16/08/2023 16:32
7 điểm nổi bật 'không mấy lạc quan' của kinh tế Trung Quốc
1. Suy thoái đầu tư bất động sản ngấm vào phần còn lại của nền kinh tế
Bất động sản chiếm hơn 1/5 các khoản đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc và đóng góp khoảng 14% vào tăng trưởng kinh tế. Đầu tư bất động sản đã giảm 8,5% trong 7 tháng đầu năm, sau mức giảm mạnh hơn 7,9% so với lũy kế của tháng 6/2023, đánh dấu tốc độ tăng trưởng thấp nhất cho đầu tư vào lĩnh vực này trong năm nay.
Người phát ngôn của Cục thống kê quốc gia - Fu Linghui nói rằng thị trường bất động sản của Trung Quốc hiện đang trải qua giai đoạn điều chỉnh và sẽ là thách thức đối với các nhà kinh doanh bất động sản để hoạt động đầu tư trong ngắn hạn. Rủi ro sẽ được xoa dịu một khi chính sách thị trường bất động sản được điều chỉnh.
"Thị trường bất động sản là một lực cản lớn khi niềm tin đã cạn kiệt, với lượng đầu tư và khối lượng giao dịch thấp hơn, cho thấy rằng nhiều biện pháp chính sách nhằm tạo ra một cú hạ cánh mềm cho thị trường này vẫn chưa khôi phục được niềm tin", Heron Lim, nhà kinh tế tại Moody's Analytics ở Singapore cho biết.
2. Đầu tư không đạt kỳ vọng
Ngoài mối lo ngại về xung đột công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, những nghi ngờ về việc Trung Quốc sẵn sàng mở cửa nhiều hơn với thế giới bên ngoài cũng đang cản trở dòng tiền chảy vào nước này.
Tổng đầu tư tài sản cố định trong 7 tháng đầu năm tăng 3,4%, nhưng thấp hơn mức tăng dự kiến 3,9% của nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu Trung Quốc Wind và chậm hơn mức tăng 3,8% trong nửa đầu năm của năm 2023.
Đầu tư tư nhân cũng giảm 0,5% trong 7 tháng đầu năm, so với mức tăng 7,6% của các doanh nghiệp nhà nước. Trong nửa đầu năm, đầu tư tư nhân đã giảm 0,2%.
"Sự thu hẹp trong đầu tư bất động sản ngày càng sâu, nhưng điều đó đã được bù đắp bằng sự gia tăng chi tiêu trong các lĩnh vực khác. Đầu tư vào sản xuất và cơ sở hạ tầng không thay đổi", Capital Economics cho biết.
3. Doanh số bán lẻ kém nhất trong tháng 7
Doanh số bán lẻ tăng 2,5% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng dự kiến là 5,3% và so với mức tăng 3,1% trong tháng 6.
Capital Economics cho biết, khi tính đến các hiệu ứng cơ bản và tính thời vụ, doanh số bán lẻ vẫn trì trệ so với tháng trước, với sự phân tích cho thấy rằng tất cả các lĩnh vực đều không thay đổi trong tháng trước.
Lý giải về kết quả ảm đạm của tháng 7, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh tới "bối cảnh rắc rối và phức tạp" ở nước ngoài lẫn nội địa, cũng như nhu cầu trong nước yếu ớt.
"Doah số bán lẻ đã giảm mạnh so với tốc độ tăng trưởng 18,4% của cùng kỳ năm ngoái, do hiệu ứng cơ sở đã thổi phồng vào tháng 4, việc mở cửa trở lại trong thời gian ngắn đã dẫn đến sự gia tăng doanh số bán lẻ", Robert Carnell, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á cho biết.
Các nhà sản xuất hàng hóa sẽ muốn tránh tình trạng giảm phát kéo dài khiến các hộ gia đình trì hoãn việc mua hàng hóa như đồ trang sức, thiết bị gia dụng và ô tô. Bí quyết sẽ là ngăn chặn áp lực giảm phát ảnh hưởng đến nền kinh tế bằng cách sử dụng các biện pháp kích thích có mục tiêu hơn mà không tạo ra rủi ro riêng.
4. Xuất khẩu giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2020
Số liệu chính thức được công bố cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm qua vào tháng trước, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này gặp các "cơn gió ngược" ở cả môi trường trong nước và quốc tế.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 14,5% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp. Mức giảm nói trên cũng lớn hơn dự đoán và là mức giảm mạnh nhất kể từ khi xuất khẩu của nước này giảm 17,2% vào đầu năm 2020, khi nền kinh tế bị chững lại trong những tuần đầu bùng phát dịch COVID-19.
Đối với Trung Quốc, xuất khẩu suy yếu báo hiệu nhiều rắc rối hơn cho nền kinh tế trong nước, vốn đang gặp nhiều khó khăn trên một số mặt. Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc, phản ánh giá mà các nhà máy tính cho các nhà bán buôn sản phẩm, đã giảm 4,4% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, thu hẹp từ mức giảm 5,4% trong tháng 6.
Capital Economics cho biết thêm: "Các nhà máy không chỉ phải đối mặt với sự phục hồi yếu kém trong nước mà còn phải đối mặt với sự sụt giảm của nhu cầu nước ngoài. Tuy rằng dữ liệu cho thấy doanh số xuất khẩu của các doanh nghiệp công nghiệp đã tăng nhẹ trong tháng 7. Nhưng bức tranh lớn hơn là nó tiếp tục chỉ ra sự suy giảm rõ rệt về nhu cầu bên ngoài, điều vẫn chưa được phản ánh đầy đủ trong dữ liệu hải quan".
5. Thiếu số liệu thanh niên thất nghiệp 'không tạo niềm tin'
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 15/8 cho biết, từ tháng này sẽ không công bố dữ liệu thất nghiệp theo nhóm tuổi cụ thể, với lý do "cần cải thiện hơn nữa và tối ưu hóa số liệu thống kê khảo sát lực lượng lao động".
Theo NBS, tỉ lệ thất nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7/2023 chạm mức 5,3%, tăng so với mức 5,2% hồi tháng 6. Nhiều chuyên gia đã kêu gọi Chính phủ Trung Quốc đưa ra một kế hoạch phục hồi trên diện rộng nhằm thúc đẩy trở lại các hoạt động kinh tế.
"Bắt đầu từ tháng 8, số liệu thất nghiệp tại đô thị của thanh niên và các nhóm tuổi khác trên khắp cả nước sẽ không còn được công bố", người phát ngôn Fu Linghui của Cục Thống kê cho biết trong một buổi họp báo. Số lượng sinh viên trong độ tuổi 16-24 đã tăng trong những năm gần đây và nhiệm vụ chính của họ nên là học tập thay vì đi tìm việc làm.
"Liệu sinh viên tìm việc trước khi tốt nghiệp có nên được gộp vào thống kê hay không là điều còn gây những ý kiến trái chiều. Việc này cần được nghiên cứu thêm", ông Fu nói. Ông cũng cho rằng cần xem xét kỹ hơn độ tuổi của "những người trẻ tìm việc làm" khi mà người trẻ giờ dành nhiều thời gian hơn để đi học so với trước.
Theo kinh tế gia Trung Quốc Ting Lu thuộc Tập đoàn dịch vụ tài chính Nomura, việc quốc gia tỉ dân ngừng công bố dữ liệu việc làm của thanh niên có thể sẽ "làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vào Trung Quốc".
6. Cắt giảm lãi suất không phải là 'kết quả thay đổi cuộc chơi'
Vào thứ ba (15/8), PBOC đã hạ lãi suất đối với các khoản vay cơ sở cho vay trung hạn (MLF) một năm đối với một số tổ chức tài chính 0,15 điểm phần trăm xuống 2,5% từ mức 2,65% trước đó.
Các nhà phân tích cho biết động thái này đã mở ra khả năng cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) của Trung Quốc vào tuần tới. Lãi suất mua lại đảo ngược 7 ngày, vốn được coi là lãi suất chính sách ngắn hạn giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 1,8%.
"Ở góc độ vĩ mô, những quyết sách này phần nào hữu ích. Chúng sẽ giúp cải thiện khả năng thanh toán nợ của chính quyền địa phương và các công ty bất động sản thiếu tiền mặt. Nhưng đây không phải là một kết quả thay đổi cuộc chơi, chính phủ cần đẩy mạnh điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô và tập trung vào việc mở rộng nhu cầu trong nước, nâng cao niềm tin và ngăn ngừa rủi ro", Carnell tại ING nói thêm.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 ở mức khoảng 5%, nhưng các nhà phân tích của Nomura cảnh báo, nước này có thể lại trượt mục tiêu như năm ngoái. Việc cắt giảm lãi suất đã thúc đẩy trái phiếu chính phủ và gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.
7. Vẫn chưa thấy tín hiệu lạc quan từ các chính sách
Capital Econom cho biết dữ liệu được công bố vào thứ Ba cho thấy nền kinh tế vẫn đang gặp khó khăn, các dấu hiệu từ dữ liệu không chỉ ra sự thay đổi đáng hy vọng nào trong nửa đầu tháng 8.
Những rắc rối tại nhà phát triển bất động sản Country Garden và Sino Ocean thuộc sở hữu nhà nước đã làm mất niềm tin của người mua nhà và chủ nợ, làm tăng thêm sự ảm đạm cho triển vọng bất động sản. Có phân tích cho rằng, nếu Country Garden vỡ nợ, tác động có thể cũng nghiêm trọng không kém gì Evergrande. Điều này có thể kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt nhà phát triển khác. Ước tính, Country Garden có kế hoạch cung cấp gần 1 triệu căn hộ trên hàng trăm thành phố ở Trung Quốc.
Carnell tại ING nói rằng sẽ cần nhiều biện pháp hơn nữa để xây dựng và triển khai các chính sách nhằm phục hồi kinh tế và mở rộng tiêu dùng.
Chính phủ Trung Quốc đã phác thảo các chương trình thúc đẩy kinh tế nhằm thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu và các doanh nghiệp đầu tư. Nhưng các chi tiết không rõ ràng, đồng thời để lại ấn tượng rằng các chính quyền địa phương sẽ gặp khó khăn với dự luật. Các chính quyền địa phương đang là tâm điểm của những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ. Họ đã vay mượn rất nhiều trong nhiều năm để tài trợ cho việc xây dựng cầu đường và các khu công nghiệp.
"Việc nâng cao hiệu quả của khu vực tư nhân cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng, mặc dù điều này và tất cả các biện pháp từ phía cung sẽ mất nhiều thời gian để phát huy tác dụng. Điệp khúc mệt mỏi kêu gọi nhiều kích cầu hơn khó có thể dừng lại trong thời gian này", Carnell cho biết".
(Nguồn: SCMP)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement