26/04/2023 13:15
Tiếp cận tín dụng là mối lo lớn nhất của 55,6% doanh nghiệp
Theo VCCI, tiếp cận tín dụng là khó khăn chung của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, song các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ đang là nhóm khó tiếp cận tín dụng hơn cả trong năm 2022.
Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, số doanh nghiệp dừng hoạt động, đóng cửa, giải thể vượt quá số doanh nghiệp gia nhập thị trường, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ quan ngại trong báo cáo gửi tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
Theo đó, trung bình mỗi tháng trong quý 1/2023, khoảng 20.100 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ có 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, số doanh nghiệp dừng hoạt động, đóng cửa, giải thể vượt quá số doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Tình hình kém lạc quan này không chỉ thể hiện qua số liệu thống kê về tăng trưởng, mà còn phản ánh qua chỉ số niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp ở mức gần như thấp nhất trong suốt 18 năm VCCI triển khai khảo sát doanh nghiệp thường niên.
Trong năm 2022, chỉ 5,1% doanh nghiệp tăng vốn đầu tư và 4,9% doanh nghiệp tăng quy mô lao động, giảm đáng kể so với mức tương ứng của năm 2019 (với tỷ lệ lần lượt là 8,3% và 11,5%). Về hiệu quả kinh doanh, năm 2022 chỉ 42,6% doanh nghiệp tư nhân cho biết họ có lãi, thấp hơn đáng kể con số 63% của năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ năm 2022 là 35,3% trong khi năm 2019 chỉ ở mức 23,4%, theo SGGP.
Theo khảo sát năm 2022, các doanh nghiệp FDI đã có dấu hiệu sự phục hồi sau đại dịch COVID-19. Năm 2021 có 38,7% doanh nghiệp FDI báo lãi (mức thấp kỷ lục 12 năm qua), thì đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng lên mức 42,8%. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm từ mức cao kỷ lục 47,9% năm 2021 xuống còn 44,9% năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp tăng quy mô lao động tăng từ 50,6% của năm 2021 lên 56,8% của năm 2022, song vẫn thấp hơn đáng kể con số 61,6% của năm 2019. Chỉ có 6,24% doanh nghiệp FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư trong năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 2014.
Vẫn theo báo cáo nêu trên của VCCI, những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp đang gặp phải là tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, thị trường bị thu hẹp, khó khăn trong tìm kiếm khách hàng và tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn kéo dài. Một số khó khăn đáng chú ý khác bao gồm biến động thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh, tuyển dụng nhân sự và tìm kiếm nhà cung cấp.
Đáng lưu ý, báo cáo chỉ ra khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận tín dụng. Cụ thể, trong năm 2022, tiếp cận tín dụng đã trở thành mối lo lớn nhất của 55,6% doanh nghiệp, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.
Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Điển hình năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng là 49,4%, đến các năm 2018 và 2019 là 45% và 43%, năm 2020 là 42,9% đến 2021 chỉ còn 35,4%, nhưng sang năm 2022, tỷ lệ này chỉ còn là 17,8%, theo VnEconomy.
Theo VCCI, tiếp cận tín dụng là khó khăn chung của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, song các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ đang là nhóm khó tiếp cận tín dụng hơn cả trong năm 2022.
Khảo sát PCI 2022 cho thấy, trở ngại lớn nhất là việc doanh nghiệp không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp (79,4%); "các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp tư nhân" (58,7%), tăng mạnh từ con số 41,8% của năm 2021; "thủ tục vay vốn phiền hà" (58,6% so với 46,2% năm 2021); tình trạng "doanh nghiệp phải 'bồi dưỡng' cho cán bộ tín dụng để vay vốn" (55,8% trong khi năm 2021 là 37,3%), và "cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp" (49,8% trong khi năm 2021 là 27,4%).
Thậm chí, để tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ cũng không hề dễ dàng với doanh nghiệp. 56,7% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ này. Rào cản lớn nhất là điều kiện được vay, "thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục" vay.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp