14/08/2021 10:49
WHO kết luận 'bệnh nhân số 0' có thể là nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán
Tiến sĩ Peter Ben Embarek, trưởng phái đoàn điều tra của WHO về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, cho biết bệnh nhân số 0 có thể là nhà khoa học hoặc nhân viên nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Tiến sĩ Peter Ben Embarek là trưởng phái đoàn điều tra được WHO cử đến Trung Quốc đầu năm nay để nghiên cứu về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Mới đây, ông xuất hiện trong cuộc phỏng vấn với đài TV2 (Đan Mạch) và có những chia sẻ bất ngờ xoay quanh quá trình điều tra.
Khi được hỏi về giả thiết virus SARS-CoV-2 có thể lây từ dơi sang người, Tiến sĩ Peter Ben Embarek cho biết "bệnh nhân số 0" có thể là nhà khoa học hoặc nhân viên nghiên cứu về dơi tại phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.
"Một nhân viên phòng thí nghiệm bị nhiễm bệnh tại hiện trường khi đang thu thập mẫu trong hang dơi. Đó là khi virus nhảy từ dơi sang người. Trong trường hợp đó, khả năng có thể rơi vào một nhân viên phòng thí nghiệm hơn là một người dân làng ngẫu nhiên, hay một người thường xuyên tiếp xúc với dơi nào đó", ông Embarek nói.
Trong các bình luận khác trong cuộc phỏng vấn, Ben Embarek cho rằng có thể có "lỗi của con người" nhưng hệ thống chính trị Trung Quốc không cho phép các cơ quan chức năng điều tra thêm".
"Có thể có lỗi của con người đằng sau sự kiện này và họ không vui khi phải thừa nhận điều đó", Ben Embarek nói.
"Toàn bộ hệ thống tập trung rất nhiều vào việc không thể sai lầm và mọi thứ phải hoàn hảo. Cũng có thể ai đó muốn che giấu điều gì phía sau", ông nói thêm.
Kết luận ban đầu của nhóm điều tra được WHO cử đến Vũ Hán
Ngày 9/2/2021, trong cuộc họp báo ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, để báo cáo về những phát hiện sau 2 tuần điều tra về nguồn gốc của dịch bệnh ở địa điểm này, Tiến sĩ Embarek và đoàn chuyên gia của WHO đã đưa ra 4 giả thuyết khác nhau về cách lần đầu tiên virus lây lan sang người.
Nhóm nghiên cứu cho biết, khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán là "gần như không thể".
Ông Embarek nói: "Những phát hiện của chúng tôi đã chứng minh rằng giả thuyết về việc virus 'rò rỉ' từ phòng thí nghiệm là điều gần như không thể. Do đó các nghiên cứu trong tương lai về nguồn gốc của virus [SARS-CoV-2] không nên tập trung vào hướng này".
Ông Embarek và các đồng nghiệp đều nhất trí rằng Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán ở trong tình trạng rất tốt, và "rất khó xảy ra sự rò rỉ từ một nơi như vậy".
Việc xảy ra tai nạn trong phòng thí nghiệm "là điều cực kỳ hiếm gặp", ông Embarek nói.
Bên cạnh đó, giả thuyết virus được nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua thực phẩm đông lạnh cũng ít có khả năng xảy ra.
Cuối cùng, ông Embarek cùng các đồng nghiệp trong đoàn điều tra cho rằng con đường lây nhiễm qua vật chủ trung gian (động vật) là khả thi nhất, do đó các nhà khoa học cần đào sâu nghiên cứu cụ thể hơn về khả năng này.
Tuy nhiên, tại cuộc họp công bố báo cáo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, "giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán" cần được nghiên cứu kĩ hơn.
“Mặc dù nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng rò rỉ trong phòng thí nghiệm là giả thuyết ít có khả năng xảy ra nhất, nhưng điều này đòi hỏi phải điều tra thêm”, ông Tedros nói.
Trung Quốc cho rằng "nghiên cứu đã bị chính trị hóa" và phản đối điều tra giai đoạn 2
Ngày 16/7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đề xuất cử một nhóm chuyên gia khác đến Trung Quốc để thực hiện giai đoạn hai của cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
WHO cho biết, giai đoạn đầu tiên của cuộc điều tra đã bị ảnh hưởng vì thiếu dữ liệu thô trong vài ngày đầu tiên sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc.
WHO cũng đã kêu gọi phía Trung Quốc minh bạch đối với cuộc điều tra.
Tuy nhiên, trước lời kêu gọi này, phía Trung Quốc đã kiên quyết phản đối và lên án những tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với giai đoạn hai điều tra nguồn gốc Covid-19 là sự xúc phạm.
"Cho tới ngày 31/12/2019, Viện Virus học Vũ Hán chưa bao giờ nghiên cứu hay tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Viện Virus học Vũ Hán chưa bao giờ tổng hợp, tạo ra hay làm rò rỉ virus này ra bên ngoài. Bên cạnh đó, không có nhân viên hay nghiên cứu sinh nào của viện mắc Covid-19 cho tới thời điểm đó", đại diện Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc cho hay trong một cuộc họp báo.
"Các nhà khoa học đều nhất trí rằng Covid-19 có nguồn gốc tự nhiên. Các chuyên gia đã công bố nhận định trên cho biết không có bằng chứng nào về nguồn gốc nhân tạo của Covid-19 và sự rò rỉ virus này khỏi phòng thí nghiệm", đại diện Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc cho biết.
Trong tuyên bố vào hôm 12/8, WHO cho biết Trung Quốc và các quốc gia thành viên Liên hợp quốc giấu tên đã viết thư cho tổ chức này, để đặt câu hỏi về cơ sở nghiên cứu sâu hơn về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 liên quan đến các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Những người chỉ trích cuộc điều tra cho rằng "nghiên cứu đã bị chính trị hóa, hoặc WHO đã hành động do áp lực chính trị".
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ ngày 5/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã bình luận rằng "thân phận" của những người mang danh "nhà khoa học quốc tế" yêu cầu điều tra về nguồn gốc COVID-19 cần được xem xét lại.
Ông Uông nhấn mạnh rằng đây không phải lần đầu tiên những người mang danh "các nhà khoa học quốc tế" đưa ra yêu cầu điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Nghiên cứu do WHO đứng đầu chỉ là một điểm của cuộc điều tra đang diễn ra. Vào cuối tháng này, cộng đồng tình báo Hoa Kỳ dự kiến sẽ hoàn thành việc xem xét bằng chứng về nguồn gốc của coronavirus sau 90 ngày điều tra.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement