu công nghiệp mới. Ảnh: Thành Nguyễn

Những tín hiệu tích cực trên phần nào phản ánh mức độ phục hồi của nền kinh tế khi các chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống, vào sự vận hành của cộng đồng doanh nghiệp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu xây lắp dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Còn theo báo cáo từ Bộ Tài chính, 2 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2022 đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (5,09%). Để thúc đẩy tăng trưởng, triển khai các dự án đầu tư công đúng tiến độ, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tập trung các giải pháp, nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công 2022 ngay từ đầu năm. Sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương mang đến sự kỳ vọng lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lạc quan

Trao đổi với đại diện nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp, điểm chung mà phóng viên ghi nhận được là đầu tư công đang trở thành nguồn cảm hứng mới, trong đó các dự án hạ tầng giao thông sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho kinh tế nhiều địa phương, bao gồm cả các thị trường công nghiệp mới.

Theo bà Vũ Thị Thu Hằng, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển TNI Holdings Vietnam, cơ sở hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của một dự án khu công nghiệp. Với các chính sách đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông hiện nay như xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam (thực hiện trong 4 năm), nâng cấp đường thủy nội địa sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cảng hàng không quốc tế Long Thành (năm 2025)… sẽ thúc đẩy các chủ đầu tư phát triển thêm những khu công nghiệp mới tại những nơi công nghiệp còn chưa phát triển như Đồng bằng Sông Cửu Long hay khu vực miền Trung. Các khu công nghiệp hiện hữu chưa lấp đầy hết cũng được hưởng lợi, nhưng sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các khu công nghiệp mới với lợi thế quỹ đất sạch dồi dào và cơ sở hạ tầng hoàn thiện.

Ngoài ra, bà Hằng cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nước lân cận và trong khu vực nhờ đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương có tầm vóc lớn như CPTPP, EVFTA, RCEP…, tạo cơ sở cho Việt Nam hội nhập sâu rộng và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, lực lượng lao động tại Việt Nam những năm gần đây được các nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn khi trình độ học vấn được cải thiện và chi phí thấp hơn so với các thị trường lao động khác trong khu vực. Một yếu tố rất quan trọng khác là môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày một thông thoáng, điều này đến từ việc triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi kinh tế như thực hiện tốt chiến dịch bao phủ vắc-xin, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhiều thủ tục hành chính liên quan tới hoạt động đầu tư được cắt giảm...

Còn theo ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam (FIIVN), các dự án hạ tầng giao thông mang đến nhiều hơn cơ hội thu hút đầu tư cho các địa phương, chẳng hạn Cần Thơ được đánh giá sẽ trở thành điểm đến đầu tư mới vào năm 2023 khi hạ tầng giao thông được cải thiện.

“Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, chỉ 2 năm tới hệ thống hạ tầng giao thông của Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể. Theo quan sát của tôi, nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp bắt đầu tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nhiều địa phương trên cả nước, sự hưởng ứng của cộng đồng nhà đầu tư cũng rất mạnh mẽ, bởi cứ có hạ tầng tốt thì việc thu hút đầu tư sẽ thuận lợi”, ông Nghĩa nói.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, hiện nay, nhiều địa phương đang rà soát lại quy hoạch để có quỹ đất sạch đón nhà đầu tư, lãnh đạo các địa phương thể hiện tinh thần đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư rất tốt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý cho nhà đầu tư.

Theo ông Đinh Thanh Phương, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty KCN Việt Nam, phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những chính sách quan trọng của Chính phủ, nhưng từ kế hoạch đến thực thi là một quá trình dài, từ gọi vốn, quy hoạch, giải phóng mặt bằng… đến thiết kế, thi công và vận hành, trong khi cơ sở hạ tầng sẽ chỉ phát huy hết hiệu quả khi đã đi vào hoạt động.

Ông Phương cho rằng, dù có nhiều kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, nhưng cả khu công nghiệp hiện hữu lẫn dự án khu công nghiệp mới đều có vấn đề riêng. Chẳng hạn, nhiều khu công nghiệp hiện hữu đang đối mặt với việc khó mở rộng quỹ đất vì giá đất và vốn đầu tư tăng cao, dẫn đến việc phải tăng giá thuê để bù đắp và giải pháp này vô hình trung lại cản trở việc lấp đầy dự án.

Hay với khách thuê, theo thống kê của KCN Việt Nam, hiện nay, khoảng 35% lượng yêu cầu thuê kho xưởng tới từ khách hàng Trung Quốc, 25% Hàn Quốc và 15% Việt Nam. Trong khi đó, một số quốc gia khu vực châu Á đang siết chặt dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, cộng với những hạn chế đi lại do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các kế hoạch mở rộng quy mô và quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Thời gian tới, có lẽ thay vì trông đợi nhiều vào thu hút khách thuê nước ngoài, các chủ đầu tư khu công nghiệp cần tập trung nhiều hơn vào khách thuê trong nước, vào các kế hoạch mở rộng quy mô của các nhà đầu tư nội địa hoặc nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, sự tăng trưởng về tiêu dùng nội địa sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế B2C (Business to Consumer - doanh nghiệp với người tiêu dùng) và các ngành logistics, thương mại điện tử, từ đó góp phần nâng cao nhu cầu về bất động sản công nghiệp, đặc biệt là sản phẩm kho xưởng xây sẵn”, ông Phương gợi ý.

THÀNH NGUYỄN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement