10/03/2024 20:26
Ấn Độ và khối EFTA ký thỏa thuận thương mại tự do trị giá 100 tỷ USD
Theo thỏa thuận này, EFTA, bao gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein - các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu sẽ đầu tư 100 tỷ USD trong vòng 15 năm vào Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho biết.
"Hiệp định Đối tác kinh tế và thương mại Ấn Độ-EFTA (TEPA) đánh dấu một cột mốc lịch sử trong quan hệ đối tác ngày càng phát triển của chúng tôi", Bộ trưởng Piyush Goyal nhận định sau lễ ký kết ở New Delhi và nói thêm rằng, thỏa thuận "sẽ mở đường cho sự tăng trưởng và thịnh vượng chung" bằng cách thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư và tạo việc làm.
Thỏa thuận này được ký kết sau nhiều vòng đàm phán kéo dài 16 năm.
Theo một tuyên bố được đọc tại lễ ký kết, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng, hiệp định thương mại "tượng trưng cho cam kết chung của hai bên về thương mại cởi mở, công bằng và bình đẳng".
Bộ trưởng Công nghiệp Jan Christian Vestre cho biết trong một tuyên bố riêng: "Các công ty Na Uy xuất khẩu sang Ấn Độ ngày nay phải chịu mức thuế nhập khẩu cao lên tới 40% đối với một số mặt hàng".
"Với thỏa thuận mới, chúng tôi đảm bảo thuế nhập khẩu bằng 0 đối với hầu hết mọi hàng hóa của Na Uy".
Hiệp ước bao gồm một số yếu tố mới như quyền trí tuệ và bình đẳng giới, Goyal nói thêm trong cuộc họp báo, "Đó là một hiệp định thương mại hiện đại, công bằng, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi cho cả năm quốc gia".
5 bên ký kết phải phê chuẩn thỏa thuận vào ngày 10/3 trước khi nó có hiệu lực, Thụy Sĩ dự định thực hiện điều này vào năm 2025.
Tin tức này xuất hiện trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 5, khi đó ông Modi sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba kỷ lục.
Một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đã cam kết cắt giảm "thuế suất ràng buộc" đối với vàng xuống 39% từ mức 40%, nhưng không lường trước được nhiều tác động đối với việc nhập khẩu kim loại này từ Thụy Sĩ, ước tính trị giá 16 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua.
Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin đánh giá, thỏa thuận này "sẽ cho phép chúng tôi tận dụng tốt hơn tiềm năng kinh tế của mình và tạo thêm cơ hội cho cả Ấn Độ và các quốc gia EFTA". Ông nói thêm: "Các nước EFTA giành được quyền tiếp cận một thị trường tăng trưởng lớn. Đổi lại, Ấn Độ sẽ thu hút thêm đầu tư nước ngoài từ EFTA, giúp thúc đẩy thị trường lao động tăng trưởng tốt hơn".
Các nhà phân tích cho biết hiệp định này có thể không ngay lập tức giúp Ấn Độ cắt giảm khoảng cách thương mại lớn với nhóm này, nhưng sẽ giúp thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chủ chốt.
Nhà kinh tế thương mại Ram Singh, người đứng đầu một thinktank New Delhi, Viện Ngoại thương Ấn Độ, cho biết: "Hiệp định thương mại sẽ giúp thu hút đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như thiết bị y tế, năng lượng sạch và mở rộng xuất khẩu sang các nước khác bằng cách tiếp cận công nghệ của Thụy Sĩ và Na Uy".
EFTA được thành lập vào năm 1960 nhằm thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế giữa các thành viên. Vào năm 2021, khối này trở thành tổ chức kinh doanh lớn thứ 10 trên thế giới về hàng hóa và lớn thứ 8 về dịch vụ.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã ký các hiệp định thương mại với Australia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp