Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 16% trong 10 tháng đầu năm

Phân tích

03/11/2022 12:28

Khi hàng hóa Việt được đón nhận tại thị trường Indonesia, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng tiếp cận được thị trường 2,2 tỉ người Hồi giáo tại 112 quốc gia trên thế giới.

Xuất khẩu 10 tháng năm 2022 của Việt Nam tăng trưởng gần 16% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mục tiêu kế hoạch đề ra, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 312,8 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.

Đây là cơ sở để kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm có thể vượt cao hơn nhiều so với năm ngoái và tiếp tục có xuất siêu. Song, Bộ Công Thương - cơ quan quản lý nhà nước đã chỉ ra rất nhiều khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp phải.

TP.HCM tận dụng cơ hội thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Á - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp tận dụng cơ hội thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: TTXVN.

Đồng USD tăng giá gây tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu do hiện nay nước ta phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, nhất là các ngành dệt may, da giày, điện tử, nhựa… Tỷ lệ mất giá của đồng VND so với đồng USD trong xu hướng mất giá chung làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với nhiều nước khác (như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...).

Cùng với đó, các đơn đặt hàng từ phía nhà nhập khẩu có xu hướng giảm do tác động tiêu cực của lạm phát cao ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... kết hợp với lượng hàng tồn kho cao tại các hệ thống bán lẻ sẽ làm giảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu, theo VOV.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch COVID-19 và căng thẳng Nga - Ukraina đang khiến các nước lân cận chuyển hướng tìm kiếm nhà cung cấp từ Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng mở rộng thị trường châu Á.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, đơn vị này đang triển khai nhiều chương trình đưa doanh nghiệp Việt Nam sang các nước trong khối ASEAN khảo sát, gặp gỡ một số nhà nhập khẩu để kết nối mở rộng thị trường cho nông sản Việt.

Ngay khi hoạt động giao thương được kết nối trở lại sau đại dịch COVID-19, ITPC đã tổ chức chuỗi hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường Malaysia, Indonesia và Philippines. Qua đó, phía Malaysia cho biết, nước này đang thiếu hụt nguồn cung thịt gà và gạo nên muốn mở rộng nhập khẩu từ thị trường Việt Nam. Riêng mặt hàng gạo, nước này đã nâng hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam từ 520.000 tấn/năm lên 700.000 tấn/năm trong bối cảnh Nga, Ukraina ngừng xuất khẩu lúa mì.

Sau các chương trình xúc tiến giao thương vừa qua, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM cho biết, các nhà mua hàng Indonesia, Malaysia thậm chí đặt vấn đề với doanh nghiệp Việt xây dựng nhà xưởng riêng để sản xuất hàng theo tiêu chuẩn Halal (tiêu chuẩn trong cộng đồng người Hồi giáo).

TP.HCM tận dụng cơ hội thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Á - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC đánh giá tiềm năng xuất khẩu vào Maylaysia và Indonesia phục vụ cộng đồng người Hồi giáo là rất lớn. Riêng thị trường Indonesia, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal có thể đạt 330 tỉ USD vào năm 2025, theo chinhphu.vn.

Và khi hàng hóa Việt được đón nhận tại thị trường Indonesia, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng tiếp cận được thị trường 2,2 tỉ người Hồi giáo tại 112 quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về thuế suất ưu đãi xuất khẩu sang Malaysia khi nước này vừa phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP.

Trong khi đó, phía Philipines đặt vấn đề tìm kiếm nhà cung cấp từ Việt Nam cho một số sản phẩm vật liệu xây dựng và sản xuất ô tô điện. Ước tính nhu cầu các loại xe ô tô điện của Philipines khoảng 24.000 xe ngay trong năm tới và có thể tăng lên trên 35.000 xe vào năm 2027. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô điện của Việt Nam. Ngoài ra, Philippines cũng tìm kiếm nguồn cung khoáng sản phục vụ sản xuất pin xe điện.

Trước cơ hội mở rộng giao thương như vậy, Philippines dự kiến thành lập Văn phòng thương mại và đầu tư tại TP.HCM và phục hồi lại Phòng Thương mại Philippines - Việt Nam và Phòng Công nghiệp tại TP.HCM.

Không chỉ các nước ASEAN, khu vực Vịnh lớn của Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam.

Cuối tháng 10 vừa qua, tại TP.HCM, cơ quan xúc tiến đầu tư Hongkong (Trung Quốc) đã tổ chức diễn đàn giới thiệu Cơ hội đầu tư và kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam vào khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hongkong - Macau (GBA).

Theo đánh giá của ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI tại TP.HCM, hoạt động giao thương của Việt Nam gắn bó chặt chẽ với khu vực Vịnh lớn - một thị trường với 86 triệu dân. Trong đó, ông Liêm đánh giá cao cơ hội từ đặc khu hành chính Hồng Kông, bởi đặc khu này giữ vai trò trung tâm tài chính, giao thông, thương mại và hàng không quốc tế của khu vực Vịnh lớn, cũng như toàn thế giới, là cổng kết nối quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại khu vực Vịnh lớn cũng như thị trường Trung Quốc.

Ông Trần Ngọc Liêm cho biết, Hongkong hiện là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ bảy của Việt Nam, trong khi Việt Nam luôn xuất siêu hàng hóa sang Hongkong. Năm 2020, sau một năm tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hongkong, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hongkong đạt 11,5 tỷ USD tăng 36,4% so với năm 2020. Năm 2021, dù ảnh hưởng đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 bên vẫn tiếp tục tăng 18%, trong đó Việt Nam xuất siêu sang Hongkong 10,4 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2020.

Hongkong hiện có trên 2.000 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trên 28,6 tỷ USD, đứng thứ 5/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Hongkong còn rất khiêm tốn, chỉ có 26 dự án với tổng số vốn đầu tư 48,5 triệu USD.

Theo bà Võ Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM, việc xuất nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đi các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc qua cửa ngõ Hồng Kông đều có lợi thế về chi phí logistics. Hongkong đã kết nối đường bộ trực tiếp đến Macao và Quảng Đông, do vậy, với hàng nông - thủy sản từ Việt Nam cần vận chuyển nhanh vào Trung Quốc thì trung chuyển qua Hongkong rất thuận lợi.

Ngoài ra, dịch vụ hải quan cùng với hệ thống hạ tầng cảng cũng là một lợi thế cạnh tranh của đặc khu hành chính này. Việc các doanh nghiệp logistics Việt Nam mở văn phòng tại Hongkong sẽ gia tăng giá trị cạnh tranh cho khách hàng cũng như phát triển vào các thị trường lớn như Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement