01/11/2022 17:44
Vietnam Airlines lỗ hơn 2.500 tỷ đồng trong quý 3, nguy cơ bị huỷ niêm yết
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu đạt 21.267 tỷ đồng, tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp bắt đầu dương trở lại.
Doanh thu hồi phục mạnh, nhưng chưa đủ để giúp hãng hàng không quốc gia thoát lỗ. Quý 3/2022, Vietnam Airlines (HOSE: HVN) lỗ 2.547 tỷ đồng, đánh dấu 11 quý thua lỗ liên tiếp và càng làm tăng nguy cơ cổ phiếu bị hủy niêm yết.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 560 triệu đồng còn 186 triệu đồng. Tuy nhiên, các chi phí đều tăng. Cụ thể, chi phí tài chính tăng gấp 3 lần lên 1.464 tỷ đồng; chi phí bán hàng cũng tăng gấp 3 lần lên 851 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 44% lên 503 tỷ đồng.
Kết quả, Vietnam Airlines báo lỗ 2.547 tỷ đồng trong quý 3, giảm 39% so với con số của quý 3 năm ngoái là 3.531 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 2.623 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm nay, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần đạt 51.387 tỷ đồng, tăng 172% so với cùng kỳ. Tổng công ty Hàng không Việt Nam bao gồm 3 hãng bay là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco đã khai thác tổng cộng hơn 106.000 chuyến bay, tăng trưởng 118% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế của hãng hàng không quốc gia vẫn âm 7.784 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức này giảm đáng kể so với con số lỗ 12.153 tỷ đồng cùng kỳ 2021.
Trong giải trình, hãng hàng không quốc gia cho biết thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga - Ukraina kéo dài và các rủi ro tài chính như tỷ giá, lãi suất gia tăng. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý 3 và 9 tháng năm 2022.
Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 62.576 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Hãng hàng không lớn nhất cả nước ghi nhận vốn chủ sở hữu âm 7.511 tỷ đồng và lỗ lũy kế 31.547 tỷ đồng.
Hiện hãng hàng không với biểu tượng sen vàng đang chịu áp lực thanh khoản rất lớn trong ngắn hạn.
Cuối tháng 9/2022, Vietnam Airlines nắm giữ gần 3.800 tỷ đồng tiền mặt và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Khoản phải thu tăng lên 4.500 tỷ, còn hàng tồn kho ở mức hơn 3.500 tỷ đồng.
Nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines lên hơn 50.000 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 14.500 tỷ đồng. Cuối quý 3, Vietnam Airlines ghi nhận vốn chủ sở hữu âm 7.500 tỷ đồng và lỗ lũy kế 31.500 tỷ đồng. Điều này có nghĩa hãng hàng không quốc gia đang đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết.
Theo quy định tại Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng đã lưu ý đến khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines.
Để tránh hủy niêm yết, Vietnam Airlines cho biết sẽ thoái vốn khỏi Pacific Airlines. Nếu thực hiện thành công, phương án này sẽ có tác động rất tích cực tới số liệu tài chính của Vietnam Airlines. Trong đó, hãng có thể giảm lỗ lũy kế vì nắm 98% vốn của Pacific Airlines mà Pacific Airlines đang lỗ 7.000-8.000 tỷ đồng.
Nếu tìm được nhà đầu tư mua cổ phần Pacific, Vietnam Airlines sẽ có thêm nguồn thu nhập tài chính cũng như dòng tiền. Tuy nhiên, việc thoái vốn khỏi hãng bay giá rẻ này đang gặp mâu thuẫn về quy trình giữa các văn bản luật, dù có 3 nhà đầu tư muốn tham gia thương vụ.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement