22/09/2022 14:44
Vì sao Facebook âm thầm 'ép' nhân viên nghỉ việc?
Meta, công ty mẹ của Facebook đang tìm cách giảm chi phí ít nhất 10%, những nguồn tin cho biết, trong khi Google yêu cầu một số nhân viên nộp đơn xin việc mới.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), Meta Platforms đang lên kế hoạch tiết kiệm ít nhất 10% chi phí trong những tháng tới thông qua việc cắt giảm nhân sự. Nguồn tin của WSJ cho biết giảm tốc tăng trưởng và gặp phải ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh đã khiến công ty mẹ của Facebook phải đi đến quyết định trên.
Theo WSJ, những quản lý hiện đang làm việc lẫn đã nghỉ tại Meta đều tiết lộ rằng công ty mẹ của Facebook đang âm thầm sa thải bớt nhân viên thông qua cái gọi là cải tổ lại tổ chức, đồng thời giới hạn khả năng thuyên chuyển sang cương vị khác để ép họ nghỉ việc.
Động thái này được đưa ra sau nhiều tuần các giám đốc điều hành Meta công khai thảo luận về nhu cầu tuyển dụng bị đóng băng, đồng thời tránh sử dụng từ sa thải.
Trả lời câu hỏi của WSJ, người phát ngôn Tracy Clayton dẫn lời CEO Mark Zuckerberg hồi tháng 7 rằng công ty cần tái cấu trúc lại nguồn lực để ưu tiên cho những mục đích quan trọng hơn trong bối cảnh áp lực kinh doanh ngày một lớn.
Ông Clayton nói: "Chúng tôi đã công khai về sự cần thiết của các nhóm của chúng tôi để thay đổi để đáp ứng những thách thức này. Ông cho biết việc cho nhân viên bị thay thế một thời gian để nộp đơn xin việc mới là một cách để giữ chân nhân tài mà Meta có thể mất đi". Tuy nhiên, ông từ chối cho biết có bao nhiêu nhân viên đã bị ảnh hưởng bởi những động thái gần đây.
Kể từ quý III năm ngoài, Meta đã bắt đầu cắt giảm chi phí nhưng không hề đụng đến mảng nhân sự mà chủ yếu tập trung vào những khoản ngân sách khác. Áp lực ngày càng lớn từ thị trường, nhất là sự trỗi dậy của Tiktok cũng như việc giới trẻ ngày càng không còn ưa chuộng Facebook hay Instagram đã tạo áp lực lên CEO Mark Zuckerberg.
Tại Meta cũng như nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác, các nhân viên bị sa thải sẽ có cơ hội nộp đơn xin vào vị trí khác trong vòng 30 ngày và những doanh nghiệp này cũng ưu tiên sử dụng người cũ đã quen thuộc với công ty hơn là tốn thêm chi phí tuyển mới.
Trong lịch sử nhân sự của Meta, thường chỉ có những nhân viên không tìm được vị trí thích hợp mới không thể đăng ký vào công việc mới sau khi bị sa thải. Nghĩa là khả năng Meta tuyển dụng lại nhân viên cũ sau khi tái cấu trúc, sang một bộ phận khác là rất cao.
Trước đây, tại Meta, thường chỉ có những nhân viên bị coi là không mong muốn mới không đạt được vị trí mới. Giờ đây, các nhân viên và quản lý bị ảnh hưởng cho biết, những công nhân có danh tiếng tốt và được đánh giá hiệu quả hoạt động mạnh mẽ đang bị đẩy ra ngoài một cách thường xuyên.
Theo số liệu được Meta công bố, hãng đang có 83.553 nhân viên chính thức trong quý II/2022, cao hơn 32% so với cùng kỳ năm trước sau nỗ lực của Mark Zuckerberg để tuyển thêm nhân sự cho mảng vũ trụ ảo. Dẫu vậy, việc gia tăng nhân lực cũng đem lại gánh nặng chi phí cho công ty trong bối cảnh tăng trưởng không còn được như trước.
Không chỉ có Meta, là một phần của các biện pháp cắt giảm chi phí của riêng mình, Google cũng đã yêu cầu một số nhân viên đăng ký công việc mới nếu họ muốn tiếp tục làm việc tại công ty.
Tuần trước, nguồn tin của WSJ cho biết Google đã yêu cầu một nửa nhân viên của công ty con Area 120 phải nộp đơn thuyên chuyển nội bộ trong vòng 90 ngày nếu không muốn bị sa thải.
Google thường cho nhân viên 60 ngày để nộp đơn cho các vai trò khác trong công ty nếu công việc của họ bị cắt giảm, mặc dù nhân viên của công ty con Area 120 thường nhận được nhiều thời gian hơn nếu dự án của họ bị hủy bỏ, theo WSJ.
Vào tháng 3, hơn 1.400 công nhân của Google đã ký một bản kiến nghị yêu cầu công ty kéo dài khoảng thời gian 60 ngày thông thường lên 180 ngày đối với một nhóm hơn 100 nhân viên trong bộ phận điện toán đám mây, với lý do "những rào cản chuyển giao mà nhiều người lao động phải đối mặt".
Một phát ngôn viên của Google cho biết gần 95% nhân viên bày tỏ sự quan tâm đến việc ở lại với công ty đã tìm thấy vai trò mới trong thời gian thông báo. Alphabet có 174.014 nhân viên vào cuối quý II, tăng 20,8% so với năm trước.
Ở Thung lũng Silicon, việc cắt giảm nhân sự là đáng chú ý sau khi các công ty lớn nhất tuyển dụng với tốc độ chóng mặt qua cơn đại dịch. Vào tháng 5/2021, Tom Allison, người đứng đầu ứng dụng Facebook, đã viết một bản ghi nhớ với tiêu đề "Tại sao việc tuyển dụng lại khó khăn như vậy ngay bây giờ?" Ông Allison than thở về "sự mất cân bằng cung cầu lớn giữa nhu cầu tuyển dụng và khả năng sẵn có của nhân tài". Ông viết, với sự thiếu hụt kỹ sư trầm trọng nhất, công ty đang thuê thêm nhiều nhà tuyển dụng, nhưng ngay cả những người đó cũng khó tìm được.
Với tình hình kinh tế gặp rủi ro khủng hoảng, đi kèm lạm phát và sự biến động của thị trường quảng cáo trực tuyến gây áp lực lên Facebook thì thái độ của các giám đốc công nghệ lại thay đổi hoàn toàn.
"Thực tế, có lẽ có rất nhiều người ở công ty không nên ở đây", CEO Mark Zuckerberg đã thốt lên trong hội trường trụ sở Facebook vào tháng 6/2022. Một cách riêng biệt, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của công ty đã đưa ra lời kêu gọi các nhà quản lý xác định những nhân viên đang ủ rũ và đưa họ vào các kế hoạch khắc phục như một khúc dạo đầu cho việc chấm dứt hợp đồng của họ.
Theo các bài đăng được The Wall Street Journal cho biết những người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của Facebook đang kêu gọi các nhà quản lý xác định những nhân viên không đạt chuẩn để đưa ra kế hoạch cải tổ, thứ mà ai cũng hiểu là bước đầu cho sự chấm dứt hợp đồng.
Giá cổ phiếu của Meta đã giảm hơn 56,6% cho đến nay vào năm 2022 và giá trị thị trường của công ty đã giảm hơn 685 tỷ USD kể từ mức đỉnh vào tháng 9/2021 tính đến thời điểm đóng cửa vào ngày 21/9.
Trong khi giá cổ phiếu của gã khổng lồ tìm kiếm Goggle cũng giảm 27,3% trong năm qua. Vào tháng 7, Giám đốc điều hành của Alphabet, Sundar Pichai cho biết Google sẽ giảm việc tuyển dụng trong phần còn lại của năm và kêu gọi nhân viên "có tinh thần kinh doanh nhiều hơn".
Ông Pichai cho biết tại một hội nghị đầu tháng này rằng ông muốn công ty trở nên năng suất hơn 20%, mà không cung cấp chi tiết về cách ông sẽ đo lường sự cải thiện.
(Nguồn: The Wall Street Journal)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp