Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

100 ngày chiến sự Israel-Hamas: Cục diện rối ren và khó đoán

Quân sự

14/01/2024 14:19

Hôm nay (14/1), cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel và Lực lượng Hamas tại dải Gaza bước sang ngày thứ 100, Israel tiếp tục ném bom vào Dải Gaza vào thứ Bảy, thề sẽ tiếp tục cuộc tấn công nhằm tiêu diệt phong trào Hồi giáo Hamas khi cuộc chiến vẫn không có hồi kết.

Israel tăng áp lực quân sự lên Hamas

Quy mô của các chiến dịch tấn công tại các vùng đô thị của dải đất này cùng với tình hình nhân đạo ngày càng nghiêm trọng khiến Israel đứng trước sức ép quốc tế trong việc giảm thiểu thiệt hại cho dân thường cũng như nhanh chóng thực hiện một lệnh ngừng bắn.

Ngày 13/1, tại cuộc họp báo ở Tel Aviv (Israel), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định không ai có thể ngăn cản Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas. Hơn 3 tháng kể từ khi giao tranh nổ ra, Israel vẫn luôn duy trì thái độ cứng rắn đối với việc tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hamas.

"Chúng tôi đang trên đường đến chiến thắng và chúng tôi sẽ không thỏa hiệp và không dừng lại cho đến khi giành được chiến thắng", ông Netanyahu tuyên bố.

100 ngày chiến sự Israel-Hamas: Cục diện rối ren và khó đoán- Ảnh 1.

Nhiều khu vực tại Dải Gaza đã thành bình địa sau các cuộc tấn công của Israel. Ảnh: Reuters

Israel tuyên bố tiêu diệt nhiều chiến binh Hamas ở khu vực phía nam Khan Younis và ở miền trung Dải Gaza. Ở khu vực miền trung Dải Gaza, người dân địa phương cho biết các cuộc đấu súng và pháo kích bằng xe tăng cũng như các cuộc không kích của Israel ở Al-Bureij, Al-Nusseirat và Al-Maghazi diễn ra dữ dội.

Thủ tướng Netanyahu chỉ trích việc Nam Phi kiện Israel ra Tòa án Công lý Quốc tế là "cuộc tấn công đạo đức giả" và cho rằng Nam Phi ủng hộ những "đối tượng giết trẻ em" trong khi Israel đang chiến đấu vì "công bằng và đạo đức".

Khủng hoảng an ninh lan rộng khắp Trung Đông 

Cuộc xung đột Israel-Hamas đã và đang gây ra những hệ lụy nguy hiểm về an ninh với toàn khu vực Trung Đông.

Tại khu vực biên giới giữa Israel và Lebanon, một ngày sau khi Israel phát động chiến dịch không kích vào Gaza, hôm 8/10/2023, lực lượng Hezbollah tại Lebanon đã nã pháo vào trang trại Shebaa do Israel kiểm soát. 

Các cuộc bắn phá qua biên giới giữa hai bên đã cướp đi mạng sống của gần 200 người, chủ yếu là phía Lebanon, và ngày càng tiến gần hơn tới giới hạn của một cuộc xung đột vũ trang toàn diện tương tự như cuộc chiến mùa hè năm 2006 khiến hàng nghìn người thương vong.

Bất ổn cũng ngày càng gia tăng nghiêm trọng tại khu vực Biển Đỏ. Một ngày sau khi Mỹ, Anh tấn công dồn dập vào 28 điểm và hơn 60 mục tiêu Houthi ở Yemen, quân đội Mỹ tiếp tục thực hiện một cuộc không kích với quy mô nhỏ hơn, phóng tên lửa vào một địa điểm khác của lực lượng này. 

100 ngày chiến sự Israel-Hamas: Cục diện rối ren và khó đoán- Ảnh 2.

Các tay súng Houthi mới được chiêu mộ trong buổi lễ kết thúc khóa huấn luyện ở Sanaa - Yemen hôm 11/1. Ảnh: Reuters

Trước đó, trong ngày 12/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo lực lượng Houthi ở Yemen có thể sẽ phải đối mặt với các cuộc không kích thêm từ Washington.

Khuyến cáo được đưa ra khi lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố sẽ đáp trả quyết liệt các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu, làm tăng thêm nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột rộng hơn ở khu vực vốn bị bao vây bởi cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Ngoài tác động trực tiếp tới an ninh khu vực trên thực địa, cuộc xung đột Israel-Hamas còn khiến nhiều mối quan hệ bang giao quốc tế rơi vào tình trạng khủng hoảng. 

Trong đó, nhà nước Israel ngày càng bị cô lập, thậm chí là bị thù ghét, ở không chỉ khu vực Trung Đông, mà tại nhiều nơi trên thế giới. Ả Rập Saudi, các quốc gia Hồi giáo và nhiều nước bên thứ 3, đã phản đối và lên án chiến dịch tấn công của Israel vào dải Gaza.

Saudi đã quyết định đình lại vô thời hạn tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ với Israel, trong khi một số quốc gia triệu hồi đại sứ tại Tel Aviv về nước để bày tỏ sự phản đối. Bolivia trở thành quốc gia đầu tiên quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel.

Một số khảo sát chỉ ra rằng tâm lý thù hận người Israel đang tăng lên một cách đáng lo ngại trong dân chúng các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo.

100 ngày chiến sự Israel-Hamas: Cục diện rối ren và khó đoán- Ảnh 3.

Những người ủng hộ Palestine mang cờ Palestine tại cuộc diễu hành trong cuộc biểu tình kỷ niệm lần thứ 112 của Quốc hội Châu Phi (ANC) ở Mbombela, Nam Phi vào 12/1. Ảnh: aljazeera

Chiến sự tại Gaza còn làm bùng phát vòng xoáy bạo lực nghiêm trọng tại khu Bờ Tây, đồng thời kéo theo làn sóng tấn công vũ trang với tần suất chưa từng có nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria.

Một số nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột còn đang tạo cơ hội cho chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy mạnh mẽ tại Trung Đông, đứng đầu là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng – thủ phạm của vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Iran hôm 3/1 vừa qua khiến hơn 300 người thương vong.

Chiến sự đẫm máu, hệ thống y tế sụp đổ tại Dải Gaza

Toàn bộ phía Bắc Dải Gaza trở nên tan hoang sau các cuộc không kích và pháo kích. Ngày 13/1, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths cho biết, những bức tranh thảm khốc về phía Bắc Dải Gaza liên tục được các nhân viên của tổ chức này báo cáo. 

Nhiều dân thường đang phải sống trong tình trạng kinh hoàng khi không còn gì để ăn. Nguy cơ nạn đói đã lên đến đỉnh điểm và hệ thống y tế hầu như đã sụp đổ, số ca mắc bệnh truyền nhiễm ngày càng gia tăng.

100 ngày chiến sự Israel-Hamas: Cục diện rối ren và khó đoán- Ảnh 4.

Bệnh nhân và dân thường tị nạn trong bệnh viện Al-Shifa ở Gaza City ngày 10/11. Ảnh: AFP

Theo ông Martin Griffiths, những nỗ lực của các nhóm cứu trợ Liên hợp quốc trong việc gửi các đoàn xe nhân đạo tới miền Bắc Gaza "đã vấp phải sự chậm trễ, bị từ chối và áp đặt các điều kiện bất khả thi". Những nỗ lực cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho các khu vực khác của Dải Gaza cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cảnh báo nguy cơ tất cả các bệnh viện ở Dải Gaza phải ngừng hoạt động hoàn toàn, do thiếu nhiên liệu, thuốc men và thiết bị y tế.

Bác sĩ Mohammad Al-Qidra cho biết: "Hầu hết các vật tư y tế trong ICU đều bị thiếu. Chúng tôi không có giường trống, không có phương pháp điều trị. Hầu hết thuốc trong phòng cấp cứu đều không đủ cho bệnh nhân. Ai đó hãy chỉ chúng tôi cách nào tìm giải pháp thay thế".

ICRC cũng kêu gọi bảo vệ tất cả các cơ sở và nhân viên y tế ở Dải Gaza theo luật nhân đạo quốc tế, trong bối cảnh các cuộc tấn công liên tiếp xảy ra ở vùng lãnh thổ này. Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ có 13 trong tổng số 36 bệnh viện ở Dải Gaza còn có thể hoạt động cầm chừng.

(Nguồn: The Times of Israel)

TÚC
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement