24/01/2023 07:30
Tục múa lân sư rồng, nét đẹp văn hóa truyền thống ngày Tết
Ngày nay, nhất là vào dịp Tết kéo dài đến hết tháng Giêng, hình ảnh các đoàn lân sư rồng biểu diễn tại các công viên, doanh nghiệp, đường phố... trở nên vô cùng quen thuộc với người dân. Tuy vậy không nhiều người biết múa lân sư rồng là gì và nguồn gốc, ý nghĩa của phong tục này như thế nào.
Trong văn hóa tâm linh của người châu Á, ba linh vật lân - sư - rồng là biểu trưng cho sức mạnh phi thường, đem đến phát đạt và hanh thông trong công việc lẫn cuộc sống, vì vậy nên người xưa quan niệm rằng điệu múa lân này sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng. Vậy tục múa lân này xuất phát từ đâu các quốc gia khác nhau có điệu múa khác nhau như thế nào?
Múa lân sư rồng là gì?
Đây là một loại hình nghệ thuật múa dân gian đường phố bắt nguồn từ đường phố ở tỉnh phía Nam, Quảng Đông, Trung Quốc cách đây hơn nghìn năm. Ba linh vật này đều mang tính thần thoại, đại diện cho mong ước thịnh vượng, may mắn, xua đuổi điềm xấu nên thường được biểu diễn trong các lễ hội, ngày khai trương, Tết Nguyên đán, động thổ…
Linh hồn của bài múa này chính là sự kết hợp giữa nét đẹp tâm linh và võ thuật truyền thống, tùy theo không gian và thời gian mà người ta có thể biểu diễn từng bài và cách múa cho phù hợp.
Ngày nay có rất nhiều cuộc thi múa lân sư rồng để các đội có thể thi tài với nhau, người ta có thể biểu diễn bài múa kết hợp lân với rồng, lân với sư hay kết hợp cả ba loại. Đối với điệu múa lân sư rồng tiếng trống, tiếng thanh loa, chập chõa vô cùng quan trọng, người đánh trống phải đánh phải có bài bản, phù hợp với các bộ pháp như chào, lạy, nằm, ăn, leo lên, tuột xuống, tiết tấu lúc chậm rãi, lúc dồn dập liên hồi như trống trận, từ đó mới có thể lột tả hết sự oai phong, hùng dũng của lân - sư - rồng.
Múa lân sư rồng theo truyền thống hay hiện đại thường kèm theo tiếng trống, tiếng thanh loa, chập chõa tạo hiệu ứng, nhịp nhàng, uyển chuyển thu hút người xem. Người đánh trống cũng phải có bài bản, phù hợp với các bộ pháp như: Chào, lạy, nằm, ăn, leo lên, tuột xuống, tiết tấu lúc chậm rãi, lúc dồn dập liên hồi như trống trận, từ đó mới có thể lột tả hết sự oai phong, hùng dũng của lân sư rồng.
Múa rồng của người Hoa xuất hiện muộn hơn múa lân và múa sư. Rồng là một linh vật tượng trưng cho sức mạnh, quyền uy và sự cao quý, nên hình tượng của rồng được xây dựng ở ngai vàng, cung điện, lăng tẩm, dinh phủ, đình, chùa và những nơi thờ phụng tôn nghiêm. Rồng còn tượng trưng cho đổi mới vươn lên, phồn vinh, thịnh vượng, nên những nước đang phát triển được ngợi ca là "hóa rồng".
Tục múa lân sư rồng bắt nguồn từ đâu?
Rồng và lân đều là những linh vật mang tính thần thoại, được người xưa dựng lên để thể hiện những mong muốn trong cuộc sống. Tục múa lân sư rồng đều được bắt nguồn từ các truyền thuyết cổ xưa của người Trung Quốc, tùy từng vùng miền mà người ta sẽ có những câu chuyện khác nhau để phù hợp với niềm tin tín ngưỡng của người dân địa phương.
Múa lân, múa sư
Theo truyền thuyết miền Nam Trung Quốc, khi xưa ở khu vực ven biển thường xuất hiện quái thú đầu to mắt lồi, miệng rộng gọi là Kỳ Lân lên bờ quấy phá dân làng. Sau khi được ông lão râu tóc bạc phơ (được cho là hiện thân của Bồ Tát) chỉ cách, dân làng liền lấy giấy và vải làm thành hình con quái thú rồi trét bột màu lên nhìn vô cùng dữ tợn sau đó đợi khi quái thú đến thì đem ra nhảy múa trong trong tiếng gõ trống, chiêng,... khiến quái thú sợ hãi chạy mất, từ đó về sau không còn dám đến quấy phá nữa.
Kể từ đó vào các dịp lễ, tết mọi người thường mang hình tượng quái thú ra nhảy múa ăn mừng. Dần dần hình thành trong tín niệm người miền Nam Trung Quốc rằng múa lân sẽ đem lại sự thịnh vượng may mắn và được người xưa gọi là múa Nam Sư. Tại miền Bắc thịnh hành múa sư tử nên gọi là múa Bắc Sư.
Khi xưa người Hoa di cư vào Việt Nam cũng mang theo tập tục này, kể từ đó múa lân, múa sư dần trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt ta.
Múa rồng
Theo dân gian Trung Quốc kể lại, khi xưa sau khi bị một con rít nấp dưới vẩy bên hông cắn làm bị thương, con rồng đã tới nhờ một vị thầy thuốc nhân gian giúp đỡ. Để trả ơn vị thầy thuốc, con rồng đã thể hiện một điệu múa để cầu mưa thuận gió hòa. Từ đó vào dịp lễ hội hay ngày đầu năm mới dân chúng thường biểu diễn múa rồng để cầu mong sức khỏe, may mắn, hanh thông trong cuộc sống. Còn đối với người Việt rồng được xem là Phúc thần mang đến sự an khang thịnh vượng, nên điệu múa rồng sẽ được biểu diễn trong các đại lễ quan trọng dưới hình thức: rước kiệu rồng, múa rồng, đua thuyền rồng,...
Múa rồng được chia thành ba loại: Rồng tơ được chế tạo bằng vải gắn chặt vào cây cứng để múa; rồng tròn được làm bằng giấy cứng, rồng cứng chỉ dùng để rước, khiêng, chứ không biểu diễn. Múa lân hoặc sư chỉ cần hai người, nhưng múa rồng thì phải có nhiều người tập rất công phu để thể hiện được các động tác đồng bộ khi rồng uốn khúc, rồng phóng tới, rồng đảo lại. Múa rồng cần phải có 6 đến hơn 20 người để điều khiển, để phô diễn sức mạnh thần oai của rồng.
Ý nghĩa
Một nhân vật không thể thiếu trong bài múa chính là ông Địa (được xem là hiện thân của Đức Phật Di Lặc), mặc áo dài, tay cầm quạt phe phẩy, vừa xoa xoa chiếc bụng phệ vừa trêu ghẹo chú lân và những người xem biểu diễn, khuôn mặt lúc nào cũng tươi cười hiền lành. Cũng có truyền thuyết kể lại rằng sau khi hàn phục được quái vật (con lân) chuyên phá hoại trên bờ, mỗi lần Tết đến Đức Di Lặc sẽ hóa thân thành ông Địa dẫn quái vật xuống chúc Tết mọi người, biểu trưng cho cái ác hóa lành.
Người xưa cho rằng ông Địa và lân đi đến đâu là sẽ mang phúc lộc đến cho nơi đó bởi vì họ quan niệm con lân có thể xua đuổi được tà ma còn ông Địa sẽ mang điềm lành đến cho nhân gian. Bên cạnh đó hình ảnh ông địa trêu ghẹo, xoa đầu lân sư rồng cũng thể hiện mối quan hệ giữa vạn vật trong nhân sinh đều gắn bó hòa hợp, sâu sắc.
Tục múa lân sư rồng ở các nước châu Á
Tùy vào từng quốc gia mà người ta có thể sáng tạo ra điệu múa phù hợp. Múa lân sư rồng không chỉ mang nét đẹp tâm linh mà còn thể hiện đặc trưng trong văn hóa của người Châu Á.
Trung Quốc
Trung Quốc là quê hương của tục múa lân sư rồng với nhiều truyền thuyết về sự tích ra đời của bộ môn nghệ thuật đường phố này. Ở Trung Quốc, hình dáng của sư tử và các điệu nhảy cũng khác nhau theo từng khu vực.
Trong đó, sư tử miền Bắc thường biểu diễn theo cặp đực và cái, nơ đỏ biểu thị cho con đực và nơ xanh lá cây đại diện cho con cái. Sư tử miền Nam có một chiếc sừng làm điểm nhấn, được làm từ đa dạng các chất liệu. Đặc biệt, những điệu nhảy ở miền Bắc thường vui tươi, nhộn nhịp hơn ở miền Nam.
Tại Trung Quốc điệu múa này có liên quan đến Kungfu hoặc võ thuật, được biểu diễn dưới nền nhạc của trống, chũm chọe, thanh la và cồng chiêng.
Nhật Bản
Múa sư ở Nhật Bản hay còn được gọi là Shishimai. Điều đặc biệt nhất đối với những màn múa sư ở các nước phương Đông khác là điệu múa này chỉ dành cho một người và trang phục cũng không quá nổi bật. Shishimai thường kéo dài 3 phút và được trình diễn với trống Taiko hòa quyện cùng sáo trong các dịp lễ lớn.
Ngoài ra một điều khá thú vị trong cuộc sống tinh thần của người Nhật là họ tin rằng ai được sư tử "ngoạm đầu" sẽ được "ăn" hết vận xui xẻo ở năm trước. Shishimai hiện nay vẫn đang rất thịnh hành và được ưa chuộng tại các tỉnh thành lớn ở Nhật Bản như Hiroshima, Tokyo, Nagano,..
Ở đất nước mặt trời mọc, múa lân sư rồng thường được biểu diễn đầu năm mới để xua đuổi vận xui, mang lại may mắn. Múa lân sư rồng ở Nhật Bản có nhiều biến thể khác nhau, tạo nên sự đa dạng và độc đáo cho loại hình nghệ thuật dân gian này.
Tây Tạng
Ở Tây Tạng, điệu nhảy sư tử còn được gọi là múa lân tuyết, trong đó, sư tử tuyết được xem là biểu tượng của khu vực này. Những điệu múa này thường được biểu diễn trong dịp đầu năm mới hoặc các lễ hội lớn, tượng trưng cho sự tốt lành, niềm vui, sức mạnh và lòng kiêu hãnh. Sư tử tuyết ở Tây Tạng có bộ lông trắng tinh và chiếc bờm xanh hoặc rìa xanh.
Triều Tiên
Múa lân sư rồng ở Triều Tiên cũng có lịch sử lâu đời với những biến thể khác nhau. Trong đó, múa lân được xem như là một nghi thức trừ tà ở đất nước này và thường được biểu diễn vào đầu năm mới để xua đuổi tà ma, đón chào may mắn. Đặc biệt, người dân ở đây còn quan niệm rằng những đứa bé được ngồi trên lưng sư tử biểu diễn sẽ luôn khỏe mạnh và sống thọ.
Việt Nam
Múa lân sư rồng ở Việt Nam giống với khu vực miền Nam Trung Quốc và có thêm các đặc điểm riêng với những hình thù lân sư rồng và những điệu nhảy độc đáo, đặc biệt là múa lân của dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, ông Địa với chiếc bụng phệ và nụ cười hiền từ là một nhân vật không thể thiếu bên cạnh các đoàn lân nước ta.
Ở Việt Nam, rồng còn là hình ảnh mang lại mưa thuận gió hòa, đời sống no cơm, ấm áo cho Nhân dân. Đối với Nhân dân Việt Nam, những người tự hào mình là con rồng, cháu tiên, thì rồng còn hình ảnh cội nguồn của dân tộc.
Nhìn chung ý nghĩa mà hoạt động này mang lại đều giống nhau: cầu mong may mắn, sức khỏe và sự thịnh vượng. Điểm chung quan trọng là người biểu diễn phải làm sao để bài múa có hồn, khắc họa được hình ảnh lân sư rồng kiếm ăn, nằm ngủ, trèo cây,... một cách sinh động.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement