Tết đến gia đình nào cũng vậy, dù sang hay khó cũng đều tất bật chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn, đầy đủ nhất để cúng tổ tiên, mong cho con cháu một năm mới ấm no, hạnh phúc và để cả gia đình vui vầy sum họp ngày đầu năm.
Các món ăn cổ truyền ngày Tết không chỉ đa dạng mà còn chú trọng về hình thức trình bày và màu sắc. Cùng tìm hiểu những món ăn không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết của mỗi gia đình Việt.
Mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt dù có đi đâu cũng không bao giờ thiếu bánh chưng trong mâm cỗ Tết cổ truyền, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh để cúng gia tiên.
Có thể nói, bánh chưng trong tâm thức người Việt là truyền thống "uống nước nhớ nguồn", là món ăn đặc trưng của dân tộc trong những ngày đầu năm mới.
Chắc hẳn hai từ bánh chưng đã rất quen thuộc với mọi người Việt Nam mỗi dịp Tết đến. Vì thế nên trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình Việt không thể thiếu được cặp bánh chưng xanh. Bánh chưng được coi là linh hồn của ngày Tết và là một loại bánh có lịch sử rất lâu đời trong nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
Bánh được làm từ loại gạo nếp ngon, thịt heo, đậu xanh và được gói vuông vắn bằng lá dong sau đó được đem luộc trong khảng 8 - 10 giờ cho đến khi chín. Bánh dẻo, rất thơm mùi thơm của gạo nếp và có màu xanh của lá dong.
Nhắc đến Tết không thể không nói đến bánh chưng xanh. Những tấm bánh vuông vức được gói khéo léo, tài hoa ấy vừa tượng trưng cho đất trời vừa là biểu tượng cho ẩm thực ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Dù là tự tay gói bánh, mua sẵn hay được biếu tặng thì bánh chưng xanh cũng luôn là một món không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt, đặc biệt là người miền Bắc. Ở miền Bắc từ khoảng giữa tháng Chạp, nhiều nhà đã chuẩn bị đậu xanh, lá dong, gạo nếp, ống giang chẻ lạt gói bánh chưng.
Bánh chưng không chỉ là một món ăn truyền thống ngày Tết Việt Nam mà đó còn là một dịp để gia đình sum họp, quây quần bên bếp lửa hồng.
Bên nồi bánh chưng ấm áp, các thế hệ trong gia đình kể cho nhau nghe về những điều đã qua, những dự định tương lai để cùng nhau phấn đấu cho một năm mới sắp đến.
Bánh tét hay bánh chưng xanh không đơn thuần chỉ là một món ăn ngày đầu năm mới mà còn là nét văn hóa đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền của gia đình Việt.
Năm này qua năm khác, những khoanh bánh tét luôn hiện hữu trên bàn thờ của người dân Nam bộ mỗi khi Tết đến xuân về. Người ta dùng những đòn bánh tét ngon nhất, to nhất để dâng cúng ông bà, trời đất vào đêm giao thừa và đãi khách trong ba ngày Tết.
Cứ khoảng 28, 29 Tết, nhà nào nhà nấy đều tất bật chuẩn bị các nguyên liệu để gói bánh như lá chuối, dây lạt, dừa, nếp… Rồi đến 30, các bà, các chị xúm xít nhau ngồi gói bánh, nói cười rôm rả cả một xóm. Đến tối, mọi người lại cùng thức quây quần với nhau để canh nồi bánh tét và đón giao thừa.
Đây là một món ăn kèm không thể thiếu trong các bữa ăn của người miền Nam mỗi dịp tết đến xuân về. Bởi vị chua của củ kiệu giúp cho các món ăn chính đỡ ngán.
Củ kiệu được ngâm chua ngọt; khi ăn kèm tôm khô, rắc thêm miếng đường cát khiến món ăn có đủ vị giòn, dai, mặn, ngọt, hăng, tạo cảm giác thú vị.
Dưa món là món ăn kèm theo bánh tét yêu thích của người dân miền Nam. Nó giống như người dân miền Bắc ăn dưa hành với bánh chưng.
Dưa món bao gồm nhiều loại củ: củ cải, cà rốt, quả đu đủ xanh, củ kiệu, … đã được chế biến kỹ rồi ngâm cùng nước mắm thơm ngon tạo nên một món ăn đặc biệt mà ai cũng phải ghiền khi được thưởng thức.
Thịnh hành trong ẩm thực Việt Nam, như một món ăn vừa phổ thông vừa sang trọng, chả lụa giòn và thơm đậm mùi thịt tươi luộc cộng với mùi đặc trưng của lá chuối tươi được luộc chín.
Được biết đến như một món ăn vừa thông dụng vừa sang trọng, giò lụa là một món ăn thường xuyên xuất hiện trong những bữa ăn của người dân Việt Nam và không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết.
Chả lụa truyền thống được làm từ 3 nguyên liệu chính là thịt nạc thăn giã nhuyễn kết hợp cùng nước mắm ngon sau đó gói trong lá chuối xanh và đem luộc chín.
Với mỗi gia đình miền Nam thì món canh khổ qua nhồi thịt là một món ăn thường ngày quen thuộc. Và nó cũng được sử dụng trong những ngày Tết với ý nghĩa "gian khổ đi qua".
Không những thế, đây cũng là món ăn bổ dưỡng giải nhiệt cơ thể trong những ngày Tết.
Sở dĩ trên mâm cỗ ngày Tết, người miền Nam chọn trái khổ qua vì tên đúng của nó là khổ qua, nghĩa là niềm hy vọng về mọi khó khăn, vất vả sẽ qua hết để năm mới suôn sẻ, may mắn.
Loại trái này chẳng phải quý hiếm, có thể mua ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào, nhưng Tết đến nó mang một ý nghĩa khác biệt.
Có tô canh khổ qua nhồi thịt trên mâm cỗ ngày Tết tự nhiên thấy an tâm lạ, như thể mọi khổ nhọc rồi sẽ qua, bước sang năm mới là mọi việc sẽ khác.
Ngày Tết mà không nhắc đến canh măng thì quả thật là điều vô cùng sai sót. Có rất nhiều loại măng khác nhau như măng xé, măng lá… thế nhưng măng lưỡi lợn là lựa chọn thường thấy nhất trong mâm cỗ ngày Tết.
Nồi canh măng nấu cùng chân giò là một món ăn không thể thiếu của người dân miền Bắc và của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về.
Đó cũng là một nét văn hóa thể hiện truyền thống của người Việt từ xa xưa với thói quen ăn những món có nguồn gốc từ thiên nhiên như măng, khoai… Thiếu đi món ăn này, mâm cơm không còn mang nét đặc trưng của ngày Tết nữa.
Bát canh măng ngày Tết không cầu kì về nguyên liệu chỉ có sự kết hợp của măng khô và chân giò nhưng lại đặc biệt thơm ngon và đòi hỏi người chế biến nhiều công phu, tỉ mỉ.
Tết Nguyên Đán là khởi đầu của một năm mới, là bắt đầu mới cho tất cả mọi công việc. Ngoài ra, tết còn là dịp đoàn tụ gia đình, tưởng nhớ ông bà tổ tiên.
Vì thế, gia đình dù có khó khăn, người ta vẫn không thể qua loa việc chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên, mong tổ tiên phù hộ cho năm mới đầy đủ, ấm no và hạnh phúc.
Trong đó, gà luộc là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Từ trước đến nay thì mọi người luôn tin tưởng rằng gà mang đến niềm may mắn, sự khởi đầu thuận lợi cho một năm mới.
Người ta lựa chọn những con tươi ngon, làm sạch rồi sau đó cho vào nồi luộc cùng với một số gia vị như hoa tiêu, hoa hồi, gừng. Gà luộc chín tới sẽ có màu vàng, không bị rách da và được dùng chấm kèm với muối chanh ớt.
Vị ngọt thơm của miếng thịt gà ăn kèm với lá chanh, chấm muối chanh ớt sẽ tạo nên một hương vị riêng rất khó quên.
Cùng với bánh chưng, bánh tét, món thịt kho tàu ở miền Nam hay thịt đông ở miền Bắc cũng là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết, thường được dọn ăn cùng với bánh chưng, bánh tét và dưa món.
Cũng giống như các món ăn đặc trưng ngày Tết khác, thịt kho tàu cũng không phải là “cao lương mỹ vị” gì nhưng lại có hương vị thơm ngon, rất hấp dẫn kích thích vị giác và đặc biệt là có thể để được lâu, có thể dọn ra dùng bất cứ lúc nào, không phải bận công nấu nướng trong khi vui Tết.
Thịt kho tàu, cùng với bánh tét, dưa hành, canh khổ qua dồn thịt, đã trở thành món không thể thiếu trong thực đơn ngày Tết của người Nam bộ.
Thực hiện: NGỌC CHÂU