07/07/2021 15:28
TP.HCM: Nhiều chợ đóng cửa, đặt online 'mất hút', dân đổ xô đi siêu thị
TP.HCM quá tải từ siêu thị đến các kênh bán hàng online vì người dân lo sợ thành phố phong tỏa sẽ không mua được thực phẩm.
Ngày 7/7, nhiều siêu thị tại TP.HCM ghi nhận cảnh người dân đổ xô đi mua sắm sau khi chợ đầu mối và nhiều chợ truyền thống đóng cửa.
Dù các siêu thị đã chủ động mở cửa sớm, đóng cửa muộn để phục vụ người dân nhưng lượng người đến mua quá nhiều. Tại các quầy tính tiền, người dân xếp hàng dài, đông hơn cả những dịp cận Tết hàng năm.
Chị Thu Hằng, nhà ở quận 4 cho hay, thường chị mua online để đỡ mất công đi lại. Tuy nhiên, vào các trang web, facebook của các đơn vị vẫn mua mỗi ngày lại liên tục báo lỗi, điện thoại đến số hotline thì máy bận.
Tương tự, chị Thuỳ Linh ở quận 2 cho biết, thường xuyên đi mua hàng ở MM Mega Market An Phú (TP.Thủ Đức) qua online. Sau khi đặt hàng sẽ có nhân viên xác nhận để hẹn giao. Thế nhưng, hôm nay đặt hàng rồi mà chờ mãi không có ai trả lời, dù đơn hàng đã được xác nhận.
Chị Kim Chung nhà ở quận 7 cho biết, do là khách hàng VIP tại BigC nên chị thường xuyên được giao hàng miễn phí. Vì biết diễn biến dịch phức tạp nên hơn 1 tuần nay thay vì đi siêu thị, chị chọn cách mua hàng online tại siêu thị và giao hàng tận nhà.
"Đơn đặt hàng đã 1 tuần rồi, mà giờ này tôi vẫn chưa nhận được hàng. Sợ bị phong toả thì không chuẩn bị kịp, nên sáng sớm nay tôi đã dậy rất sớm để đi mua nhằm tránh phải xếp hàng quá lâu", chị Chung cho biết.
Khảo sát tại siêu thị Saigon Co.op sáng 7/7, lượng hàng hoá từ rau, củ, quả và thực phẩm khác vẫn dồi dào. Tuy nhiên do lượng người mua quá đông nên nhân viên siêu thị cho biết phải nhập hàng về kho liên tục.
Đại diện Saigon Co.op khẳng định, phía siêu thị đã chuẩn bị lượng hàng tăng từ 3-5 lần so với ngày thường nên người dân có thể yên tâm, không lo thiếu.
Tương tự như vậy, đại diện VinMart quận 4 cho biết, đồ khô thì không bao giờ thiếu, nhưng rau, củ quả và thực phẩm thì vừa kịp đưa hàng ra kệ đã bán sạch.
Nhân viên tại các siêu thị đều khẳng định, hàng hoá liên tục được nhập về kho và được chuyển liên tục lên kệ, nên sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm. Tuy nhiên sẽ có thời điểm do nhiều người cùng mua một lúc nên hàng tại quầy như rau, củ tươi sẽ hết sớm.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM khẳng định dù TP.HCM có áp dụng chỉ thị nào, quy định ra sao thì thành phố sẽ luôn ưu tiên việc cung cấp hàng hóa, thực phẩm. Các chợ được mở cửa sẽ tăng công suất phục vụ cho nhu cầu của người dân. Các siêu thị vẫn hoạt động bình thường, lượng hàng hoá tăng. Vì thế, việc chợ đầu mối đóng cửa thì không có nghĩa khan hàng hoá. Chợ đầu mối chỉ là nơi trung chuyển hàng hoá đến các nơi, thành phố sẽ điều phối để các khu vực đều đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Tính đến ngày 7/7, TP.HCM đã có 125/234 chợ truyền thống tạm ngưng do có liên quan ca nhiễm Covid-19, trong đó có 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn.
Để điều tiết hàng hóa thông suốt, đêm 6/7 Sở Công Thương TP.HCM đã gửi văn bản đến 22 Sở Công Thương các tỉnh, đề nghị thông tin đến các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại các chợ đầu mối, hướng dẫn họ tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp