15/08/2023 10:54
Trung Quốc công bố hàng loạt dữ liệu kinh tế đáng ngại
Trung Quốc đã báo cáo dữ liệu tháng 7 nhìn chung không đạt kỳ vọng. Báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia nước này cũng không còn công bố cụ thể tình trạng thất nghiệp ở từng độ tuổi, vốn đã tăng cao kỷ lục trong những tháng gần đây.
Trung Quốc công bố hàng loạt dữ liệu tháng 7/2023 thấp hơn dự báo. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 3.7% so với cùng kỳ, thấp hơn dự báo tăng 4.3% từ các chuyên gia.
Doanh số bán lẻ tăng chậm lại ở mức 2.5%, cũng thấp hơn dự báo 4%. Tăng trưởng ở hoạt động đầu tư tài sản cố định cũng giảm xuống 3.4%, thấp hơn dự báo 3.7%. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tăng từ 5.2% lên 5.3%, theo Reuters.
Đầu tư tài sản cố định đã tăng 3,4% trong bảy tháng đầu năm so với một năm trước, thấp hơn mức dự báo 3,8% theo thăm dò của Reuters.
Trái ngược với các báo cáo trước đó, báo cáo tháng 7 không còn công bố cụ thể tình trạng thất nghiệp ở từng độ tuổi. Trước đó, tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 16-24 tuổi lên mức cao kỷ lục 21.3% trong tháng 6/2023.
Phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết việc ngừng công bố tỷ lệ thanh niên thất nghiệp là do những thay đổi về kinh tế và xã hội, đồng thời để đánh lại cách thức tính toán.
Trong 7 tháng đầu năm, đầu tư bất động sản giảm 8.5% so với cùng kỳ, giảm mạnh hơn so với con số lũy kế của tháng 6/2023.
Doanh số bán lẻ trực tuyến hàng hóa vật chất đã tăng 6,6% trong tháng 7 so với một năm trước, giảm mạnh so với mức tăng hai con số trong những tháng gần đây, theo dữ liệu từ CNBC.
Phân tích về doanh số bán lẻ, mảng nhà hàng khách sạn tăng mạnh nhất 15.8%, trong khi các sản phẩm thể thao và giải trí tăng 2.6%. Các sản phẩm giá trị cao như xe hơi và đồ gia dụng đều giảm so với cùng kỳ.
Lý giải về kết quả ảm đạm của tháng 7, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh tới "bối cảnh rắc rối và phức tạp" ở nước ngoài lẫn nội địa, cũng như nhu cầu nội địa yếu ớt.
"Chúng ta phải tăng cường vai trò của các chính sách vĩ mô trong việc kiểm soát nền kinh tế và đưa ra các nỗ lực mạnh mẽ để thúc đẩy nhu cầu nội địa, vực dậy niềm tin và ngăn chặn rủi ro", Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết.
Tăng trưởng chậm lại, lo ngại giảm phát
Sau khi hồi phục ban đầu từ đại dịch vào đầu năm nay, nền kinh tế Trung Quốc đã phải đối mặt với những vấn đề tồn tại từ lâu và nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm của nước này đang chậm lại.
Xuất khẩu giảm 14,5% so với cùng kỳ trong tháng 7, sau khi giảm 12,4% trong tháng 6. Theo một cuộc khảo sát chính thức, hoạt động của nhà máy đã giảm trong tháng thứ tư liên tiếp vào tháng 7.
Nhu cầu trong nước vẫn im ắng ngoài du lịch hè. Nhập khẩu giảm 12,4% so với cùng kỳ trong tháng 7 và hầu hết giảm theo từng tháng so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ số giá tiêu dùng giảm trong tháng 7 làm tăng thêm lo lắng về giảm phát.
Đè nặng lên nền kinh tế là sự sụt giảm đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản lớn. Những rắc rối trên thị trường bất động sản lại nổi lên hàng đầu với nhà phát triển Country Garden hiện đang trên bờ vực vỡ nợ.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu vào cuối tháng 7 đã báo hiệu một sự thay đổi khỏi cuộc đàn áp đầu cơ bất động sản. Các nhà chức trách đã công bố một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Nhưng cách tiếp cận tổng thể đối với các biện pháp kích thích bổ sung là thận trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.
"Bắc Kinh đã làm một số điều để giảm bớt căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, nó quá chậm và quá ít", Ting Lu, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Nomura cho biết trong một ghi chú hôm 14/8.
"Chúng tôi tin rằng vào thời điểm nào đó, Bắc Kinh sẽ buộc phải đưa ra thêm biện pháp kích thích để ngăn vòng xoáy suy giảm".
Hoạt động của nhà máy trong tháng 7 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3, trong khi CPI cơ bản, loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, thực sự đã tăng nhanh nhất trong tháng 7 kể từ tháng 1.
(Nguồn: CNBC)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp