19/07/2021 18:34
TP.HCM chuẩn bị cho phép các chợ truyền thống hoạt động trở lại
Ngày 19/7, trước thông tin nhiều chợ truyền thống đang chuẩn bị điều kiện an toàn để mở cửa trở lại phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa lương thực, thực phẩm cho người dân, Sở Công thương TPHCM đã thông tin nêu rõ về vấn đề này.
Theo Sở Công thương TP.HCM, hiện thánh phố có 197/237 chợ truyền thống tạm ngừng hoạt động, trong đó có ba chợ đầu mối. Như vậy, hiện nay, TP.HCM chỉ còn 40 chợ truyền thống đang hoạt động trên địa bàn.
Hiện TP đã có chủ trương mở cửa các chợ truyền thống, để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu cho nhân dân được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Các chợ đang tạm ngưng hoạt động chỉ được mở trong điều kiện như sau: đảm bảo an toàn, kiểm soát dịch bệnh là yêu cầu có tính bắt buộc; có biện pháp kiểm soát hướng dẫn lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng, mật độ người đi chợ đảm bảo 5K; tổ chức mua bán tránh tiếp xúc tối đa giữa tiểu thương và người mua, khuyến khích bán hàng đồng giá…
Ngành hàng bán phục vụ là thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Nếu không gian chợ chưa đảm bảo thì có thể sử dụng các mặt bằng phù hợp để họp chợ an toàn.
Việc tạm dừng hoạt động hoặc mở lại do UBND quận, huyện căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế quyết định. Hiện nay các quận, huyện đã tổ chức mở cửa hoạt động trở lại ba chợ truyền thống bị đóng cửa là chợ Phú Thọ (quận 11), chợ An Đông (quận 5) và chợ Kiến Thành (quận Bình Tân).
Ngoài ra, các địa phương cũng đang dự kiến mở các điểm bán hàng tươi sống, rau củ, quả tại chợ vào tuần sau khi có kết quả xét nghiệm của tiểu thương và phương án tổ chức hoạt động chợ được phê duyệt gồm: chợ Kiến Thành (quận Bình Tân ), chợ Xã Tây (Quận 5 ), chợ Phú Định và chợ Minh Phụng (Quận 6), chợ Phú Lợi 1 và chợ Phú Định (quận 8 ), chợ Nhật Tảo (quận 10 ), chợ Bà Lát và chợ Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn), chợ Cầu Kinh và chợ Ấp 3 (huyện Nhà Bè).
Theo Sở Công Thương TP.HCM, sau khi ngừng hoạt động, một số chợ như chợ Phú Lâm, Minh Phụng, Bình Tây, Tân Hoà Đông, Nguyễn Văn Trỗi, Bàn Cờ, Bùi Phát, Phạm Văn Cội, Tân Phong, Phước Thạnh... đã mở mô hình bán hàng trực tuyến. Ban quản lý các chợ đã kết nối, triển khai đến các tiểu thương thực hiện duy trì việc cung ứng hàng hóa cho người dân bằng hình thức bán hàng qua điện thoại, tiểu thương đăng ký với Ban Quản lý thông tin tham gia bán hàng để Ban Quản lý thiết lập poster quảng bá ngay tại cổng chính chợ, treo thông tin xung quanh chợ, nơi người dân dễ nhận thấy nhất.
Việc tạm dừng hoạt động hoặc mở lại các chợ truyền thống do UBND quận huyện căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế quyết định.
Đồng thời, Sở Công thương đã có hướng dẫn giải pháp thí điểm về phương án tổ chức kinh doanh thực phẩm tươi sống, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để đặt lịch và quản lý khách đi chợ, các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch: 5K, phân luồng, bán hàng đồng giá, dựng vách ngăn...
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp