10/11/2023 15:26
Trùm tỷ phú Nga 'trám' chỗ trống sau khi các công ty đa quốc gia rời đi
Làn sóng doanh nhân mới nhất nắm bắt cơ hội sau khi xung đột khiến các công ty đa quốc gia phải rời đi vì áp lực từ các lệnh trừng phạt và các nhà đầu tư của chính họ.
Các ông trùm nhảy vào lấp đầy khoảng trống
Theo ước tính từ cơ quan nghiên cứu và tin tức AK&M, gã khổng lồ thức ăn nhanh McDonald's, tập đoàn đóng gói Ball Corp và nhà sản xuất hóa chất Henkel AG là một trong những công ty đã bán các doanh nghiệp trị giá ít nhất 21 tỷ USD vào năm 2022 và nửa đầu năm nay.
Một ví dụ về việc chiến tranh đang định hình lại thế giới kinh doanh của Nga khi người mua không đến từ tầng lớp giàu có nhất đất nước và các thương hiệu nội địa thậm chí còn "vô danh" ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp này đã âm thầm kinh doanh trong nhiều thập kỷ ở Nga, và chưa bao giờ bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ hoặc EU.
Các ông trùm tỷ phú là những người được hưởng lợi cuối cùng từ việc nước Nga ngày càng hướng nội trong làn sóng tái phân phối tài sản mới nhất. Những nhà tài phiệt đầu tiên đã xây dựng sự giàu có của họ từ tài nguyên và ngân hàng hơn ba thập kỷ trước, sau khi Liên Xô sụp đổ.
Ivan Tavrin, cựu giám đốc một công ty di động Nga và là đối tác cũ của tỷ phú Alisher Usmanov, gần đây đã chi hơn 2 tỷ USD vào Avito, doanh nghiệp rao vặt địa phương của Prosus NV. Ông còn mua nhiều tài sản khác và trở thành nhà giao dịch thời chiến lớn nhất cho đến nay.
Tập đoàn Arnest của Alexey Sagal tập trung vào nước hoa và mỹ phẩm trước khi mua lại công ty đóng gói đồ uống của Ball vào tháng 9 năm ngoái, và mua lại các hoạt động tại Nga của Heineken, bao gồm bảy nhà máy bia vào tháng 8 năm nay.
Vợ của Sagal, Elena từng là tổng giám đốc của Arnest, trước khi giữ chức thượng nghị sĩ thượng viện trong vài năm cho đến năm 2012 với tư cách là thành viên của đảng cầm quyền.
Alexander Govor là một trong những nhà giao dịch đầu tiên nhảy vào khi các công ty nước ngoài bắt đầu rời đi, mua lại McDonald's ở Nga vào tháng 5 năm ngoái và các nhà máy đóng gói vào tháng 9.
Tài sản của Govor bắt nguồn từ việc ông nắm giữ Yuzhkuzbassugol, một trong những nhà sản xuất than cốc lớn nhất của Nga. Ông rời công ty vào năm 2007 sau hai vụ nổ mỏ chết người và phải bán hết công ty cho Evraz của tỷ phú Roman Abramovich. Nhiều năm sau, doanh nhân này trở thành đối tác nhượng quyền của McDonald's.
Một số ông trùm đã thành danh cũng tìm cách hưởng lợi từ sự di cư của các công ty quốc tế. Trước khi Vladimir Potanin, người giàu nhất nước Nga bị Mỹ và Anh trừng phạt, ông đã mua lại Rosbank PJSC từ Societe Generale SA. Tỷ phú này đã mua ba nhà máy ở Nga từ công ty bao bì toàn cầu Amcor Plc với giá khoảng 370 triệu euro (395 triệu USD).
Quy tắc của điện Kremlin
Việc nhiều công ty phương Tây đang chần chừ hoặc chưa thể rời bỏ thị trường Nga xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả chủ quan và khách quan.
Để trả đũa các lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây, Moscow đã cấm bán tài sản của Nga. Vì vậy, các công ty được khuyến khích đầu tư vào Nga trong những năm gần đây đang bị "khóa chặt" với các doanh nghiệp, nhân viên và chuỗi cung ứng địa phương.
Quá trình rời Nga tương đối phức tạp và mất nhiều thời gian khi Điện Kremlin ban hành quy định buộc các doanh nghiệp phương Tây phải xin phép nhà nước Nga nếu muốn bán tài sản.
Nga cũng tịch thu tài sản và cấm các ngân hàng nước ngoài và các công ty năng lượng bán cổ phần nếu không có sự chấp thuận của đích thân Tổng thống Vladimir Putin.
Theo các quy định được đưa ra hồi đầu năm nay, các doanh nghiệp muốn bán tài sản ở Nga của họ phải đóng góp bắt buộc vào ngân sách ngay cả khi họ bán chúng với một khoản tiền tượng trưng hoặc miễn phí.
Alexander Iskov của Bloomberg Economics cho biết, khi người dân địa phương mua tài sản do nước ngoài nắm giữ, mối lo ngại là họ đang cố gắng nắm bắt các thị trường có giá trị cao mà trước đây khó thâm nhập.
Ông Andrii Onopriienko, Giám đốc dự án tại KSE, cho biết rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài không có khả năng rời khỏi Nga theo cách thông thường. Sức ép từ các chính sách của Nga khiến các công ty này chỉ biết nín thở đợi chờ.
Tuy nhiên, một khi các công ty càng chần chừ, thời gian càng kéo dài thì nỗ lực rời thị trường Nga lại càng phức tạp và tốn kém hơn. Thậm chí, nhiều công ty sẽ mất khả năng bán doanh nghiệp của mình, tiếp tục thua lỗ và cuối cùng có thể bị quốc hữu hóa tài sản hoặc bị mua lại với giá bèo bọt.
"Thường có rất ít không gian để tăng quy mô sản lượng, do đó có ít động lực để đầu tư hoặc thu hút vốn. Tiền thuế do các công ty nước ngoài đóng góp đang phần nào giúp Moscow duy trì các hoạt động quân sự, đồng thời cho phép người Nga tận hưởng các tiện nghi cũng như chất lượng cuộc sống không khác nhiều so với trước đây", Iskov nói.
(Nguồn: Bloomberg)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement