04/07/2024 16:23
WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan giảm
WB dự báo nền kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, giảm so với mức dự báo tăng 2,8% hồi tháng Tư vừa qua do xuất khẩu và đầu tư công trong những tháng đầu năm yếu hơn dự kiến.
Ngày 3/7, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, giảm so với mức dự báo tăng 2,8% đưa ra hồi tháng 4 vừa qua.
Nguyên nhân chủ yếu là do xuất khẩu và đầu tư công trong những tháng đầu năm yếu hơn dự kiến.
Trong một tuyên bố, WB cho biết tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sẽ được thúc đẩy nhờ chi tiêu tiêu dùng, sự phục hồi đáng kể của ngành du lịch và xuất khẩu.
Thủ tướng Srettha Thavisin đã vướng vào một cuộc đấu đá ngày càng leo thang với BOT, vốn đã bất chấp áp lực từ chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc cắt giảm lãi suất.
Áp lực lạm phát dai dẳng từ việc trợ cấp năng lượng thấp hơn và sự thiếu rõ ràng về khoản tiền mặt 13,5 tỷ USD của chính phủ đã làm phức tạp quyết định chính sách của BOT, Kiatipong Ariyapruchya, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới cho biết.
"Với những bất ổn hiện tại, ngân hàng trung ương nên giữ nguyên lãi suất và chờ mọi thứ sáng tỏ trước khi thực hiện hành động chính sách, có thể là cắt giảm hoặc giữ nguyên lãi suất", Kiatipong phát biểu tại một hội thảo ở Bangkok vào ngày 3/7.
Thủ tướng đã cáo buộc BOT gây tổn hại đến nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất 200 điểm cơ bản từ tháng 8/2022 đến tháng 9/2023, khiến chi phí đi vay lên mức cao nhất trong thập kỷ là 2,5%.
Tăng trưởng của Thái Lan đã tụt hậu so với các nước láng giềng trong thập kỷ qua, trung bình dưới 2%, trong khi ghi nhận tỷ lệ nợ hộ gia đình cao nhất trong khu vực ở mức trên 90%.
Lãnh đạo đảng cầm quyền Paetongtarn Shinawatra đã mô tả quyền tự chủ của ngân hàng trung ương là một "rào cản" đối với việc giải quyết các vấn đề kinh tế của Thái Lan.
Tháng trước, Thống đốc Sethaput Suthiwartnarueput cho biết những bất đồng về chính sách tiền tệ và tài khóa bắt nguồn từ "vai trò khác nhau" của ban lãnh đạo Ngân hàng Thái Lan và chính phủ nước này.
Ngân hàng trung ương đã phản đối áp lực của chính phủ, lập luận rằng nền kinh tế đã bắt đầu tăng tốc và lưu ý đến những rủi ro của chương trình phát tiền mặt. Vào tháng 1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết lập trường trung lập của BOT vẫn phù hợp và thực sự đề xuất các cơ quan chức năng sẵn sàng thắt chặt nếu cần.
Về phần mình, Thống đốc Sethaput đã kêu gọi chính phủ thực hiện các cải cách cơ cấu dài hạn hơn và cung cấp nhiều đầu tư hơn để thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm tinh giản các quy định kinh doanh và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do hơn để thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy nhiên, một cuộc đánh giá chung về mục tiêu lạm phát 1%-3% của ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính được lên kế hoạch vào tháng 8 và tháng 9.
Ngân hàng Thế giới dự báo lạm phát của Thái Lan sẽ đạt mức trung bình 0,7% trong năm nay, mức chậm nhất trong khu vực do giá thực phẩm và năng lượng thấp hơn dự kiến, trước khi tăng lên 1,1% vào năm 2025.
Trong khi nợ công của Thái Lan được dự báo sẽ vẫn bền vững, chính phủ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng đối với chi tiêu xã hội và đầu tư công để hỗ trợ dân số già hóa. Ngân hàng Thế giới ước tính tăng trưởng GDP tiềm năng của quốc gia này là 2,7%, thậm chí có thể tăng thêm 1 điểm phần trăm nếu đầu tư tăng, Kiatipong cho biết.
(Nguồn: Bloomberg)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement