01/07/2025 09:24
Vì sao kinh tế Mỹ vẫn trụ vững trước bão thuế quan và bất ổn toàn cầu?
Bất chấp thuế quan, lạm phát và địa chính trị rối ren, kinh tế Mỹ vẫn không rơi vào suy thoái. Điều gì giúp nền kinh tế số 1 thế giới trụ vững?
Theo Wall Street Journal ngày 29/6, trong nhiều tháng qua, các nhà tuyển dụng và nhà đầu tư tại Mỹ đã chuẩn bị cho một kịch bản kinh tế tồi tệ nhất: một cuộc suy thoái do chiến tranh thương mại và thuế quan leo thang gây ra.
Tuy nhiên, bất chấp những lời đe dọa thuế quan dữ dội, chi tiêu tiêu dùng suy yếu và tình hình bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Ngược lại, chỉ số S&P 500 lại vừa chạm mức cao kỷ lục vào thứ Sáu tuần trước (27/6), tạo ra một bức tranh kinh tế đầy mâu thuẫn. Vậy, đâu là lý do đằng sau sự "kiên cường" đáng ngạc nhiên này?
Vượt qua nỗi lo sợ kịch bản tồi tệ nhất
Vào tháng 4/2025, thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua một đợt sụt giảm mạnh, khi chỉ số S&P 500 giảm tới 19% so với mức đỉnh trước đó vào tháng 2. Nguyên nhân chính là nỗi lo sợ rằng mức thuế quan mà Tổng thống Trump đe dọa áp lên tới 145% đối với Trung Quốc và 50% đối với các đối tác thương mại lớn khác sẽ châm ngòi cho lạm phát tăng vọt, lãi suất leo thang và gây ra một cuộc suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, thay vì tiến thẳng vào cuộc đối đầu toàn diện, Tổng thống Trump đã giảm đáng kể mức thuế quan so với đề xuất ban đầu. Mặc dù thuế quan đã có hiệu lực từ tháng 2 đối với Trung Quốc, Canada, Mexico, cũng như thép, nhôm và ô tô, tác động đến lạm phát cho đến nay vẫn còn nhẹ hơn nhiều so với dự đoán. Mặc dù giá dầu từng tăng vọt khi xung đột giữa Israel và Iran leo thang, nhưng sau đó đã nhanh chóng hạ nhiệt.
Giáo sư Jason Furman từ Đại học Harvard, cựu cố vấn của Tổng thống Barack Obama, nhận định: “Nền kinh tế vĩ mô đang hoạt động khá tốt”. Đặc biệt, ông cho rằng thị trường hiện nay đã tự tin hơn rằng "Tổng thống Trump sẽ lùi bước nếu cần thiết".

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Giáo sư Furman giải thích: “Vào tháng 4, tôi nghĩ nỗi sợ hãi là ông Trump sẽ chỉ tiến về phía trước bất kể điều gì xảy ra. Bây giờ có cảm giác rằng có những thực tế mà ông ấy sẽ không cố gắng vượt qua”.
Dù niềm tin kinh doanh đã giảm sút trong bối cảnh các mối đe dọa về thuế quan, các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động đầu tư vào thiết bị, nhà máy và công nghệ. Họ vẫn tiếp tục tạo ra việc làm, dù với tốc độ chậm hơn so với năm trước.
Tương tự, tâm lý người tiêu dùng cũng cho thấy sự phục hồi nhẹ. Theo khảo sát từ Đại học Michigan, chỉ số tâm lý người tiêu dùng đã tăng 16% trong tháng 6 so với tháng 5, mặc dù vẫn thấp hơn 18% so với tháng 12 năm trước.
Joanne Hsu, Giám đốc Khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan, cho biết người tiêu dùng "ít lo lắng hơn về kịch bản xấu nhất" dù họ vẫn không nghĩ rằng nền kinh tế đã "thoát khỏi khó khăn".
Nhưng rủi ro vẫn còn ở phía trước
Mặc dù thị trường chứng khoán tăng điểm và niềm tin phục hồi, dữ liệu kinh tế vĩ mô lại cho thấy những tín hiệu đáng lo ngại. Chi tiêu của người tiêu dùng đã suy yếu đáng kể. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, mức tăng trưởng tiêu dùng trong quý I đã được điều chỉnh xuống còn 0,5% theo tỷ lệ hàng năm, giảm mạnh so với mức 1,8% trước đó.
Sự yếu kém này tiếp tục kéo dài sang quý II, với mức chi tiêu điều chỉnh theo lạm phát giảm 0,3% trong tháng 5 so với tháng 4. Đặc biệt, chi tiêu cho các danh mục không thiết yếu như du lịch hàng không và khách sạn đã giảm sút rõ rệt, cho thấy sự nhạy cảm của người tiêu dùng với tâm trạng chung của nền kinh tế.

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan tại Mỹ đã được điều chỉnh tăng lên 60,7 vào tháng 6/2025 từ mức sơ bộ là 60,5, so với mức 52,2 vào tháng 5.
Thị trường lao động cũng có vẻ đang yếu đi. S&P Global Market Intelligence dự báo tăng trưởng GDP hàng năm có thể chỉ đạt trung bình 0,8% trong hai quý đầu năm 2025, giảm mạnh so với mức 2,5% của năm 2024.
Một rủi ro lớn khác vẫn còn treo lơ lửng: tác động đầy đủ của thuế quan. Mặc dù ông Trump đã tạm dừng áp mức thuế cao nhất, nhưng thời hạn 90 ngày sẽ kết thúc vào ngày 9 tháng 7. Mới đây, Tổng thống Trump đã tuyên bố dừng đàm phán với Canada và sẽ sớm áp dụng mức thuế quan mới.
Theo Preston Caldwell, nhà kinh tế trưởng của Morningstar, ngay cả sau khi ông Trump hủy bỏ các đề xuất trước đó, mức thuế quan trung bình tại Mỹ vẫn là 18,8% – mức cao nhất kể từ những năm 1930, so với mức 2,4% vào năm 2024. Ông dự đoán điều này có thể đẩy lạm phát lên 3,2% vào đầu năm 2026.
Tuy nhiên, có một điểm sáng đến từ chính sách tiền tệ. Tuần qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã thừa nhận rằng có rất ít bằng chứng cho thấy thuế quan đang đẩy lạm phát lên cao, và một số quan chức Fed thậm chí đã thảo luận về khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng tới. Điều này đã giúp giảm lợi suất trái phiếu, tạo thêm động lực cho thị trường chứng khoán.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement