09/02/2021 00:33
Vì sao Việt Nam đứng đầu về cách quản trị đất nước trước đại dịch COVID-19?
Theo tạp chí Nikkei Asian, giữa làn sóng COVID-19, Việt Nam và Đài Loan có bước đột phá trong việc quản lý thành công. Qua đó chứng minh một thực tế vốn gây tranh cãi bấy lâu nay, yếu tố quan trọng nhất khi điều hành một quốc gia, hay một vùng lãnh thổ không được quyết định bởi các thể chế nhà nước mà bởi cách quản trị.
Mặc dù Việt Nam và Đài Loan đều có thể chế chính trị khác nhau, nhưng cả hai đều đạt được mức tăng trưởng kinh tế tích cực vào năm ngoái. Đồng thời bảo vệ thành công người dân khỏi những tác động tồi tệ nhất của COVID-19.
Nói rõ hơn về cách quản trị, truyền thông Nhật Bản nhấn mạnh 3 yếu tố tương hỗ để giải thích rõ nhất thành công và khả năng phục hồi đáng kể của Việt Nam và Đài Loan trong năm 2020.
Đầu tiên là sự gắn kết xã hội, cụ thể là mức độ tin tưởng cao giữa các công dân cũng như các nhà lãnh đạo chính trị của họ. Từ việc đeo khẩu trang đến vệ sinh cơ bản và tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội, cả hai đều thể hiện mức độ hợp tác xã hội rất cao.
So với các quốc gia khác như Philippines, Mỹ và các nước Trung Đông, trong khi họ đang gồng mình chống dịch bằng hàng loạt các biện pháp phòng chống, thậm chí lập các chốt chặn nghiêm ngặt và lâu nhất thế giới thì Việt Nam và Đài Loan vẫn an toàn trước COVID-19.
Do đó, yếu tố thứ 2 quyết định sự thành công trước đại dịch là yếu tố lãnh đạo của người đứng đầu hệ thống chính trị. Theo tờ Nikkei Asian, đây là yếu tố sống còn.
Bàn sâu về vấn đề này, tác giả bài viết nhắc đến nét tư tưởng Nho giáo, vốn đặt nặng nghĩa vụ công dân và tôn trọng các giá trị cộng đồng. Và chính quyền do bà Tsai Ing-wen lãnh đạo ở Đài Loan và ông Nguyễn Phú Trọng ở Việt Nam đều là cơ sở của năng lực dân chủ.
Cụ thể, cả 2 đều đã chủ động điều hướng cuộc khủng hoảng COVID-19 bằng cách nhấn mạnh vào khoa học và giáo dục công, cũng như sự hợp tác bền vững giữa các cấp chính quyền và xã hội dân sự. Điều đáng chú ý hơn chính là Việt Nam và Đài Loan luôn bình tĩnh, không lo sợ trước việc nhanh chóng đóng cửa biên giới với Trung Quốc trong giai đoạn đầu của đại dịch.
Dẫn chứng thêm với cách quản trị của các quốc gia khác, Tổng thống Indonesia Joko Widodo chủ yếu dựa vào các tướng lĩnh không có nền tảng y tế vững chắc để quản lý cuộc khủng hoảng, trong khi Thủ tướng Ấn Độ theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của Ấn Độ Narendra Modi không ngần ngại chia sẻ các kỹ thuật yoga của mình trong thời kỳ đại dịch bùng phát.
Yếu tố quan trọng cuối cùng là sức mạnh và chất lượng của các thể chế nhà nước. Theo tờ Nikkei Asian nhận xét, sau nhiều thập kỷ cải cách tự do, nhiều nước phương Tây đã chứng kiến sự xói mòn đều đặn của các thể chế nhà nước. Do đó, việc xử lý cuộc khủng hoảng COVID-19 tương đối kém ở những nơi như Anh và Mỹ không phải là một bất ngờ lớn.
Có thể thấy, Việt Nam và Đài Loan đã duy trì các trạng thái phát triển mạnh mẽ, cho phép họ phối hợp ứng phó với khủng hoảng, hỗ trợ đầy đủ và truyền cảm hứng cho sự hợp tác từ người dân, đồng thời duy trì năng suất công nghiệp cao ngay cả trong bối cảnh suy thoái toàn cầu.
Sự bùng nổ xuất khẩu được nhà nước hậu thuẫn và kích thích nội địa mạnh mẽ đã cho phép Đài Loan và Việt Nam tăng trưởng ở mức trên 2% trong năm ngoái, một kỳ tích đáng kể khi so sánh với mức giảm 2 con số ở các nước láng giềng Philippines và Ấn Độ.
Trên thực tế, Đài Loan và Việt Nam cũng được kỳ vọng là một trong những quốc gia đầu tiên có khả năng miễn dịch cộng đồng tốt và đạt được thành công trong việc tiêm chủng vaccine COVID-19 hàng loạt. Đây cũng là một tín hiệu tích cực cho sự phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu COVID-19.
Nhìn chung, Việt Nam và Đài Loan đã đột phá, nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực lãnh đạo chính trị, vốn xã hội và năng lực nhà nước có thẩm quyền, không chỉ trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn trong những năm và thập kỷ tới.
Chủ đề liên quan
Advertisement