08/12/2022 13:34
Báo cáo ngành xây dựng & vật liệu xây dựng - Tìm kiếm sự phục hồi trong thời điểm khó khăn
Trong năm 2022, kinh tế Việt Nam và ngành xây dựng gặp nhiều thách thức khi đối diện khó khăn, thử thách. Tuy nhiên theo các chuyên gia đầu ngành nhận định, những thách thức lớn chính là đòn bẩy cho các doanh nghiệp tìm thấy được cơ hội phục hồi hiệu quả năm 2023.
Sau những khó khăn bởi ảnh hưởng dịch COVID-19, doanh nghiệp xây dựng dần thích nghi với trạng thái mới, dần khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2022, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục bị "khủng hoảng" khi rơi vào giai đoạn đỉnh điểm của chu kỳ suy thoái kinh tế 30 năm.
Không ngoại lệ, kinh tế Việt Nam cũng rơi vào vòng xoáy đó, các doanh nghiệp chủ trương cắt giảm ngân sách, giảm thiểu tối đa chi phí vận hành, đóng băng dự án hoặc hoạt động cầm chừng, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã nêu về những khó khăn, thách thức như biến động giá cả vật liệu quá lớn, thủ tục pháp lý phức tạp, bị nợ đọng, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn đến thị trường đầu ra ngưng trệ, tỷ giá gia tăng, trong khi nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm… khiến các doanh nghiệp (DN) xây dựng Việt Nam đối mặt với khó khăn.
Theo khảo sát của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), có 78,8% DN ghi nhận chi phí nguyên vật liệu tăng, trong đó 19,7% DN báo cáo khoản chi này tăng đáng kể. Gần 50% DN dự báo tình trạng này còn tiếp diễn đến cuối năm 2023, thậm chí có 38% DN cho rằng tình trạng này sẽ kéo dài sau năm 2023.
Bên cạnh đó, những lo ngại về chính trị, sự bất ổn về tình hình tài chính tiền tệ trên thế giới đã tác động không nhỏ. Hiện nay, độ mở của nền kinh tế lên tới 200% GDP, trong khi sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Có đến 70% DN được khảo sát cho biết đang chịu sức ép từ tỷ giá tăng và gần 60% số DN đối mặt với tình trạng khó khăn về nguồn vốn, lãi suất tăng cao.
Điều đáng nói, ngành xây dựng có đặc thù là 70% số lao động là từ nông nhàn nhưng sau COVID-19, việc tuyển dụng lao động hết sức khó khăn. Chính vì sự khan hiếm nhân công nên đơn giá nhân công tăng lên đến 25% để cạnh tranh thu hút nhân lực.
Về tài chính đang là một sức ép lớn cho các DN xây dựng do công tác thanh quyết toán với các Chủ đầu tư còn phức tạp, khó khăn, hầu hết các nhà thầu bị nợ đọng, đặc biệt ở khoảng 20-25% cuối của dự án. Nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng vài ba năm vẫn chưa quyết toán được, trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ.
Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong quý I/2022, có 53,4% doanh nghiệp ngành Xây dựng nhận định tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn; 28,7% nhận định tình hình sản xuất kinh doanh vẫn ổn định và 17,9% nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.
Trong quý II/2022, có 41,5% số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn; 32,3% số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh giữ ổn định và 26,2% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2022 tốt hơn quý I/2022.
Mặc dù vậy, theo dự báo của DN ngành Xây dựng, quý III/2022 so với quý II/2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN chưa thực sự có cải thiện đáng kể, thậm chí có thể khó khăn hơn do ảnh hưởng bởi sự biến động của các yếu tố đầu vào như sử dụng lao động, chi phí sản xuất...
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement