03/02/2021 19:57
Ấn Độ và Trung Quốc, ai sẽ là người thắng trong cuộc đua 'ngoại giao vaccine COVID-19'
Ấn Độ được cho là đang chuyển sang sử dụng chính sách "ngoại giao vaccine" để củng cố hình ảnh toàn cầu. Từ đó, đặt ra một cuộc cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc.
Ấn Độ có lợi thế trong cuộc đua "ngoại giao vaccine"
Nam Phi đã nhận 1 triệu liều vaccine Covishield được sản xuất bởi Viện Huyết thanh của Ấn Độ. Covishield là tên địa phương của thuốc chủng ngừa Oxford-AstraZeneca được phát triển tại Anh và được sản xuất theo giấy phép của công ty công nghệ sinh học Serum Institute của Ấn Độ.
Tổng thống Nam Phi, Ramaphosa, phát biểu trên truyền hình vào tối 1/2 rằng, đất nước này dự kiến sẽ nhận được 500.000 liều vaccine khác từ Viện Huyết thanh của Ấn Độ vào cuối tháng này.
Mặt khác, Nam Phi cùng các quốc gia châu Phi khác, như Maroc, Ai Cập và Seychelles, đã bắt đầu tiêm chủng và chủ yếu sử dụng vaccine từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đang sử dụng thế mạnh của mình để cung cấp cho các nước láng giềng và các nước có thu nhập thấp và trung bình ở châu Phi vaccine COVID-19. Quốc gia này đã hứa tặng hoặc bán 20 triệu liều vaccine cho các nước láng giềng như Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, Afghanistan, Seychelles và Mauritius.
Vào tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi đã xác nhận rằng, Ấn Độ đã đồng ý cung cấp cho châu lục này thêm 400 triệu liều vaccine COVID-19.
Ban đầu, châu Phi đã ký thỏa thuận mua 270 triệu liều vaccine từ Pfizer, AstraZeneca và Johnson&Johnson. Châu lục này cũng dự kiến sẽ nhận được khoảng 400 triệu liều từ Ấn Độ và 700 triệu liều thông qua sáng kiến Covax nhằm giúp đỡ các nước có thu nhập thấp.
Lawrence Gostin, Giám đốc của Viện O'Neill về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu tại Đại học Georgetown, cho biết Ấn Độ, đặc biệt là Viện Huyết thanh, có khả năng trở thành động lực phân phối vaccine ra toàn thế giới, đặc biệt là đối với những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Gostin cho biết, Ấn Độ và Trung Quốc đã căng thẳng trong một cuộc đấu tranh địa chính trị trong nhiều năm và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng. Ông cho biết, Trung Quốc đã có một lịch sử lâu dài trong việc tìm kiếm lợi ích chính trị, thương mại hoặc ngoại giao từ hỗ trợ nhân đạo.
“Ví dụ, Trung Quốc đã sử dụng 'Sáng kiến Vành đai và Con đường' vì lợi thế kinh tế và quân sự của mình”. Ông nói, Trung Quốc đang sử dụng vaccine cho lợi thế địa chiến lược tương tự.
Tuy nhiên, ông nói: “Trước đây, Ấn Độ chưa từng tìm kiếm những lợi ích đặc biệt từ hỗ trợ y tế của mình”. Ấn Độ từ lâu đã được coi là một đối tác hữu ích trong việc đảm bảo thuốc và vaccine với giá cả phải chăng cho các nước có thu nhập thấp. Và tôi mong rằng điều này sẽ vẫn tiếp tục”.
Liệu Trung Quốc có bắt kịp Ấn Độ?
Vào ngày Nam Phi nhận được vaccine của Ấn Độ, Trung Quốc thông báo rằng, họ đã tài trợ vaccine COVID-19 cho Pakistan, đối thủ của Ấn Độ. Do đó, vaccine COVID-19 đang nổi lên như một chiến tuyến mới cho vị thế địa chính trị.
Hôm 1/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo, bên cạnh việc gửi vaccine đến Islamabad (Pakistan), Bắc Kinh sẽ cung cấp viện trợ vaccine cho một số quốc gia bao gồm Brunei, Nepal, Philippines, Myanmar, Campuchia, Lào, Sri Lanka Sierra Leone, Zimbabwe và Equatorial Guinea.
Theo Tân Hoa xã, Zimbabwe, Sierra Leone và Equatorial Guinea sẽ là ba quốc gia châu Phi đầu tiên nhận được vaccine do Trung Quốc viện trợ.
“Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ 38 quốc gia đang phát triển khác bằng vaccine. Chúng tôi cũng tham gia tích cực vào Covax do WHO đứng đầu và cung cấp vaccine thông qua nền tảng này cho các nước đang phát triển”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Wang Wenbin, cho biết.
Ông Wang cho biết thêm, vaccine do Sinopharm và Sinovac sản xuất đã được xuất khẩu sang các nước bao gồm UAE, Maroc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Chile, nơi các nghiên cứu lâm sàng đã được thực hiện.
Akhil Bery, nhà phân tích Nam Á tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho biết Ấn Độ đang có vị thế tốt trong cuộc đua ngoại giao vaccine, vì nước này đã sản xuất khoảng 60% vaccine trên thế giới.
“Cuộc đua ngoại giao vaccine giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã có hiệu lực ở Nam Á. Ấn Độ đã tặng vaccine cho các nước láng giềng trước khi Trung Quốc làm. Và bây giờ, Trung Quốc đang chơi trò đuổi kịp”, Bery nói.
Ông cho biết, Ấn Độ đã thông báo rằng, họ đang tài trợ 10 triệu liều vaccine cho châu Phi và con số sẽ tăng lên khi vaccine được thử nghiệm hiệu quả. "Vì vậy, chúng ta có khả năng thấy sự cạnh tranh ngoại giao vaccine giữa Ấn Độ-Trung Quốc, vì cả hai đều cạnh tranh quyền lực mềm và ảnh hưởng”, ông Bery nói thêm.
Gostin tại Đại học Georgetown cho biết, hiện đã có ba quốc gia (Ấn Độ, Trung Quốc và Nga) tích cực phân phối vaccine của họ trên toàn cầu.
“Tôi lo ngại về sự thiếu minh bạch trong các giao dịch vaccine và cả việc nó đóng vai trò như thế nào đối với lợi thế quốc gia. Tôi vẫn thích chia sẻ và phân phối vaccine toàn cầu hơn là chủ nghĩa dân tộc vaccine ích kỷ của các nước thu nhập cao. Ví dụ, Hoa Kỳ, Anh và Liên minh Châu Âu đã tích trữ vaccine mà không quan tâm nhiều đến phần còn lại của thế giới”, ông nói.
"Sáng kiến Vành đai và Con đường" hay còn gọi là "Một vành đai, một con đường" liên quan đến việc Trung Quốc bảo lãnh hàng tỷ USD cho các cơ sở hạ tầng ở các quốc gia dọc theo Con đường Tơ lụa cổ nối liền quốc gia này với châu Âu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc thực chất nhắm tới việc biến những nước khác thành con nợ rồi chiếm tài nguyên.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement