17/10/2024 20:07
Việt Nam có thể hiện thực hóa tham vọng về chất bán dẫn như thế nào?
Việt Nam vừa công bố chiến lược quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng một ngành bán dẫn mạnh mẽ.
Trang thediplomat.com ngày 16/10 nhận định, dựa vào sự ổn định chính trị, lợi thế nhân khẩu học và quan hệ ngoại giao hài hòa, Việt Nam có tiềm năng để phát triển thành một nhân tố quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
Tuy nhiên, thành công phụ thuộc vào khả năng Việt Nam điều hướng các căng thẳng địa chính trị, ứng phó các thách thức về môi trường và đầu tư vào lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng.
Tập trung vào lĩnh vực kinh doanh độc đáo
Khát vọng của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn xuất hiện vào thời điểm ngành công nghiệp toàn cầu đang bão hòa và cạnh tranh khốc liệt. Các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Malaysia đã có mặt trong chuỗi lắp ráp/đóng gói/thử nghiệm (APT) bán dẫn từ nhiều thập niên qua.
Tuy nhiên, Việt Nam có một số lợi thế. Thứ nhất, Việt Nam có môi trường chính trị nhất quán và dễ dự đoán – điều đặc biệt được các công ty nước ngoài muốn tham gia lâu dài vào ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ tại Việt Nam coi trọng.
Thứ hai, Việt Nam có lợi thế kinh tế mạnh mẽ nhờ dân số trẻ và nguồn nhân lực dồi dào, trong khi các trung tâm bán dẫn lớn như Mỹ và Hàn Quốc có nguy cơ thiếu hụt lao động nghiêm trọng vào năm 2030.
Thứ ba, Việt Nam duy trì quan điểm chiến lược trung lập và quan hệ ngoại giao nồng ấm với các đối tác chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và nhờ đó sẽ ngày càng nổi lên như một trung tâm bán dẫn hàng đầu.
Các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà Việt Nam đã ký kết thiết lập nền tảng cho hợp tác kinh doanh sâu sắc hơn, thể hiện ở số lượng các thỏa thuận kinh doanh ngày càng tăng. Nhờ tận dụng các hình thức ngoại giao kinh tế, Việt Nam có được vị thế chiến lược trong cuộc đua bán dẫn toàn cầu và giảm thiểu những bất lợi vì tham gia muộn.
Những thách thức tiềm ẩn
Tuy nhiên, ngay cả khi đã có các mối quan hệ ngoại giao nồng ấm, Việt Nam vẫn cần thận trọng. Có rất nhiều cạm bẫy địa chính trị tiềm ẩn, trong đó đáng kể nhất là mối quan hệ của Việt Nam với cả Mỹ và Trung Quốc.
Áp lực chọn phe ngày càng tăng đồng nghĩa là hành động cân bằng của Việt Nam sẽ bị giám sát nhiều hơn khi Hà Nội tìm cách tiếp thu kiến thức và năng lực cần thiết để tiến lên trong chuỗi giá trị bán dẫn.
Ngay khi Việt Nam bắt đầu tham gia cuộc đua toàn cầu thì đã có những quốc gia khác sẵn sàng cạnh tranh và áp dụng các chiến lược tương tự. Ấn Độ là một "vựa" nhân tài quan trọng trong khi những quốc gia như Malaysia và Indonesia có lợi thế khi thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam có nguy cơ mất đà nếu không tận dụng được những lợi thế tốt nhất của mình và tăng tốc.
Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng APT đúng vào thời điểm yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững trên toàn cầu ngày càng khắt khe. Ngành bán dẫn có lượng khí thải carbon cao và chịu sự giám sát chặt chẽ hơn.
Do đó, Việt Nam cũng phải nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng hiện có, để vừa đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, vừa mở rộng vai trò trong ngành bán dẫn toàn cầu.
Nếu có thể tháo gỡ những thách thức này và nắm bắt được lợi thế cạnh tranh, Việt Nam sẽ có vị thế tốt để tận dụng những thay đổi đang diễn ra trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement